1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tôi đi bán hàng đa cấp (2):

Công nghệ... rỉ tai và những "con thiêu thân"

(Dân trí) - Trong vòng xoáy của hệ thống bán hàng đa cấp, một qui định bất thành văn giống như “luật im lặng” trong giới Maphia của Italia trước đây, đó là: Chỉ nói tốt về công ty, không ai nói mình bị lừa.

Và thế là cứ người sau nối vào người trước để nộp tiền, mua hàng và trở thành thành viên các công ty này. Hậu quả là người tham gia làm thành viên lãnh đủ, chỉ các công ty bán hàng đa cấp là  sống phởn phơ, làm giàu trên sự nhẹ dạ, cả tin của người khác.

 

“Tiên sư thằng nào... bảo thằng nào”

 

Vừa rời công ty SL và đang loay hoay chưa biết làm gì với cái nồi áp suất và... áo nịt ngực, tôi giật mình khi có người vỗ vai. Hoá ra là Hoàng, bạn học từ hồi phổ thông. Biết tôi vừa trở thành  một Hợp tác viên,  Hoàng cười: “Ông lại chui đầu vào rọ rồi, tôi vào được hơn 3 tháng, giờ đang cố giới thiệu vài người, bù lại số tiền đã mất rồi... phắn đây”. Rồi Hoàng chỉ vào hai thứ “bảo bối” mà tôi vừa mua hỏi: “ông có biết giá trị thực của hai món hàng này không? thực ra nó có giá dưới 1.200.000đ”, rồi nó tư vấn: “Thôi, đã trót sa chân thì cố vớt vát, giới thiệu lấy vài người, kiếm hoà vốn rồi biến thôi”.

 

Nghe nó nói vậy nhưng tôi vẫn bán tín bán nghi vì trước đó, tôi cũng đã “bí mật” gặp gỡ một số HTV ở trong phòng, dò hỏi họ về khả năng cũng như thu nhập của nghề này và có tới... hơn 100% đều xuýt xoa nói với tôi đây là cơ hội có một không hai trong cuộc đời, mỗi tháng kiếm mươi triệu là điều rất dễ dàng. Tôi chia sẻ điều này với Hoàng, nó cười: “nếu ông không phải là bạn tôi, nếu ông mà... chưa mua hàng chắc tôi cũng khen để còn... mời ông mua chứ”.

 

Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện dân gian viết về một ông Trạng nào đó, ông dựng một cái lều giữa hồ, bên trong đó viết dòng chữ “tiên sư thằng nào bảo thằng nào” rồi bán vé cho mọi người vào xem, ai cũng tò mò muốn biết bên trong là gì nhưng khi vào xem rồi, lúc quay ra chẳng ai chịu bảo ai nên người sau lại tò mò vào xem và thế là ông Trạng ngồi hốt bạc.

 

Công nghệ... rỉ tai

 

Nghị định số 110/2005/NDD-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của chính phủ ban hành ngày 24/8/2005:“Nhà nước nghiêm cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia phải trả tiền hoặc trả bất kỳ khoản phí nào dưới hình thức khoá học, khoá đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội hay các hoạt động tương tự khác để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp...".

Hoàng kéo tôi vào quán nước rồi giải thích cho cái đầu “ngu muội” của tôi, hắn nói, thực chất bán hàng kiểu này là lấy tiền của người sau nộp cho người trước, giá hàng hoá thì cực cao mà chẳng ai có thể xác minh được giá trị thực của món hàng vì chẳng có điều kiện (tôi lờ mờ hiểu ra  khi nhận thấy hàng của công ty toàn bằng chữ Tàu và nhãn hiệu thì... lần đầu tiên tôi nhìn thấy). Nó nói rằng, làm công việc này chỉ quan tâm đến hoa hồng được hưởng để gỡ lại số tiền đã trót mua hàng với giá quá cao mà thôi. Chính vì vậy mà cứ người trước nói tốt để người sau “nhập hội” và mình được hưởng hoa hồng trên số tiền của người sau.

 

Rồi nó tư vấn: “Ở Hà Nội bây giờ ai cũng biết “chất” của bán hàng đa cấp nên khó kéo thêm người lắm (Có lẽ vì thế mà trụ sở công ty này một năm phải chuyển chỗ tới 4-5 lần cho... mới). Ông phải về quê, chỉ có về quê mới dễ kiếm người. Kể ra nếu chịu khó đi lại  và hạ thấp... nhân cách một chút chắc cũng có tiền”.  Và theo sự giải thích của Hoàng thì bán hàng thế này người ta gọi là “bán hàng kiểu rỉ tai", bởi hầu hết người mà mình lôi kéo tham gia thường là người thân thích, gần gũi nhau như bà con họ tộc, hàng xóm hay bạn bè. Người mời cứ thì thầm, tỉ tê, nói tốt đẹp về công việc này và thế là... có tiền.  Nó còn thì thầm ra vẻ bí mật: “Sinh viên cũng là một thị trường béo bở đấy, nhiều sinh viên con nhà nghèo, thấy hình thức này dễ kiếm nhiều tiền nên không ít người chấp nhận vay mượn, bỏ ra một khoản tiền khá lớn để trở thành thành viên mạng lưới”.

 

Bây giờ thì tôi hiểu vì sao đa phần số ngưi tôi gặp hôm nay đều có dáng dấp dân quê!

 

Rồi như để thể hiện sự hiểu biết của mình về hoạt động bán hàng đa cấp, nó thao thao kể câu chuyện về công ty Savincom, một công ty cũng có kiểu hoạt động kinh doanh đa cấp,  công ty này có  chiêu “cực độc” để dụ dỗ  và “móc túi” khách hàng.  Mỗi người muốn trở thành thành viên công ty đó phải đóng 100USD (tiền thật 100%) nhưng sản phẩm mang về là sản phẩm ảo, đó là... quyền được gửi email quảng cáo đến 10.000 người khác là thành viên trong mạng bán hàng. Mỗi khi giới thiệu được một người khác tham gia sẽ lập tức được hưởng 50% hoa hồng. Thế là mọi người tranh nhau đăng ký nộp tiền làm thành viên.

 

Câu chuyện giữa tôi và Hoàng chỉ kết thúc khi một “khách mời” do Hoàng giới thiệu đang lơ ngơ đi ra phía cổng công ty. Chắc nó sợ vuột mất con mồi nên vọt thẳng chẳng kịp chào tôi.

 

Vậy là hàng đã mua, tiền đã... mất mà tôi lại chẳng đủ can đảm để đi thuyết phục, dụ dỗ thêm ai nữa tham gia vào cái mạng bán hàng đa cấp này. Chỉ có hai cô em tiếc hùi hụi nên vẫn hàng ngày cặm cụi ôm điện thoại gọi khắp nơi với hy vọng “vớ” được ai đó tham gia để bù đắp phần nào số thiệt hại và thi thoảng lại rú lên mừng rỡ khi có ngưi nhận lời. Và thế là một vòng quay mới lại bắt đầu với cái tên nghe không còn lạ nữa: Kinh doanh đa cấp.

 

Theo ước tính của Bộ Thương mại, tại Việt Nam hiện có khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động theo phương thức bán hàng đa cấp. Và thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp bán hàng truyền tiêu đa cấp thâm nhập vào thị trường Việt Nam gấy rối loạn thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã bị công luận phát hiện sai phạm, như Vision nhập thực phẩm nhưng quảng cáo những sản phẩm này là thuốc chữa bệnh; Niken bán sản phẩm quá giá (cao hơn giá trị thật của sản phẩm hàng chục lần, bắt hợp tác viên phải mua sản phẩm để được vào mạng lưới bán hàng); hay Công ty Thế giới mới chiếm đoạt hàng tỉ đồng của đại lý... Điều đáng quan tâm là một số doanh nghiệp sau khi bị phát hiện đã đổi tên, chuyển địa bàn và tiếp tục làm ăn lối cũ.

 

Đức Hoà

 

Phần 1: Tôi đi bán hàng đa cấp