Công khai việc nhập kit test Trung Quốc sẽ tránh được vụ Việt Á?
(Dân trí) - Nhìn lại các vụ "đại án" vừa qua, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu như làm tốt vấn đề dân chủ cơ sở sẽ tránh được vi phạm, phải xử lý như vừa qua.
Sáng 14/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu công khai thông tin nhà nước phải mua kit test của Việt Á với giá cụ thể, đồng thời hải quan cũng công khai thông tin Việt Á đã nhập bao nhiêu kit test từ Trung Quốc, thì chắc chắn các địa phương, CDC các tỉnh thành không phải mua như giá Việt Á bán. Đồng thời, không xảy ra tình trạng hàng loạt vi phạm như thời gian vừa qua.
Ví dụ khác được ông Cường nêu ra với vụ việc xảy ra ở Hà Nội, cựu Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước ao hồ. Nếu như công bố công khai cho người dân biết nước hồ này phải xử lý bằng Redoxy-3C, được mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp cho thành phố thì chắc chắn không thể kéo dài từ năm 2016 đến 2020 mới phát hiện sai phạm.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, nhìn lại tất cả các vụ án tham nhũng, từ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán đấu thầu thiết bị y tế, vụ mua bán của MobiFone… sẽ thấy các vụ việc có nhiều điểm giống nhau. Cụ thể, tất cả các vụ này đều thực hiện rất đúng các quy trình, có đầy đủ các cơ quan có chức năng định giá tham gia, nhiều người tham gia.
"Một điểm giống nhau nữa giữa các vụ việc đó là không được minh bạch, không được công khai cho người dân biết", ông Cường nói và cho rằng, nếu công khai cho người dân biết thì tất cả những vụ này đều được ngăn chặn từ trước.
Từ phân tích trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị với những nguồn lực công liên quan tới người dân thì cần công khai, trừ những cái thuộc về bí mật nhà nước. "Thực tế cuộc sống thay đổi rất nhiều, do vậy, trong luật cần quy định các vấn đề được công khai", ông Cường nói.
Đại biểu đoàn Hà Nội còn đề nghị không nên quy định cụ thể như công khai thông tin qua ứng dụng cụ thể từng mạng xã hội, vì hôm nay có ứng dụng này, ngày hôm sau lại có cái khác. Ông Hoàng Văn Cường đề nghị chỉ nên quy định đầu ra tỷ lệ người được biết chứ không nên quy định cụ thể phương thức công khai thông tin.
Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị trong luật không quy định Thanh tra nhân dân, dù theo ông, đề xuất này có thể nhiều ý kiến không tán thành. "Tôi thấy rằng chế định Thanh tra nhân dân là chế định cực kỳ hình thức và lâu nay dường như chúng ta bỏ quên chế định này trong Luật Thanh tra", ông An cho hay.
Ông Trịnh Xuân An cho biết, HĐND cấp xã, phường, thị trấn cũng là cơ quan đứng ra giám sát. "Giờ có thêm Thanh tra nhân dân, rồi còn có Ban giám sát đầu tư xây dựng cơ bản nữa, đặc biệt là gắn với 2 cơ cấu rất quan trọng đó là mặt trận và công đoàn thì có cần thiết phải xây dựng nhiều mô hình cơ quan thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra không?", đại biểu đề nghị cân nhắc rất kỹ quy định về Thanh tra nhân dân.