"Công an xã là người bạn gần gũi, tin cậy của người dân ở cơ sở"
(Dân trí) - Giám đốc Công an Hưng Yên chia sẻ: "Chúng tôi xác định rõ vai trò: "Công an tìm đến dân", "Lúc dân cần, lúc dân khó có công an". Công an xã chính là người bạn gần gũi, tin cậy của người dân ở cơ sở".

Sau một thời gian triển khai mô hình công an hai cấp theo hướng chính quy, tinh gọn và hiệu quả, lực lượng Công an tỉnh Hưng Yên đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) tại cơ sở.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá Nguyễn Thanh Trường, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã có những chia sẻ cụ thể về hiệu quả thực tiễn, những khó khăn trong quá trình triển khai, cũng như định hướng nâng cao chất lượng lực lượng công an cấp xã trong thời gian tới.
Chuyển biến từ chủ trương lớn đến hành động thực tiễn
Thưa ông, sau một thời gian triển khai mô hình công an hai cấp gồm công an cấp tỉnh và công an cấp xã, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả thực tế tại Hưng Yên?
- Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức theo mô hình hai cấp là chủ trương lớn của Đảng và Bộ Công an, thể hiện trong nhiều văn kiện quan trọng như Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 và Nghị quyết 12-NQ/ĐUCA ngày 25/7/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương.
Tại Hưng Yên, Đảng ủy và Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, bài bản theo lộ trình khoa học. Quá trình tổ chức thực hiện luôn nhận được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự nghiêm túc, thống nhất cao từ đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ chiến sĩ trong toàn lực lượng.
Kết quả cho thấy, mô hình công an hai cấp đã giúp tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm mạnh đầu mối và tăng hiệu lực hoạt động. Cụ thể, Hưng Yên đã kết thúc hoạt động của 10 đơn vị Công an cấp huyện, giảm 4 đầu mối cấp phòng, 32 đầu mối cấp đội và 22 đơn vị công an cấp xã. Việc rà soát, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị đảm bảo hợp lý, tránh chồng chéo, trùng lặp.

Đại tá Nguyễn Thanh Trường, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên (Ảnh: A.Tuấn).
Lực lượng công an cấp xã và các đơn vị trực tiếp chiến đấu được tăng cường về cả số lượng và chất lượng, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu. Công tác xây dựng Đảng và xây dựng lực lượng luôn được chú trọng. Nhờ đó, chất lượng các mặt công tác công an được nâng lên rõ rệt. Nhiều năm liền, Công an tỉnh Hưng Yên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ vững ổn định ANTT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Việc đưa công an chính quy về xã đã tạo ra những thay đổi gì rõ nét trong công tác đảm bảo ANTT tại địa phương, thưa ông?
- Có thể nói, chủ trương đưa công an về xã là bước đi có tính chiến lược, đúng đắn, phù hợp với yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Cán bộ công an xã chính quy được đào tạo bài bản về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ; có kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao.
Tại cơ sở, họ chủ động triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, lực lượng công an xã cũng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ban hành và triển khai kế hoạch đảm bảo ANTT; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Hoạt động trực ban, trực chiến, quản lý địa bàn, nắm tình hình, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật… đều được thực hiện bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn so với thời kỳ còn lực lượng bán chuyên trách. Những tồn tại trước đây như thiếu tính ổn định, ảnh hưởng dòng tộc, thiếu chuyên môn đã được khắc phục rõ rệt.


Nhờ phương châm "phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở", lực lượng công an cấp xã đã chủ động phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ việc liên quan đến ANTT ngay tại địa bàn. Hiệu quả công tác ngày càng được khẳng định, vai trò là lực lượng nòng cốt ở cơ sở ngày càng được củng cố. Minh chứng rõ rệt là nhiều địa bàn từng phức tạp đã được chuyển hóa, điển hình như xã Thủ Sỹ (huyện Tiên Lữ), thị trấn Yên Mỹ (huyện Yên Mỹ) và phường Dị Sử (thị xã Mỹ Hào) đã được đưa ra khỏi danh sách các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT.
Vượt khó xây dựng lực lượng chính quy tại cơ sở
Trong quá trình triển khai mô hình mới, lực lượng công an cấp xã tại Hưng Yên gặp những khó khăn gì, và đã có giải pháp nào để khắc phục, thưa ông?
- Khó khăn lớn nhất ban đầu là về quân số. Mỗi xã chỉ có khoảng 5 cán bộ chiến sĩ, trong khi khối lượng công việc rất lớn. Đến nay, chúng tôi đã nâng mức tối thiểu lên 8 người/xã, trung bình toàn tỉnh đạt hơn 11 người/xã.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị ban đầu cũng rất thiếu thốn. Phần lớn Công an xã phải làm việc chung tại trụ sở UBND xã, không có nơi ăn nghỉ, thiếu phương tiện phục vụ công tác nghiệp vụ.
Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ công an cấp xã chủ yếu là người trẻ, còn thiếu kinh nghiệm, chưa thông thạo địa bàn, phong tục, tập quán địa phương.


Công việc lại nhiều, đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện các đề án lớn như phòng, chống dịch Covid-19, cấp căn cước công dân, định danh điện tử (Đề án 06)...
Trước những khó khăn đó, Đảng ủy và lãnh đạo Công an tỉnh đã chủ động có nhiều biện pháp tháo gỡ. Chúng tôi quan tâm sát sao đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, động viên cán bộ chiến sĩ (CBCS) vượt khó, giữ vững tinh thần trách nhiệm.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ được đẩy mạnh. Các lớp tập huấn được tổ chức thường xuyên. Chúng tôi cũng thành lập Tổ tư vấn từ các lãnh đạo giàu kinh nghiệm để hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời.
Về cơ sở vật chất, công an tỉnh tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huy động nguồn lực đầu tư. Đến nay, 52 đơn vị công an cấp xã đã có trụ sở làm việc độc lập, 61 đơn vị khác đang xây dựng. Phấn đấu đến cuối năm 2025, 100% công an cấp xã trên địa bàn sẽ có trụ sở làm việc độc lập, hiện đại, phục vụ tốt nhiệm vụ.
Phát huy vai trò nòng cốt của công an xã trong kỷ nguyên số
Theo ông, mô hình công an hai cấp có đáp ứng yêu cầu bảo đảm ANTT trong thời gian tới?
- Tôi cho rằng mô hình công an hai cấp hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh gọn bộ máy và tối ưu hiệu quả hoạt động. Trong bối cảnh hiện nay và cả giai đoạn tới - "kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", mô hình này có vai trò đặc biệt quan trọng.
Công an tỉnh sẽ đảm nhiệm việc giải quyết toàn diện các vấn đề ANTT trên phạm vi toàn tỉnh. Trong khi đó, công an cấp xã chính là "chân rết" bảo vệ ANTT tại địa bàn, vừa phục vụ nhân dân, vừa phản ứng nhanh khi có sự vụ xảy ra.
Chúng tôi xác định rõ vai trò: "Công an tìm đến dân", "lúc dân cần, lúc dân khó có Công an". Lực lượng công an xã chính là người bạn gần gũi, tin cậy của người dân ở cơ sở.

Lực lượng công an, dân quân phường Hiến Nam, TP Hưng Yên (Hưng Yên) giúp người dân di chuyển tài sản trong cơn bão Yagi hồi tháng 9/2024 và úng lụt sau bão (Ảnh: Nguyễn Khánh).
Định hướng phát triển lực lượng công an cấp xã trong thời gian tới
Xin ông chia sẻ thêm về định hướng nâng cao chất lượng lực lượng công an cấp xã trong tương lai?
- Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quán triệt nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương và của Bộ Công an, đặc biệt là Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 12-NQ/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương về xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Cụ thể, công an tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ sau: Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng trong lực lượng công an xã, phấn đấu cơ cấu Trưởng Công an xã tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy xã, phường, thị trấn; Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, lý luận chính trị, điều lệnh, võ thuật… để cán bộ công an xã thực sự "vừa hồng vừa chuyên".

Buổi họp tại Công an xã Việt Hưng, Văn Lâm, Hưng Yên (Ảnh: Đ.X.).
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình, điều lệnh, quy chế làm việc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương; Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở làm việc và trang bị các thiết bị nghiệp vụ theo định mức quy định.
Chúng tôi đặt mục tiêu cao hơn: xây dựng công an cấp xã không chỉ vững mạnh về tổ chức, chuyên nghiệp về nghiệp vụ mà còn thực sự là lực lượng "của dân, do dân và vì dân phục vụ", đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!