1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công an thị xã Kinh Môn vào cuộc vụ cô đồng "đúng nhận, sai cãi"

Cát Sinh

(Dân trí) - Ngay sau khi Dân trí đăng bài: "cô đồng "đúng nhận, sai cãi" nhận tiền làm lễ để...chữa ung thư?" Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã làm việc với các đối tượng liên quan.

Công an vào cuộc xác minh tin báo

Công an thị xã Kinh Môn vào cuộc vụ cô đồng đúng nhận, sai cãi - 1

Trụ sở Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (Ảnh: Cát Sinh).

Sáng 16/2, trao đổi với phóng viên Dân trí, Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị này đã nhận được nhiều đơn trình báo về "cô đồng" Trương Thị Hương và đã vào cuộc xử lý.

Ngay sau khi Dân trí đăng bài "Cô đồng "đúng nhận, sai cãi" nhận tiền làm lễ để... chữa ung thư?", chiều 15/2, Đội trưởng Đội hình sự Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã được giao nhiệm vụ khẩn trương kiểm tra thông tin về bà Nguyễn Thị Lăng - người đã phản ánh với báo Dân trí về việc mình đưa hàng chục triệu đồng cho "cô đồng" Trương Thị Hương để làm lễ nhưng không được việc.

Công an thị xã Kinh Môn cũng đã nhận được đơn của bà Lăng và nhiều người khác liên quan đến bà Trương Thị Hương, chuyên hành nghề xem bói, làm lễ, ngụ tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Công an thị xã Kinh Môn cho biết, đơn vị đã nhanh chóng vào cuộc xác minh tin báo. Trong quá trình xử lý, nếu đủ tài liệu chứng cứ theo quy định pháp luật, Công an thị xã Kinh Môn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can và các biện pháp tiếp theo.

Mới đây, ngày 7/2, đơn vị này đã xử phạt "cô đồng" Trương Thị Hương số tiền 7,5 triệu đồng vì đã có hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc".

Đại diện Công an thị xã Kinh Môn cũng cho biết, trước khi ra quyết định xử phạt "cô đồng" Trương Thị Hương, đơn vị này chưa nhận được báo cáo từ chính quyền địa phương về hoạt động của "cô đồng" này.

Chủ yếu thấy người nơi khác đến xem bói

Ngày 9/2, phóng viên Dân trí về nhà "cô đồng" thấy khá vắng vẻ. Một người bán tạp hóa tại đầu ngõ nhà "cô đồng" Trương Thị Hương cho biết, bình thường rất đông khách đến xem nhưng không biết có chuyện gì mà mấy hôm nay vắng.

Ngày thường có cả ô tô và xe máy xếp hàng dài, nhưng chủ yếu là người nơi khác đến xem chứ ít người địa phương vì "nơi khác họ tín chứ ở địa phương này thì bình thường", người phụ nữ cho biết.

Khác với thời gian trước, dọc trục đường chính vào nhà "cô đồng" cũng yên tĩnh, hầu như không có người và xe cộ qua lại. Các cửa hàng bán hoa và cau dọc hai bên đường vào nhà "cô đồng" không có người hỏi mua. Chúng tôi vào nhà "cô đồng" nhưng thấy cửa đóng, người trong nhà thông báo "cô đi làm lễ".

Ngày 16/2, ông Vũ Văn Dung, Chủ tịch UBND phường Hiến Thành xác nhận, công an phường có vào nhắc nhở hoạt động hầu đồng của "cô đồng" Trương Thị Hương nhưng không lập biên bản. "Cô đồng" Hương hầu đồng tại nhà cũng không xin phép chính quyền địa phương. Hiện nay, hoạt động hầu đồng, xem bói tại nhà "cô đồng" Trương Thị Hương đã dừng lại.

Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Huy An, Trưởng Văn phòng luật sư Huy An cho biết, để hiện tượng mê tín dị đoan diễn ra trên địa bàn thì trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân xã, phường và Công an xã, phường), ngoài ra còn có trách nhiệm của Phòng Văn hóa thị xã.

Luật sư An cho biết thêm, Điều 320, Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội hành nghề mê tín, di đoan như sau: 1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Đồng quan điểm trên, luật sư Đăng Ngọc Duệ, Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn THD cho rằng, theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương thì UBND cấp xã là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về mọi mặt trong địa phương mình quản lý; bao gồm các vấn đề liên quan đến tình hình an ninh, trật tự, văn hóa, xã hội... Việc để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật tại địa phương thì trách nhiệm trước hết thuộc về UBND phường, xã và cán bộ chuyên môn.

Mê tín dị đoan gây tâm lý lo lắng cho người dân

Đại tá Phạm Trường Dân, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhận định, hành vi của "Cô đồng" Trương Thị Hương có dấu hiệu lừa đảo, lợi dụng người nhà của bà Nguyễn Thị Lăng bệnh tật để lấy gần 70 triệu đồng trong khi hoàn cảnh của bà Lăng quá khổ.

Cũng theo đại tá Dân, hiện tượng bói toán, mê tín dị đoan không phải mới, tuy nhiên việc xem bói sẽ gây tâm lý lo lắng cho người dân. Không đi xem bói thì không lo, đi xem bói về bị phán 1 câu không biết đúng hay sai nhưng gây bất an. Một số người thiếu bản lĩnh lại tự tìm đến "cô đồng" để xin lời khuyên, nên "theo tôi là cần dẹp ngay chứ không để hiện tượng đồng bóng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để làm tiền như thế", đại tá Dân nói.

Người làm đơn trình báo được triệu tập lấy thông tin

Chiều 16/2, một số người dân đưa tiền cho "cô đồng" Trương Thị Hương làm lễ mà Dân trí đã phản ánh trong những ngày qua cho biết, họ đã nhận được điện thoại của Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, mời sáng 17/2 có mặt tại cơ quan Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương để làm việc liên quan đến "cô đồng" Trương Thị Hương.