1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Công an kiểm tra vụ chi 8 tỷ vụ mua thiết bị của AIC, 6 năm chưa dùng 1 lần

Thúy Diễm

(Dân trí) - 10 năm trước, Sở Y tế Đắk Lắk đã hợp đồng mua thiết bị xử lý rác thải của AIC. Tuy nhiên, từ khi được lắp đặt đến nay, thiết bị này vẫn chưa được sử dụng.

Ngày 19/4, một nguồn tin cho biết, Công an tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án đầu tư Trạm xử lý nước thải, rác thải thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên do Sở Y tế tỉnh này làm chủ đầu tư để công an kiểm tra, xác minh.

Theo hồ sơ, tháng 12/2014, Sở Y tế Đắk Lắk và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) ký gói thầu xây lắp và lắp đặt thiết bị đi kèm hạng mục Trạm xử lý nước thải, rác thải, thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Công an kiểm tra vụ chi 8 tỷ vụ mua thiết bị của AIC, 6 năm chưa dùng 1 lần - 1

Khu vực xử lý rác thải y tế do Sở Y tế Đắk Lắk mua sắm của AIC đặt tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên không được sử dụng, bỏ phí nhiều năm qua (Ảnh: Uy Nguyễn).

Trong đó, hệ thống xử lý rác thải rắn, hấp rác được đầu tư mới cho quy mô 800 giường bệnh với tổng giá trị theo hợp đồng trên 8,1 tỷ đồng. Dự án được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng tháng 8/2018.

Tuy nhiên, từ khi bàn giao đến nay, hệ thống này chưa được sử dụng, để lãng phí nhiều năm qua.

Vị trí đặt trạm xử lý rác thải nêu trên tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cũng gây nhiều luồng ý kiến trái chiều, khi khu vực xử lý rác đặt cạnh khu kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện và nằm cạnh nhà xác của bệnh viện này.

Công an kiểm tra vụ chi 8 tỷ vụ mua thiết bị của AIC, 6 năm chưa dùng 1 lần - 2

Một số thiết bị bên trong khu vực hấp rác thải y tế có dấu hiệu xuống cấp (Ảnh: Uy Nguyễn).

Về việc trạm xử lý rác của AIC không được sử dụng, Sở Y tế Đắk Lắk từng có báo cáo gửi UBND tỉnh này vào tháng 6/2023. Theo đó, Sở Y tế lý giải, năm 2019, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên được di dời qua địa điểm mới có quy mô hơn 1.100 giường bệnh nhưng hệ thống xử lý rác thải trên chỉ phục vụ cho quy mô 800 giường, xử lý khoảng 45-60kg rác thải/giờ, không đảm bảo để xử lý rác thải y tế cho số lượng giường bệnh lớn.

Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vẫn sử dụng hệ thống xử lý rác thải cũ nên chưa khai thác sử dụng hệ thống xử lý rác thải mới này.

Công an kiểm tra vụ chi 8 tỷ vụ mua thiết bị của AIC, 6 năm chưa dùng 1 lần - 3

Thiết bị hệ thống xử lý, hấp rác thải có tổng trị giá trên 8,1 tỷ đồng (Ảnh: Uy Nguyễn).

Công an kiểm tra vụ chi 8 tỷ vụ mua thiết bị của AIC, 6 năm chưa dùng 1 lần - 4

Khu vực xử lý rác thải nằm giữa nhà xác và khu kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện (Ảnh: Uy Nguyễn).

Cũng theo Sở Y tế Đắk Lắk, gói thầu xây lắp và lắp đặt thiết bị đi kèm hạng mục Trạm xử lý nước thải, rác thải đang trong quá trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán của cấp có thẩm quyền, vì vậy, Sở Y tế chưa thể tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép điều chuyển hệ thống xử lý rác thải rắn cho các đơn vị trực thuộc đang rất cần sử dụng.

Hiện nhiều đơn vị đăng ký được tiếp nhận hệ thống xử lý rác thải y tế này như: Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Đa khoa khu vực 333.

Công an kiểm tra vụ chi 8 tỷ vụ mua thiết bị của AIC, 6 năm chưa dùng 1 lần - 5

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chưa sử dụng hệ thống hấp rác của AIC lần nào (Ảnh: Uy Nguyễn).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, kể từ khi được bàn giao đến nay, phía bệnh viện chưa sử dụng trạm xử lý rác thải mới này mà vẫn sử dụng hệ thống cũ và bệnh viện đã có nhiều văn bản xin ý kiến chủ đầu tư xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có phương án.

Cũng theo vị lãnh đạo bệnh viện, vào thời điểm chống dịch Covid-19, khi rác thải y tế quá nhiều, phía bệnh viện từng xin được sử dụng hệ thống xử lý rác thải mới để hỗ trợ nhưng do các hồ sơ, thủ tục tiếp nhận chưa đảm bảo nên không thể vận hành sử dụng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm