1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Công an Hà Nội phá hơn 400 vụ thực phẩm bẩn trong… 1 tháng

(Dân trí) - Phòng Cảnh sát môi trường - Công an Hà Nội liên tiếp phát hiện các vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng chú ý, không chỉ kinh doanh các loại thịt gia súc, gia cầm bị bệnh, nhiều đối tượng còn “phù phép” rau bẩn để tuồn vào các siêu thị... rau sạch.

Nước sạch cũng bị làm giả

Theo thống kê từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 - CATP Hà Nội), trong tháng cao điểm 12/2015, các đội nghiệp vụ Phòng PC49 phối hợp với các lực lượng chức năng thành phố đã khám phá 876 vụ việc với 906 đối tượng liên quan. Đáng chú ý, trong số các vụ việc này, có 436 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các vụ việc điển hình là những vụ chặn giữ các đối tượng chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn, chủ yếu là thịt gia súc, gia cầm bị bệnh; hàng đông lạnh đã hết “đát”, thâm đen, bốc mùi hôi thối. Cụ thể, rạng sáng ngày 5/12/2015, Đội 4 - PC49 phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra, phát hiện 4 đối tượng dùng ô tô, xe máy vận chuyển thịt lợn không rõ nguồn gốc, lợn bệnh đến các chợ để tiêu thụ.

Lợn bệnh được thu gom từ Hưng Yên mang về Hà Nội tiêu thụ.
Lợn bệnh được thu gom từ Hưng Yên mang về Hà Nội tiêu thụ.

Lái xe ô tô BKS 89D-001.35 Hoàng Văn Chí (SN 1987, trú tại Mỹ Hào, Hưng Yên) khai nhận thu mua lợn chết, lợn ốm không rõ nguồn gốc từ Hưng Yên, sau đó vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ. Tương tự, lái xe Nguyễn Khắc Sáng điều khiển xe ô tô BKS 89D-002.24 chở 458kg thịt lợn cũng khai đã thu mua thịt lợn bệnh, lợn ốm từ Hưng Yên mang về Hà Nội bán kiếm lời.

Ngày 14/12/2015, Đội 5 - PC49 phối hợp với Đội QLTT số 6 (Chi cục QLTT Hà Nội) kiểm tra Công ty Cổ phần kinh doanh và chế biến thực phẩm Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), phát hiện lượng lớn nội tạng động vật nhập khẩu đã hết hạn sử dụng. Quá trình kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện có mặt hàng đã hết hạn tới 5 tháng theo như thông tin in trên bao bì sản phẩm.

Số hàng hóa đông lạnh phát hiện trong kho gồm 60kg tim lợn, 324kg mề gà, 450kg chân gà. Trên bao bì sản phẩm chân gà in xuất xứ từ Brazil và Trung Quốc. Số tim lợn đông lạnh đã chuyển màu thâm đen. Lực lượng chức năng đã buộc tiêu hủy số hàng này và ra quyết định xử phạt hành chính đối với công ty trên số tiền 24 triệu đồng.

Lực lượng chức năng phát hiện lượng lớn tim lợn, chân gà, mề gà nhập khẩu đã hết đát.
Lực lượng chức năng phát hiện lượng lớn tim lợn, chân gà, mề gà nhập khẩu đã hết "đát".

Ngày 22/12, Đội 6 - PC49 phối hợp với Chi cục Thú y Hà Nội, Đội QLTT số 23 kiểm tra cơ sở chế biến sản phẩm động vật của bà Nguyễn Thị Lý (ở cụm 11 xã Tân Hội, Đan Phượng). Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện cơ sở đang lưu giữ 3 tấn mỡ nước, 1 tấn tóp mỡ, 125kg bì lợn, mỡ lợn chưa qua sơ chế và 825kg bì lợn đã sơ chế.

Bước đầu, bà Lý khai nhận, số mỡ nước và tóp mỡ được sử dụng vào sản xuất thức ăn chăn nuôi; số bì lợn đã qua sơ chế được bán cho các cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y; cơ sở sơ chế không đảm bảo vệ sinh thú y.

Ngoài ra, lực lượng chức năng đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với cơ sở này. Đáng chú ý, trước thời điểm kiểm tra khoảng 1 năm, cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt hành chính 16 triệu đồng đối với cơ sở này do vi phạm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Mỡ lợn được sơ chế tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Lý.
Mỡ lợn được sơ chế tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Lý.

Ngày 24/12, Đội 6 - PC49 phối hợp với Công an quận Hoàng Mai khám phá vụ sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên Lavie giả. Cụ thể, kiểm tra Công ty cổ phần Hoàng Sa Việt Nam (phường Định Công, Hoàng Mai), cảnh sát phát hiện lượng lớn bình nước Lavie giả. CAQ Hoàng Mai đã ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của giám đốc công ty là Phạm Kim Thành (SN 1983, trú tại Tam Nông, Phú Thọ). Vụ việc sau đó được Phòng PC49 chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.

“Phù phép” rau bẩn đưa vào siêu thị

Một tình trạng khiến nhiều người dân lo lắng là liệu thực phẩm, đặc biệt là rau xanh, trong các siêu thị có thực sự sạch hay không. Trao đổi với PV Dân trí, Trung tá Trần Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng PC49 (CATP Hà Nội) - cho hay, Phòng PC49 đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ CATP Hà Nội và các phòng chức năng của thành phố Hà Nội kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc rau bẩn được “phù phép” để tuồn vào các siêu thị.

Điển hình, rạng sáng ngày 9/6/2015, Đội 6 - PC49 phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra tại Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Đạo Đức - HTX Đạo Đức (địa chỉ tại Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) do bà Đỗ Thị Liên làm chủ nhiệm HTX. Tổ công tác xác định, bà Liên đã ký hợp đồng cung cấp rau, củ quả các loại với 3 siêu thi có tiếng ở nội thành Hà Nội.

Bà Liên giao nhiệm vụ cho ông Lê Văn Kiên (trú tại xóm Chữ, xã Vân Nội) phụ trách sơ chế rau của HTX cung cấp cho các siêu thị. Do lượng rau không đủ, ông Kiêm đã cho người đi thu gom các loại rau ở chợ Yên, xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) để trộn lẫn rau của HTX. Đáng chú ý, trong số rau được ông Kiên thu mua ở chợ, có một số loại rau, củ quả của Trung Quốc.

Cùng ngày, tổ công tác đã kiểm tra tại các siêu thị đang kinh doanh rau an toàn của HTX Đạo Đức, lấy mẫu rau đi phân tích chất lượng sản phẩm. Ngày 22/7/2015, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với HTX Đạo Đức với số tiền 24 triệu đồng.

Theo Trung tá Trần Anh Tuấn, hoạt động sơ chế, kinh doanh rau an toàn, việc cấp phép rau an toàn trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập, tồn tại, tạo lỗ hổng để các đối tượng xấu lợi dụng trà trộn các sản phẩm không an toàn, ảnh hưởng để người tiêu dùng. Công tác quản lý các kho lạnh bản quản thực phẩm hàng hóa nhập khẩu là lương thực thực phẩm còn lỏng lẻo.

“Các cơ sở sản xuất rau an toàn lợi dụng giấy phép được cấp, lợi dụng uy tín đã thu mua rau ở chợ đầu mối, thậm chí có nhiều loại rau Trung Quốc, đưa về cơ sở đóng gói, dán nhãn cơ sở mình để cung cấp cho các trung tâm thương mại và siêu thị lớn.” - Trung tá Tuấn nói và cho hay, cơ quan công an chưa xác định được có sự móc nối giữa người cung cấp rau với đại diện siêu thị hay nhân viên siêu thị.

“Có thể chính siêu thị bị người cung cấp rau lừa, cũng có thể người cung cấp rau móc nối với nhân viên siêu thị nhưng rất khó để phát hiện, bắt quả tang được hành vi này” - Trung tá Tuấn nhận định.

Tiến Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm