1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Công an cũng bức xúc vì không đủ chế tài để “xử” tín dụng đen

(Dân trí) - Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TPHCM, hiện TPHCM có 873 đối tượng hoạt động tín dụng đen trên địa bàn. Tuy Công an TP đã làm rất gay gắt nhưng khó hạn chế loại hình tội phạm này vì thiếu chế tài đủ sức răn đe.

Chủ yếu giang hồ phía Bắc làm “dịch vụ” này?

Ngày 5/12, HĐND TPHCM khóa 9 tiếp tục kỳ họp thứ 12 với phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại hội trường. Tại phiên thảo luận này, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TPHCM - đã có báo cáo quan trọng trước các đại biểu về hoạt động tín dụng đen đang hoành hành ở thành phố.


Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TPHCM, đã có báo cáo quan trọng trước các đại biểu về hoạt động tín dụng đen đang hoành hành ở thành phố

Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TPHCM, đã có báo cáo quan trọng trước các đại biểu về hoạt động tín dụng đen đang hoành hành ở thành phố

Ông Minh nói: “Thuật ngữ tín dụng đen thực ra xuất phát từ phim xã hội đen Hồng Kông, chứ thật ra loại tội phạm này là vi phạm về hoạt động tín dụng mà không có giấy chứng nhận của Ngân hàng Nhà nước, vi phạm về lãi suất vượt quá quy định cao nhất là không quá 20%/năm”.

Theo ông Minh, thời gian gần đây hoạt động này có xu hướng nở rộ nên người dân mới để ý, chứ thật ra Công an TPHCM đã phát hiện từ năm 2014 có tình trạng một số đối tượng từ các địa phương phía Bắc vào TPHCM thuê nhà hoạt động.

Theo ông, ngay sau khi hoạt động tín dụng đen xuất hiện ở TPHCM thì bình quân 1 tháng xảy ra 1 vụ án hình sự là hệ quả của hoạt động này. Nhưng hiện giờ theo thống kê của Công an TP thì cứ 1 tháng bình quân lại có đến 4 vụ án hình sự liên quan đến hoạt động này.

Các vụ án thường xảy ra là xâm phạm quyền bất chấp khả xâm phạm nhà ở của công dân, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, giết người.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, năm 2018 ông ghi nhận được 3 vụ án giết người có liên hệ rất rõ rệt đến tín dụng đen, xuất phát từ nguyên nhân là các băng nhóm này thu hồi nợ không được.

Thiếu tướng Minh cho biết, quý nào ông cũng có hội ý với đơn vị nghiệp vụ về việc này. Hiện Công an TPHCM thống kê được 873 đối tượng hoạt động tín dụng đen trên địa bàn, mà trong đó có hơn 2/3 là người ngoại tỉnh, chủ yếu là ở các tỉnh phía Bắc. Ông chia sẻ: “Không ít đối tượng đang bị điều tra, truy nã được đồng bọn tài trợ vốn trốn vào TPHCM để làm hoạt động này”.


Các đại biểu rất quan tâm đến vấn nạn tín dụng đen.

Các đại biểu rất quan tâm đến vấn nạn tín dụng đen.

Muốn xử nặng cũng không được

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, năm 2018 công an thành phố đã tiến hành tổng kiểm tra, lập biên bản xử phạt 60 nhóm với hơn 230 đối tượng hoạt động tín dụng đen. Tuy nhiên, hầu hết các băng nhóm này chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí chỉ bị xử phạt những lỗi rất nhỏ như là không đăng ký tạm trú, gây mất an ninh trật tự... Ông nói: “Chế tài không xứng đáng!”.

Ông Minh nêu 2 vụ án hình sự duy nhất mà Công an quận Tân Phú đã đề nghị khởi tố 2 băng nhóm tín dụng đen trong năm 2018. Nhưng ngay sau đó, Viện Kiểm sát đã có văn bản nhắc nhở Công an Tân Phú vì dám... bắt tạm giam các đối tượng trong băng nhóm này để điều tra.

Ông nói: “Trước năm 2018 gần như không có vụ án hình sự nào được khởi tố liên quan đến hoạt động này. Đến năm 2018, chúng ta có luật hình sự mới thì mới có quy định lãi suất 8,3%/tháng là có thể định tội. Một điểm khác là quy định mức độ thu lợi từ 30 triệu đồng trở lên cũng có thể định tội nhưng hình phạt chỉ là cải tạo không giam giữ, tức kèm theo đó là không được bắt giữ. Còn nếu thu lợi trên 100 triệu đồng cũng không được tạm giam. Đó là lý do Công an Tân Phú bị nhắc nhở khi bắt tạm giam các đối tượng để điều tra”.

“Có 1 điểm nữa có thể xử lý hình sự là khi đối tượng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà vẫn tiếp tục vi phạm. Tuy nhiên, chúng tôi đã cùng những chuyên gia pháp chế hàng đầu của ngành ngồi lại với nhau, lục tung các quy định mới biết là... không hề có quy định nào về việc xử phạt hành chính về cho vay lãi suất vượt quá quy định”, ông Minh bức xúc.

Theo ông, chúng ta có nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chín trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Tuy nhiên, nghị định chỉ xử phạt vi phạm vượt lãi suất đối với tổ chức do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, hoặc tổ chức hoạt động này mà không có giấy phép, nhưng quy định xử phạt cá nhân là không có.

Thiếu tướng Phan Anh Minh nhấn mạnh: “Hệ thống luật pháp và các quy định xử phạt hành chính hiện nay có rất nhiều kẽ hở do trước đây chúng ta ngộ nhận đó là giao dịch dân sự, dẫn đến chúng ta không có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, đến công an xử lý cũng thấy rất bức xúc!”.

Vẫn phải chờ sửa quy định

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh , cần nhìn nhận lại mối quan hệ này cũng như các hệ quả khó lường do hoạt động tín dụng đen gây ra. Việc mà người dân cũng như công an địa phương bức xúc nhất là các băng nhóm tín dụng đen thường dùng thủ đoạn chọi đá, tạt sơn, tạt chất bẩn vào con nợ, thậm chí xử cả thân nhân con nợ... Việc này không chỉ gây mất an ninh địa phương mà con gây thiệt hại rất lớn cho người dân.

Ông kể: “Sau vụ giết người ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật, chúng tôi tổ chức kiểm tra đồng loạt các băng nhóm này và thu được hơn 20 can chất bẩn mà người dân hay gọi là mắm tôm. Nhưng thực ra đây không phải là mắm tôm. Bọn chúng mua dịch thải ra từ các hoạt động giết mổ gia súc, sau đó để phân hủy trong 10 ngày thành chất lỏng này nên nó còn thối hơn cả thi thể. Khi chúng tôi tịch thu, mở can ra kiểm nghiệm thì đến đối tượng trong các băng nhóm này ngửi thấy mùi còn phải nôn”.

Theo ông, chất dịch này nếu tạt vào tường nhà thì chỉ còn cách cạo tường để tô trát, sơn sửa lại vì mùi rất thối và rửa không sạch. Ông nói: “Nếu các cơ quan thẩm định thiệt hại thay đổi cách nhìn nhận, chỉ riêng thiệt hại do khắc phục việc tạt chất dịch trên cũng đủ điều kiện để khởi tố về tội hủy hoại tài sản”.

“Sau vụ lùm xùm về việc bị xử phạt vì bán 100 USD ở Cần Thơ, tôi được biết là Thủ tướng phát biểu trên nghị trường đã chỉ đạo sửa lại Nghị định 96 cho phù hợp hơn. Nếu sửa đồng bộ hệ thống thì chúng ta có căn cứ để xử lý rốt ráo loại hình tội phạm này. Từ đây đến đó, chúng ta vẫn phải chờ và tăng cường hạn chế loại tội phạm này bằng những giải pháp mà phải nói là không bằng lòng lắm với nó!”.

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm