Bình Định:

Công an, bộ đội cùng dân dầm mưa vác đá cứu đập

(Dân trí) - Đến chiều 10/12, mực nước lũ trên các sông tại tỉnh Bình Định đang xuống nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp. Hơn 2.000 nhà dân bị nước lũ bao vây, hơn 238.000 học sinh phải nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) cho biết, từ đêm 8/12 đến sáng 10/12, trên địa bàn huyện có mưa rất to, đặc biệt là khu vực sông An Lão nước dâng cao đã gây ngập lụt trên diện rộng; nhiều đoạn đường thuộc trục tỉnh lộ ĐT 629 và các tuyến đường liên xã bị chia cắt hoàn toàn.

Công an, bộ đội cùng dân dầm mưa vác đá cứu đập - Ảnh 1.

Lực lượng công an, bộ đội cùng người dân dầm mưa "cứu" đập dâng Đồng Chùa bị xói lở.

Đặc biệt, do nước lũ lớn vượt qua đỉnh đập dâng Đồng Chùa (xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân) gây xói lở. Trước tình hình trên, UBND huyện chỉ đạo địa phương, huy động các lực lượng, phương tiện cùng nhân dân địa phương dùng cọc tre, đá và bao cát để gia cố đập. Đến 16h chiều cùng ngày, đã hoàn thành xong việc gia cố đảm bảo an toàn công trình.

Theo thống kê, huyện Hoài Ân có gần 1.700 nhà ngập, hơn 230 ha lúa, hoa mùa bị thiệt hại, hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; nhiều tuyến đường bị xói lở; một số cầu bị xói lở hai bên mố cầu khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 15 tỷ đồng.

Công an, bộ đội cùng dân dầm mưa vác đá cứu đập - Ảnh 2.

Đến chiều ngày 10/12, điểm xói lở cơ bản đã được khắc phục.

Tại huyện Hoài Nhơn, đến chiều tối cùng ngày, nước trên sông Lại Giang bắt đầu giảm. Tuy nhiên, mưa lũ đã làm 1 ngư dân bị mất tích, 1 tàu bị chìm; hơn 1.900 ha lúa mới gieo sạ vụ Đông Xuân và trên 31 ha hoa màu bị ngập sâu trong nước; hơn 3.800 ha lúa giống ngâm ủ bị hư hỏng… Nước lũ cũng đã làm chia cắt nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện; hàng chục km đường bê tông, bờ suối bị sạt lở; hơn 2.077 nhà bị ngập nước, chia cắt.

Đặc biệt, tại thị trấn Bồng Sơn, hơn 20 năm qua người dân chưa chứng kiến trận lũ nào lên nhanh như vậy khiến họ không kịp trở tay, nên hầu hết đồ đạc trong nhà đều chìm ngập trong nước. “Nước lên nhanh quá nên nhà cửa không kịp dọn thứ gì hết, mọi thứ trong nhà đều bị ngập, tủ lạnh máy giặt, ti vi bị vô nước hết trơn...”, bà Phạm Kim Chi (ở khối 5, thị trấn Bồng Sơn) than thở.

Công an, bộ đội cùng dân dầm mưa vác đá cứu đập - Ảnh 3.
Công an, bộ đội cùng dân dầm mưa vác đá cứu đập - Ảnh 4.

Quốc lộ 1 qua xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ (Bình Định) bị ngập gần cả bánh xe ô tô khiến giao thông đi lại khó khăn.

Còn ông Đinh Hữu Tâm (ở khối 2, thị trấn Bồng Sơn) nói: “Tui sống ở đây gần 30 năm nhưng thấy năm nào lụt lớn như vậy. Bắt đầu chiều hôm qua nước lên, đến sáng nay nước lên nhanh. Hồi giờ đường Trần Hưng Đạo không thấy ngập mà năm nay ngập nước nặng, các khối khác hầu như cũng đều bị ngập nước”.

Theo Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Bình Định, đã có gần 5.000 nhà dân ở tỉnh này đã bị ngập, 5 nhà sập và đến chiều tối nay, vẫn còn hơn 2.000 nhà bị ngập nước. Mưa lũ khiến 3,26km đường giao thông bị sạt lở, 3 cầu bị hỏng, riêng 3 điểm trên tuyến đường sắt bị sạt lở đã được thông tuyến trở lại lúc 11h cùng ngày.

Công an, bộ đội cùng dân dầm mưa vác đá cứu đập - Ảnh 5.

Quốc lộ 19 đoạn trước Khu công nghiệp Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) bị sạt lở do lũ.

Công an, bộ đội cùng dân dầm mưa vác đá cứu đập - Ảnh 6.

Nhiều đoạn đường giao thông bị sạt lở do lũ.

Về thủy lợi, có 1.85km đê sông, suối bị sạt lở, 28,4km kênh mương bị sạt lở, 49 đập bổi bị cuốn trôi và 1 đập kiên cố bị hỏng. 238.000 học sinh trên địa bàn phải nghỉ học để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, hơn 6.800 ha lúa mới gieo sạ, 370 ha hoa màu của nông dân đã bị ngập, hơn 46.000 con gia cầm bị chết. 

Doãn Công