1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cồn Xuân Lộc đã xả hàng chục ngàn m3 nước thải ra đồng

(Dân trí) - Với lưu lượng xả thải 180m3/ngày đêm trong khi hệ thống xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu, ước tính trong 2 năm họat động vừa qua, Nhà máy cồn Xuân Lộc đã xả ra đồng hàng chục ngàn m3 nước thải độc hại.

Cồn Xuân Lộc đã xả hàng chục ngàn m3 nước thải ra đồng - 1
Trẻ nhỏ vẫn thường xuyên tắm trong dòng kênh thủy lợi mà không
nhận ra hiểm họa.
 
Theo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Xuân Lộc, hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy cồn Xuân Lộc đã đầu tư xây dựng từ năm 2006, tức là năm nhà máy đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, đến nay hệ thống này vẫn chưa được nghiệm thu đưa vào vận hành. Sở TNMT Đồng Nai cũng đã nhiều lần nhắc nhở và xử phạt hành chính 2 lần vì nước thải xử lý qua hệ thống này không đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Theo ông Trương Minh Hải, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Nhà máy cồn thì mỗi ngày nhà máy thải ra 180m3, trong hai năm sẽ thải khoảng 100.000m3. Trong khi đó, lượng nước thải hiện còn trong các bể chứa của nhà máy chỉ là khoảng hơn 40.000m3. Vậy hơn 50.000m3 còn lại đi đâu?

Cũng theo Phòng TNMT thì lượng nước thải phát sinh trong 2 năm qua của nhà máy một phần được chứa trong khuôn viên nhà máy và một phần đổ vào kênh mương thủy lợi. Như vậy là hơn 50.000m3 nước thải còn lại đã bị đổ ra đồng, chảy vào kênh mương thủy lợi.

Phòng TNMT huyện Xuân Lộc đánh giá “lượng nước thải này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nước kênh, dẫn đến việc cây trồng bị chết khi dùng để tưới”. Ông Thiều Văn Chuẩn, cán bộ kỹ thuật của nhà máy cũng thừa nhận: nếu nước thải này mà được thải ra, hòa vào nước kênh, dùng để tưới hoa màu thì cây trồng chắc chắn sẽ chết.

Trong một phiên họp với Phòng TNMT huyện Xuân Lộc, ông Phạm Trương An, Phó Giám đốc nhà máy, cho là nhà máy chỉ xả thải trong mùa mưa, khi nước hồ chứa bị nước mưa làm ngập, có nguy cơ vỡ và nước thải ra sẽ bị nước mưa pha loãng. Còn mùa nắng thì nhà máy không xả thải.

Tuy nhiên, chính vì xả thải trong mùa mưa, nước kênh dù có hòa lẫn nước thải vẫn trong xanh nên người dân càng khó nhận biết để phòng tránh. Thực tế là trong 3 năm qua, một số trâu bò của người dân đã bị chết do uống nước kênh thủy lợi mà không biết bên trong có pha nước thải của Nhà máy cồn.

Do vậy, từ thời điểm cuối năm 2006 đã có nhiều ao cá, đồng ruộng của người dân bị hư hại do nước thải nhưng mọi người không nhận ra. Ông Lê Công Minh (66 tuổi), hộ dân sống đối diện nhà máy, cho biết: “Năm 2006, ao cá rộng 1.000m2 của gia đình đột nhiên chết sạch, 2.000m2 ruộng kế đó cũng chẳng làm gì được từ đó đến nay”.

Mãi đến thời điểm tháng 12/2008, trong mùa nắng nhưng nhà máy vẫn xả thải vì lượng nước thải trong bồn chứa quá nhiều. Nhờ đó, người dân mới có bằng chứng cụ thể và xác thực, có thể nhận diện trực quan là nước kênh thủy lợi có mùi hôi và màu vàng nhạt của nước thải. Đến đây, việc bồi thường thiệt hại cho dân mới được chính quyền địa phương và nhà máy tính đến.

Theo ông Nguyễn Đức Màu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Tâm thì con kênh thủy lợi hồ Gia Ui là nguồn cung cấp nước chính cho cả vùng đồng ruộng rộng khoảng 500 ha của xã Xuân Tâm và cả xã Xuân Hưng lân cận.

Do vậy, nguồn nước thải của Nhà máy cồn là nguy cơ đe dọa mùa màng của hàng trăm hộ dân đang canh tác trên diện tích này, ảnh hưởng nặng nhất là các hộ dân ấp 1, ấp 3 xã Xuân Tâm.

Được biết, đối diện Nhà máy cồn Xuân Lộc còn có Nhà máy thép Vũ Tấn Dũng chuyên xử lý sắt thép phế thải, mỗi ngày xả trực tiếp ra kênh mương thủy lợi hồ Gia Ui 7m3 nước thải. Theo Phòng TNMT huyện Xuân Lộc thì nhà máy này chưa hề có công trình xử lý nước thải, dù lượng nước thải không lớn nhưng chứa rất nhiều thành phần độc hại.

Tùng Nguyên - An Hội