1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Con ước được gặp cha mẹ một lần

(Dân trí) - Các em là những trẻ mồi côi, khuyết tật… với những nỗi niềm riêng, khát khao được hòa nhập cộng đồng. Đó là những mảnh đời bất hạnh đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định).


Khát khao của những đứa trẻ bất hạnh

Trong 17 trẻ mồ côi, khuyết tật đang được nuôi dưỡng, học tập tại trung tâm, có không ít cháu hoàn cảnh thực sự bi đát. Hầu hết, các em lọt lòng đã mang trong mình dị tật, sự kì thị của những xung quanh, có gia đình hoàn cảnh khó khăn đành đẩy “trách nhiệm” nặng nề cho trung tâm. Tủi phận hơn, không ít em sinh ra với thân hình như “ác quỷ” để rồi thân hình nhỏ bé ấy bị chính cha mẹ ruột bỏ rơi. Các em là những đứa trẻ vô tội mà phải sống trong chuỗi ngày đen tối bởi sự kỳ thị, tủi phận. Chỉ khi sống ở ngôi nhà chung dành cho những đứa trẻ thiệt thòi, những đứa trẻ bất hạnh mới tự tin, sống có ước mơ hoài bão và không ít em ra đời làm người có ích cho xã hội.

Một tiết học của các em tại Trung tâm bảo trợ tỉnh Bình Định
Một tiết học của các em tại Trung tâm bảo trợ tỉnh Bình Định

Không phải ngẫu nhiên mà em Trần Văn Lạc (đang học lớp 10, trường THPT An Nhơn 1, thị xã An Nhơn) lại có cái tên đặc biệt như vậy. Cái tên Lạc do cán bộ trung tâm khai sinh để nhớ em là đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Bởi khi tiếp nhận, Lạc bị cụt 2 tay, một chân mất bàn, chân còn lại không có ngón chân.

“Khi cháu còn nhỏ việc chăm sóc rất khó khăn, mọi sinh hoạt đều do cán bộ trung tâm làm. Khi cháu lớn mình mới hướng dẫn được những kỹ năng cơ bản để cháu tự làm. Bây giờ cháu tự vệ sinh cá nhân, ăn uống, tự đến trường đi học. Dù cụt 2 tay, 2 bàn chân nhưng Lạc rất hiếu động, chơi các môn thể thao cũng khá tốt so với những trẻ dị tật khác… ”, ông Phạm Tuấn Kiệt – Trưởng phòng giáo dưỡng Trung tâm bảo trợ Bình Định, chia sẻ.

Không mặc cảm với số phận, trái lại Lạc rất kiên cường biết vượt qua sự mặc cảm, quyết tâm đến trường chỉ với mơ ước nhỏ nhoi trở thành người có ích cho xã hội. “Em không trách cha mẹ đã bở rơi nhưng em chỉ có một điều ước, một ngày nào đó sẽ được gặp cha mẹ”, Lạc tâm sự.

Em Lạc chỉ mong một ngày gặp được cha mẹ mình
Em Lạc chỉ mong một ngày gặp được cha mẹ mình

Hay như trường hợp em Võ Thanh Tùng (16 tuổi, ở huyện Phù Cát), vốn sinh ra khỏe mạnh bình thường nhưng sau mũi tiêm phòng, em bị co giật, biến chứng rồi thành bại liệt. Cha mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên người mẹ dù thương con cũng ngậm ngùi gửi em vào trung tâm nhờ xã hội chăm sóc. “Những ngày đầu phải xa gia đình vào trung tâm, em rất buồn. Nhớ mẹ, nhớ quê nhưng lâu rồi thành quen. Ở đây, có nhiều bạn cùng cảnh ngộ giống mình, nó như một sự đồng cảm. Giờ chỉ Tết em mới được mẹ đưa về quê đón Tết, nhưng khi về lại nhớ các bạn, các cô ở trung tâm. Mỗi lúc buồn, em thường chơi đàn. Có lẽ âm nhạc làm em thấy lòng mình nhẹ đi, thấy cuộc sống này đáng sống hơn…”, Tùng nói.

Sở thích chơi đàn oorgan, Tùng từng đạt giải nhất cuộc thi đàn dành cho trẻ khuyết tật tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa). Đó là lý do, Tùng mơ một ngày sẽ hoàn thiện kỹ năng chơi đàn để có thể làm nghề, tự nuôi bản thân mà không cần đến số tiền hỗ trợ tại trung tâm.

Bảo mẫu của trẻ thiệt thòi

Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định là nơi nương tựa của biết bao mảnh đời bất hạnh trong và ngoài tỉnh, như người già neo đơn, không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam…  

Tùng đang chơi đàn cho một bạn cùng lớp hát
Tùng đang chơi đàn cho một bạn cùng lớp hát

Có lẽ với những trẻ em bất hạnh thì việc sống ở trung tâm sẽ phần nào giúp các em cảm nhận được hơi ấm gia đình. Bởi ở đây ngoài sự sẻ chia của cán bộ trung tâm, các em còn có sự đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ. Đó là nguồn động viên, giúp các em vượt qua khó khăn, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Cô Nguyễn Thị Thu Hường, với 6 năm gắn bó việc nuôi dạy những trẻ có hoàn cảnh thiệt thòi tại Trung tâm, chia sẻ: “Phần lớn các em là trẻ không bình thường, tính tình “lúc nắng, lúc mưa” nên việc nuôi dạy các em vô cùng khó khăn. Do không phải là giáo viên chuyên ngành dạy trẻ khuyết tật nên mình phải tự mày mò tìm kiếm giáo trình trên mạng, mượn giáo trình giảng dạy của trường chuyên biệt Hy vọng (Quy Nhơn) về tham khảo. Nếu dạy theo chương trình sách giáo khoa như học trình bình thường thì các em khó tiếp thu. Vì vậy, giáo viên phải tự giảm bớt chương trình cho phù hợp với khả năng tiếp thu của các em. Bên cạnh đó, phải xen kẻ vừa học, vừa chơi, tập vẽ, gấp hoa, tạo hứng thú cho các em”.

Cô Hường chia sẻ thêm: “Cán bộ ở đây nếu không đam mê, không có tấm lòng yêu thương, sự sẻ chia những khổ đau cùng các em thì khó mà gắn bó lâu dài với nghề. Khi mới vào công tác tôi cũng chịu nhiều áp lực bởi các em rất khó nói nhưng giờ một ngày không gặp bọn trẻ lại thấy thiếu vắng”.

Việc chơi đàn với Châu rất khó khăn nhưng em vẫn rất nỗ lực học tập
Việc chơi đàn với Châu rất khó khăn nhưng em vẫn rất nỗ lực học tập
Dù không như những trẻ bình thường nhưng các em vẫn có một khao khát cuộc sống ý nghĩa
Dù không như những trẻ bình thường nhưng các em vẫn có một khao khát cuộc sống ý nghĩa

Lớp học của cô Hường chỉ vài học sinh, nhỏ nhất cũng độ 8 tuổi, lớn cũng 21 tuổi nhưng các em cũng chỉ dừng lại ở việc tập đọc, tập viết. Thế nhưng, ở mỗi em đều toát lên sự hồn nhiên và cả sự nỗ lực để khắc phục những khiếm khuyết bản thân. Em Trần Minh Châu (17 tuổi), chân đi khập khiễng, tay bị tật co quắp, miệng nói lắp bắp từng câu khó nhọc, nhưng em vẫn cố gắng thể hiện bản nhạc “Cả nhà thương nhau” cho mọi người nghe.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định, cho biết: “Trung tâm đang quản lý 103 đối tượng, trong đó người khuyết tật 52, người cao tuổi 34 và trẻ mồ côi, khuyết tật 17. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, bất đắc dĩ họ mới phải vào trung tâm nương tựa. Xác định đây không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà còn là tình thương sự sẻ chia, đùm bọc nên cán bộ trung tâm luôn tận tình chăm sóc để họ có cuộc sống vui vẻ, ý nghĩa. Bên cạnh đó, cũng còn có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm chia sẻ phần nào khó khăn cho các cháu…”.

Doãn Công