1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Con rơi quanh khu công nghiệp

Huyện Long Hồ (Vĩnh Long) có khu công nghiệp Hòa Phú thu hút hơn 10.000 công nhân. Đối diện khu công nghiệp này là Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long, những năm qua nhận hàng trăm trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

Con của công nhân

 

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó phòng Giáo dục và Dạy nghề của Trung tâm, kể trường hợp mới nhất đưa con vào Trung tâm: Cô T mới 17 tuổi 6 tháng, là công nhân sống chung với một nam công nhân khác. Khi biết cô có thai, người này một đi không trở lại.

 

Cô vào bệnh viện sinh nở nhưng không một đồng dính túi, nhắn cán bộ Trung tâm đến để cho con và nhờ trả tiền viện phí. Cán bộ Trung tâm khuyên cô cố gắng nuôi con nhưng cô nói, không có khả năng nuôi con vì còn phải chăm lo cho cha già. Xuất viện, cô đi luôn, không một lần trở lại Trung tâm để gặp con mình.

 

Anh Nguyễn Thành Công, bảo vệ Trung tâm, cho biết: Tháng trước, một buổi tối, cán bộ Trung tâm đang họp thì nghe tiếng khóc trẻ con. Mọi người chạy ra, rọi đèn tìm thấy một cháu trai nằm trong bụi tre, chỉ quấn chiếc khăn quanh người. Cháu bé bị kiến bâu khắp người, viêm phổi nặng, phải điều trị nhiều ngày, nay đã khỏi và được chăm sóc ở Trung tâm.

 

“Ở đây các cháu đều được đưa đến bằng giỏ xách đặt trước cổng hoặc quanh Trung tâm để nhân viên dễ thấy”, anh Công nói.

 

Con rơi quanh khu công nghiệp - 1

Hộ lý Dương Thị Hường chăm sóc trẻ bị bỏ rơi tại Trung tâm. Ảnh: Kiến Giang.

 

Ông Nguyễn Văn Minh, PGĐ Trung tâm, cho biết: Trung tâm hoạt động từ năm 1998, lúc đầu trẻ bị bỏ rơi rất ít, một năm chỉ có vài trẻ được đưa vào Trung tâm. Từ khi có khu công nghiệp Hòa Phú, số trẻ bị bỏ rơi tăng lên gấp nhiều lần. Từ năm 2004 đến năm 2009, Trung tâm tiếp nhận 100 trẻ bị bỏ rơi. Mỗi năm trên dưới 20 trẻ bị bỏ rơi trước cổng Trung tâm.

 

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long nằm ở ấp Phước Yên, xã Phú Quới (Long Hồ, Vĩnh Long). Nhiều người thiện tâm đã tìm đến đây nhận con nuôi, và nay Trung tâm đang nuôi dưỡng 67 trẻ bị bỏ rơi hoặc vô thừa nhận, trong đó có 9 trẻ bị nhiễm HIV/AIDS.

 

Hiện còn 6 trẻ sơ sinh bệnh nặng đang điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long nên 6 cô giáo phải đi theo chăm sóc. Đa phần trẻ em được nhận về yếu ớt, còi cọc vì bệnh tật, nhiều trẻ phải đưa đi điều trị ở bệnh viện dài ngày.

 

Đô thị công nhân trên… giấy

 

Khu chăm sóc trẻ của Trung tâm là khối nhà hai tầng biệt lập. Tầng trên dành chăm sóc trẻ bị HIV/AIDS hoặc tàn tật. Hộ lý Dương Thị Hường đang ở giữa một nhóm trẻ, cho biết, chị đã có 13 năm nuôi trẻ ở Trung tâm, gặp không ít trường hợp người mẹ là công nhân phải bỏ con, sau đó quay lại xin được thăm. Trung tâm luôn tạo điều kiện và khuyên nhận lại con nhưng họ đều nói không có điều kiện.

 

Có người cứ nấn ná nhìn con, trông rất đáng thương. Cuộc sống của họ quá cơ cực nên sợ con phải chịu đựng như mình. Những người mẹ như thế thường khóc rất nhiều rồi lủi thủi bước đi.

 

“Có nữ công nhân đóng vai nhà từ thiện để thăm con, cứ đi tới đi lui. Chúng tôi biết được và cũng rơi nước mắt với tình cảnh ấy. Do hoàn cảnh nghèo khổ cả thôi, chứ chắc không ai muốn bỏ con”, chị Hường buồn bã nói.

 

Bên ngoài Trung tâm, xung quanh khu công nghiệp Hòa Phú, nhà trọ và nhà nghỉ rất nhiều. Khu công nghiệp ngày càng mở rộng kéo theo sự chuyển động của một vùng quê.

 

Ông Đặng Hữu Tài, Chủ tịch UBND xã Phú Quới, thống kê, xã hiện có 7.000 người tạm cư, đa phần là công nhân nữ. Trong xã có 400 cơ sở cho thuê trọ với hơn 4.000 phòng. Ông Tài thở dài: “Cuộc sống có đổi thay nhưng tình trạng con rơi ngày một tăng thì cũng buồn”.

 

Khu công nghiệp đã thu hút cả chục ngàn công nhân xa gần đến làm việc nhưng tại hai xã Phú Quới và Hòa Phú không có thêm nhà trẻ, trường học, không có nơi cho công nhân sinh hoạt, vui chơi.

 

Tỉnh Vĩnh Long đã lập dự án khu đô thị công nhân bên cạnh khu công nghiệp (có công viên, nhà trẻ) nhưng tất cả mới vẽ trên giấy mà chưa biết khi nào triển khai. Trong khi khu công nghiệp Hòa Phú đang đón thêm nhiều công nhân nữa.

 

Theo Kiến Giang

Tiền Phong