1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

Con nằm canh quan tài mẹ trong căn nhà nước ngập sát nóc

Tiến Thành Dương Nguyên

(Dân trí) - "Mẹ mất đúng ngày lũ lên, việc an táng phải hoãn lại. Chúng tôi phải ghép ván, kê quan tài mẹ lên sát mái nhà. Cả đời mẹ vất vả, nhiều lần phải chạy lũ, đến lúc nhắm mắt còn gặp lũ lớn".

"Đời mẹ nhiều lần chạy lũ, khi nhắm mắt vẫn gặp lũ lớn"

Đó là những tâm sự nghẹn ngào của chị Trương Thị Dứa, trú huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, khi nhắc đến người mẹ quá cố.

Mẹ chị Dứa là bà D.T.H. (SN 1950), người vừa qua đời đúng ngày nước dâng cao tại rốn lũ huyện Lệ Thủy.

Con nằm canh quan tài mẹ trong căn nhà nước ngập sát nóc - 1

Căn nhà bà H. sống cùng con trai tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy bị ngập sâu, nước dâng sát nóc nhà (Ảnh: Dũng Nguyễn Quân).

Bà H. sống cùng con trai và 2 cháu trong căn nhà cấp 4 tại thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Bà lâm bệnh nặng nhiều năm và đã qua đời vào sáng 28/10.

Mưa lũ ập về, căn nhà của gia đình bà H. ngập sâu gần 2m. Cùng với nỗi lo lũ lụt, người thân của bà H. còn phải tìm cách đưa quan tài người đã khuất lên gác cao để tránh bị ướt. Nước dâng đến đâu, các con, cháu của bà H. lại lo lắng, bất an đến đó.

"May là nước đang rút dần, chỉ mong sao nước lũ rút nhanh để lo hậu sự cho mẹ được chu toàn. Cả đời mẹ vất vả, nhiều lần phải chạy lũ, khổ sở vì thiên tai, đến lúc nhắm mắt còn gặp trận lũ lớn", chị Dứa nghẹn giọng. 

Con nằm canh quan tài mẹ trong căn nhà nước ngập sát nóc - 2

Nước lũ dâng, người thân phải kê quan tài người quá cố lên cao (Ảnh: Dũng Nguyễn Quân).

Trao đổi với Dân trí, ông Võ Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, cho biết, song hành cùng công tác cứu hộ, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân trong thời điểm lũ lụt, địa phương đã cắt cử người đến hỗ trợ gia đình có người qua đời.

"Lúc cụ bà mất, nước lên cao nên chính quyền, hàng xóm đã đến hỗ trợ đưa quan tài vào khâm liệm người quá cố. Do nước chưa rút nên gia đình đang đặt quan tài ở gác mái nhà, đợi thời điểm nước rút sẽ chôn cất.

Về tình hình lũ tại địa phương, nước đang rút dần nhưng vẫn còn nhiều khu vực bị ngập sâu, điểm nước dâng cao nhất ngập 1,3m", ông Tuấn nói.

4 người chết và mất tích, 32.000 ngôi nhà bị ngập

Được biết, tại địa bàn huyện Lệ Thủy, có 3 trường hợp không may qua đời giữa lúc lũ lụt. Các làng mạc bị nước bủa vây, gây chia cắt, nhiều tuyến đường bị ngập sâu nên việc an táng người quá cố đành phải tạm hoãn, chờ nước rút.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh này có hơn 32.000 ngôi nhà bị ngập lụt, riêng huyện vùng trũng Lệ Thủy có gần 20.000 nhà bị ngập, còn lại ở huyện Quảng Ninh (12.000 nhà), thành phố Đồng Hới (1.000 nhà).

Địa phương này ghi nhận 1 người tử vong, 3 người mất tích do nước cuốn trôi.

Lượng mưa tại Quảng Bình đã giảm, nước rút chậm. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương tại tỉnh Quảng Bình, đặc biệt tại huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh đã triển khai lực lượng, phương tiện về vùng ngập sâu để ứng cứu người dân.

Con nằm canh quan tài mẹ trong căn nhà nước ngập sát nóc - 3

Chiều 29/10, tại huyện Lệ Thủy nước đã rút, tuy nhiên nhiều nơi vẫn còn ngập sâu (Ảnh: Dương Nguyên).

Lực lượng chức năng đã huy động xuồng, ca nô, phương tiện vận tải cùng 500 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện và dân quân cơ động phối hợp di dời dân. Bộ đội biên phòng đã xuất ca nô tại các đồn ven biển vào ứng cứu người dân các xã vùng giữa của huyện Lệ Thủy.

Trong thời điểm gió lặng, nước rút dần, chính quyền huyện Lệ Thủy đang lên kế hoạch tiếp nhận hàng hóa cứu trợ, chuyển kịp thời đến người dân vùng bị cô lập.

Huyện Lệ Thủy sẽ tiếp nhận hàng cứu trợ ở ngã ba xã Cam Thủy và xã Mai Thủy, trên quốc lộ 1A. Hàng cứu trợ sẽ được địa phương vận chuyển bằng ca nô, thuyền chuyên dụng vào các vùng ngập sâu. Địa phương này đã điều 10 chiếc ghe, thuyền của ngư dân xã Ngư Thủy Bắc để tham gia chở hàng cứu trợ, nhu yếu phẩm.

Trước mắt, 3 ghe sẽ tham gia việc cứu hộ, chở hàng nhu yếu phẩm để tiếp tế cho người dân vùng rốn lũ. Những ngư dân có ghe tham gia chở hàng đều có kinh nghiệm tham gia cứu hộ trong trận lũ lịch sử năm 2020.

Mặc dù nước đã rút, tuy nhiên lũ vẫn ở mức cao, chỉ có phương tiện của các lực lượng chức năng và ghe lớn của ngư dân mới đảm bảo được an toàn khi di chuyển vào vùng lũ. Thời tiết diễn biến bất thường, nước lũ còn cao nên chính quyền đề nghị các đoàn cứu hộ không nên vào vùng rốn lũ.