Con lân, ông địa náo động phố phường Trung thu
(Dân trí) - Từ tối 12 tháng 8 Âm lịch, mọi nẻo đường TP Huế náo động bởi hàng trăm con lân, ông địa đi múa cầu may, chúc phúc cho mọi nhà. Đêm rằm tháng tám, văn hóa múa lân vẫn được lưu giữ trên đất cố đô.
Theo lệ thường, địa vào nhà vái gia chủ rồi quạt mát, chọc phá mấy đứa nhỏ bằng cách ngúng nguẩy cái mặt “dễ cười” của mình lên. Xong địa thường đập đập quạt ba tiêu lên bàn hay nằm ngửa chổng 4 tay chân lên trời và chỉ tay vào bụng, tếu táo hơn thì sờ vào ví của chủ… tất cả nói lên rằng: đang rất cần tiền.
Khi được sự đồng ý thì địa mới chạy ra kêu kỳ lân vào múa. Những đòn múa đầu, địa chỉ hướng nào là lân múa hướng đó để đuổi tà ma.
Đến lượt lân phô diễn những kỹ thuật biểu diễn như xoay người, nhào lộn, đi trên cọc sắt hay trèo cột tre; lúc này địa giả nằm ngủ. No nê, địa bất ngờ bừng tỉnh, nhảy lui tới vài vòng rồi cầm quạt giục lân múa mau để về sớm, qua nhà khác tranh thủ “kiếm ăn” tiếp.
Tuy có nhiều biến tướng trong múa lân nhưng mùa trung thu này vẫn còn rất nhiều đoàn lân cũ như Thái Nghi Đường, Hồng Nghi Đường, Lân chùa được sự chờ đón của nhiều nhà. Do quá hỗn loạn vì các đoàn lân xuất hiện ngày càng “dày đặc”, nhiều nhà đã đóng cửa đi ngủ sớm. Tuy nhiên, có đoàn lân quen lại chạy ra mở cửa, bật điện sáng cho lân vào múa, mừng may mắn cho chủ nhà.
Tắc đường nghiêm trọng trong đêm đầu trung thu
Từ 5 giờ chiều, cầu Phú Xuân, cầu Tràng Tiền đã bị kẹt xe. Xe kéo dài từ chân cầu Phú Xuân bờ Nam sông Hương qua tận đường Trần Hưng Đạo phía bờ Bắc. Tại cửa Đông Ba, cửa Thượng Tứ cũng bị kẹt nặng, mọi phương tiện phải nhích từng chút một.
Đến 7 giờ tối, các đám kẹt xe đã diễn ra ở các trục đường phố kinh doanh chính của TP Huế là Hùng Vương, Bến Nghé, Mai Thúc Loan, Phan Đăng Lưu… Lý do là có hàng chục đoàn múa lân cùng biểu diễn trên một đường phố đã làm cho giao thông tê liệt trong nhiều giờ liền.
Phải đến gần 9 giờ 30 phút, trật tự mới được vãn hồi, đường phố tạm được giải phóng. Dự đoán đêm nay và đêm chính rằm ngày mai, tình trạng này còn tái diễn nghiêm trọng hơn.
Phú Yên - Quảng Ngãi: Mang ánh trăng về cho trẻ nghèo
Trong ba ngày 19, 20, 21/9, các đoàn viên thanh niên Tỉnh Đoàn Phú Yên tình nguyện đến 6 xã đặc biệt khó khăn tổ chức Hội rằm trung thu, đồng thời mang tặng cho các em thiếu nhi những món quà trung thu giản dị nhưng ấm áp tình yêu thương.
Phó Chủ tich Hội đồng đội tỉnh, anh Lê Ngọc Hơn, cho biết: “Hơn 1.300 suất quà và 1.700 suất bánh kẹo đã được chuẩn bị để phát tặng cho các em thiếu nhi, hy vọng sẽ mang đến cho trẻ em ở những xã đặc biệt khó khăn một Tết Trung thu ấm áp, vui tươi; động viên các em bước vào năm học”.
Để đến được với ngày hội, nhiều em phải vượt sông ngay từ sớm. Nhận được quà, không kịp ở lại xem chị Hằng Nga, chú Cuội kể chuyện, các em đã phải vội vàng trở về nhà sợ muộn. “Vì nếu về muộn, trời tối là chúng em không có đò để về nữa”, một em nhỏ ngậm ngùi cho biết.
Không phải là xã miền núi như Phú Mỡ, nhưng An Thạch (Tuy An) cũng là địa bàn khó khăn, là nơi từng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão cuối năm 2009 nên trẻ em ở đây cũng phải chịu khá nhiều thiệt thòi. Nhìn những ánh mắt háo hức, tròn xoe xem biểu diễn văn nghệ, xem múa lân, nghe kể chuyện cổ tích… ai cũng thầm hiểu thiếu nhi vùng nông thôn còn thiếu nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh.
Từ buổi chiều, các phụ huynh thuộc 21 xã, thị trấn của huyện Sơn Tịnh đã đưa con em tụ họp đông đủ về Trung tâm Thể dục Thể thao của huyện vui đêm hội.
Ngồi lẫn trong đám trẻ nhốn nháo, với chiếc mũ bảo hiểm vẫn đội nguyên trên đầu, chị Trần Thị Phước chia sẻ: “Từ lúc 3h chiều cháu nó đã thúc giục tôi đưa đi xem múa lân. Gia đình tôi nghèo, không có điều kiện mua cho cháu đồ chơi trung thu. Hôm nay nhờ “ông huyện” tổ chức như thế này, phần nào thỏa lòng háo hứng ngày trung thu cho các cháu”.
Trong đêm hội trăng rằm này, BTC đã trao 21 suất học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn, học khá, giỏi. Ngoài ra tặng 200 phần quà trung thu cho các em nhỏ.
Nghệ An: Trung thu ngập từ phố đến làng
“Đã lâu lắm rồi không được xem múa lân. Nay xem thấy người như trẻ lại. Trung thu năm nay vui hơn những trung thu trước” - bà Nguyễn Thị Cảnh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hoa, mẹ cháu Nhi mang nhiều bệnh trong người, tâm sự: “Cháu phải mổ tim, rồi lại bị chẩn đoán là mắc bệnh rối loạn não. Lên 7 tuổi rồi mà cháu nhỏ thó như đứa trẻ lên 3. Lúc sinh cháu chậm nói lắm, giờ chỉ biết lặng thinh. Ngày cán bộ xã bảo cháu đến để nhận quà trung thu, gia đình mừng mà rơi nước mắt. Cháu có biết gì đâu mà nhận…”.
Tại các huyện khác như Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp… cũng đều có một đêm hội trung thu ý nghĩa, thiết thực, đặc biệt quan tâm tới trẻ nghèo, trẻ tàn tật, trẻ vượt khó học giỏi…
Nhóm PV