1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Con em người có công phải được ăn no, mặc ấm, đến trường”

(Dân trí) - “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công trước hết phải đảm bảo để đồng bào được ăn no, mặc ấm, có nhà ở, con em được học hành, người ốm đau được chữa bệnh”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại UB Thường vụ.

Kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng từ năm 2005 đến nay được đưa ra báo cáo UB Thường vụ QH trong phiên họp hôm 13/4. Trưởng đoàn giám sát - Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, về cơ bản, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan, các địa phương đã quan tâm thực hiện tốt Pháp lệnh về người có công.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, đề cao trách nhiệm đối với người có công, bố trí ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực xã hội cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và thân nhân của người có công. Phong trào đền ơn, đáp nghĩa, toàn dân tham gia chăm sóc người có công phát triển sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực và trở thành trách nhiệm xã hội, tình cảm và nét đẹp văn hoá của dân tộc.

Đời sống của người có công được ổn định và từng bước được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân nói chung và của người có công nói riêng đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp phát triển của đất nước.

Về cơ bản, các chính sách ưu đãi bảo đảm công bằng và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Mức trợ cấp ưu đãi người có công thường xuyên được điều chỉnh phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ngoài chính sách trợ cấp ưu đãi còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, miễn, giảm thuế... Có thể nói, các đối tượng người có công đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

“Con em người có công phải được ăn no, mặc ấm, đến trường”

"Con em người có công phải được ăn no, mặc ấm, có nhà ở, được học hành".

Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng chỉ rõ những điểm hạn chế như đời sống của một bộ phận người có công còn gặp khó khăn do không còn sức lao động, không có nguồn thu nhập ổn định, sự giúp đỡ của xã hội chưa đủ để giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Hiện nay, cả nước vẫn còn khoảng 5% số người có công có mức sống dưới trung bình, ở một số ít địa phương điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn tỷ lệ này từ 10-20%  hoặc cao hơn.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công trước hết phải đảm bảo để đồng bào được ăn no, mặc ấm, có nhà ở, con em được học hành, người ốm đau được chữa bệnh. Cần tính toán đẩy nhanh hơn tiến độ hoàn thành việc hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở trên cơ sở các cơ chế, chính sách đã ban hành; khẩn trương trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ...

Các thành viên UB Thường vụ đề nghị cần nhanh chóng và nghiêm túc khắc phục những hạn chế, bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng; xử lý nghiêm một số hiện tượng tiêu cực.

UB Thường vụ yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương xử lý một số vấn đề như sửa đổi tiêu chí xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam; hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong xử lý các hồ sơ tồn đọng; giảm bớt phiền hà về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu mức chuẩn trợ cấp ưu đãi phù hợp với điều kiện hiện nay đồng thời, tích cực thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính liệt sỹ; coi đây là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước; sớm triển khai Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.

Theo thống kê, trong số hơn 1,1 triệu liệt sĩ đã có khoảng 780.000 liệt sỹ được an táng trong 3.077 nghĩa trang liệt sỹ và một bộ phận mộ liệt sỹ do gia đình quản lý. Hiện 590.000 mộ có đầy đủ thông tin, khoảng 303.000 mộ thiếu thông tin và còn trên 208.000 liệt sỹ chưa tìm thấy mộ.

P.Thảo