1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Con đường phục thiện của một "đại ca"

(Dân trí) - Một thời là tay anh chị khét tiếng dọc miền Trung (những năm 70 của thế kỷ trước), người đàn ông từng được biết đến với biệt danh “Thanh đại bàng” giờ đã là một ông già triệu phú sống cuộc đời bình yên tại một vùng quê cát trắng Quảng Bình.

Thiếu 1 năm nữa là tròn tuổi 60, Phạm Thế Thanh đang là chủ một xưởng mộc mỹ nghệ ở thôn Lương Yến, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình). Cuộc đời ông là câu chuyện li kỳ, hấp dẫn “kể không hết” như một cuốn tiểu thuyết dày trang.

Đường vào giang hồ

Sinh ra tại một vùng quê nghèo bên bờ sông Nhật Lệ, mới 3 tháng tuổi, cậu bé Thanh đã phải sống xa bố mẹ. Cha của Thanh vốn là công an chiến trường nhưng vì không chịu nổi những khó khăn vất vả nên đã đem theo vợ bỏ vào Huế. Hồi đó, cái lý lịch “gia đình bỏ vào Nam” trở thành một trong những nguyên nhân đẩy Thanh đến với con đường lầm lạc.

Cha mẹ bỏ vào Nam, cậu bé Thanh sống lủi thủi với bà cô làm nghề buôn bán dọc theo con đường miền Trung. Được bà cô cho ăn học đầy đủ nhưng những lần lang thang theo cô đi bỏ hàng đã làm cho Thanh nhiễm phải cái chất sống bụi đường ngang tàng.

Năm 1968, lúc mà cả nước đang sôi sục chiến tranh thì chàng trai 17 tuổi Phạm Thế Thanh đã quyết định bỏ học vào đất lửa Quảng Trị để học nghề sửa chữa đồng hồ kiếm sống và để “coi chiến tranh ra răng”. Sau đó, Thanh về quê viết đơn xin nhập ngũ để được ra trận nhưng bị từ chối bởi lý lịch gia đình không rõ ràng.

Chán nản, Thanh quay lại với nghề sửa đồng hồ và thường xuyên tụ tập bạn bè ăn chơi. Sẵn máu yêng hùng lại có đôi miếng võ, Thanh đại ca nổi lên giữa đám bạn bè. Thanh không hề biết rằng từ lâu mình trở thành đối tượng đặc biệt trong tầm ngắm của công an.

Tính tình nóng nảy, có một lần Thanh đã thẳng tay đánh trọng thương một người đàn ông khi ông này ăn trộm đồng hồ của mình. Thế là Thanh bị bắt và một ngày tháng giêng năm 1971, Thanh chính thức bước chân vào nhà giam ở trại Đồng Sơn - Đồng Hới.

Thanh nhanh chóng trở thành đại ca trong tù sau những lần đánh lộn. Ngồi tù Đồng Sơn được một thời gian thì Thanh bị chuyển ra trại giam số 3 ở Tân Kỳ (Nghệ An) vì liên tục đánh nhau. Ở Tân Kỳ, Thanh cũng không hề bỏ được tính nóng nảy, lại đánh nhau.

Thời gian này, Thanh thường xuyên có những trận thư hùng với một đại ca khác trong tù là “Phong nghĩa địa” để giành nhau chức đại ca. Phần thắng là cái tên “Thanh đại bàng” ra đời từ đó. Bản thân Thanh cũng không nhớ rõ mình đã có biết bao nhiêu lần ăn thua đủ đến suýt mất mạng ở trại giam Tân Kỳ.

“Nhiều lần, tui cũng đã cải tạo tốt lắm chứ. Sắp được về rồi thì tui lại đánh nhau nên bị giam tiếp. Có vài lần tui trốn trại ra được nhưng về quê thì không người thân thích, cô độc một mình nên quay lại trại” - ông Thanh kể.

Bảy năm trời ngồi tù rồi cũng đến ngày Thanh được mãn hạn. Bước chân cô độc của Thanh đại bàng lần hồi vào Huế tìm lại gia đình và người thân và sau gần 27 năm, Thanh mới thấy mặt được cha mẹ mình.

Cha mẹ thương Thanh thiếu thốn từ nhỏ nên đã cho rất nhiều tiền để bù đắp lại. Ai ngờ việc làm đó của họ lại rẽ lối đưa Thanh trở về… nhà giam. Cố đô Huế đổ nát, xô bồ sau giải phóng nhưng riêng Thanh lại có một cuộc sống vương giả tha hồ ăn chơi thoả thích.

Đám giang hồ ở Huế biết đến Thanh trong vai một tay ăn chơi không có giới hạn. Không mấy người biết rằng Thanh đang âm thầm bắt mối với hai bạn tù cũ (trong trại Tân Kỳ) ở Vinh để lập đường dây buôn bán thuốc Tây lậu.

Một lần chuyển hàng ra bán ở Quảng Bình, Thanh đã công an bị bắt. Vậy là lần thứ hai vào tù sau ba năm tự do. Vào tù, Thanh lại đánh nhau để khẳng định chỗ đứng của mình. Liên tục bị chuyển khắp các trại giam từ Huế ra Quảng Bình nhưng ở đâu Thanh cũng đánh lộn.

Đặc biệt là thời gian ở trại giam Hoàn Cát (Quảng Trị), Thanh từng nhiều lần sống mái với “Long võ sư” vốn nổi tiếng một thời cướp tài sản của lính ngụy để có tiền ăn chơi. Thua kém về ngón võ, Thanh đã dùng đá tấn công bất ngờ làm cho “Long võ sư” gãy cả hai hàm răng và phải nhường lại ngôi vị đại ca.

Cái gì cũng có giới hạn của nó, làm đại ca mãi rồi cũng chán, Thanh cải tạo tích cực và được ra tù để bắt đầu chập chững làm lại cuộc đời khi đã 37 tuổi.

Quay đầu lại là bờ

Đó là câu nói của nhà Phật mà Thanh tâm niệm nhất. Thanh nhớ mãi câu nói của giám thị trại giam dặn dò: “Trở về cố mà làm lại cuộc đời vẫn chưa muộn. Nhiều người nghĩ mình xấu nhưng mình cứ nghĩ mình tốt để mà phấn đấu là được”.

Sau gần chục năm ở tù, người thân chối bỏ, Thanh quay trở về vùng quê nghèo Lương Ninh với hai bàn tay trắng và quyết chí tìm cho mình con đường phục thiện riêng. Với suy nghĩ “ai đập vào mặt mình cũng kệ”, Thanh bắt tay vào làm ăn bằng quán sửa xe đạp gần bãi tha ma.

Thanh tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong mồ hôi, nước mắt từ những lần đi bốc vác, phụ hồ, đào đất... để kiếm tiền một cách chính đáng. Mấy năm sau, được sự giúp đỡ của công an huyện Quảng Ninh, Thanh đã hoà nhập với người dân quê, xoá dần dấu vết của một kẻ nhiều lần vào tù ra tội.

Năm 1982, Thanh kết hôn với chị Lê Thị Cơ (sau nhiều lần bị ông bà ngoại từ chối) rồi chuyển sang học làm thợ may, học nấu ăn để mở quán rất đông khách. Làm ăn khấm khá, đến năm 1986 Thanh vay vốn ngân hàng tham gia khai thác sắt và trở thành triệu phú nhanh chóng.

Chẳng được bao lâu sau thì mỏ sắt của ông chủ Thanh bị cấm bởi hồi đó không cho phép tư nhân khai thác. Vỡ nợ, lại trắng tay, không chịu dừng lại ở đó, Thanh quay lại mở quán cơm và tìm con đường làm ăn chân chính khác.

Năm 2002, dành dụm được một ít vốn, Thanh mở một xưởng mộc mỹ nghệ nhỏ. “Ông chủ xưởng” vốn có tay nghề học được trong thời gian ở tù trước đây, lại có con mắt nghệ thuật tinh đời nên xưởng mộc hoạt động rất trơn tru và tốt đẹp.

Từ những gốc và rễ cây đã già khô cứng, bàn tay khéo léo của “người nghệ sỹ” trải nhiều gian truân đã thổi hồn mình vào đó để tạo nên những hình hài tủ, giường, bàn ghế rất sống động, đẹp mắt mà không mất đi dấu vết của thời gian khi bước sang tuổi “ông”.

Mọi người ưa chuộng, sản phẩm từ xưởng mộc mỹ nghệ của ông chủ Thanh ngày càng nổi tiếng không chỉ ở quê nhà mà lan rộng ra bên ngoài. Đơn đặt hàng cho ông chủ Thanh làm không khi nào hết. Nghề của ông Thanh làm được quanh năm suốt tháng, khi nào mệt thì nghỉ.

Ông Thanh tâm sự: “Đời tôi vốn cũng chẳng mắc phải tội gì lớn lắm. Chỉ tại nóng tính, không chịu thua nên phạm phải nhiều sai lầm. Giờ làm cái nghề đục đẽo này cũng như là một cách tìm lại bình yên cho chính mình qua những nét đẹp giản dị, đơn sơ nhất”.

Thanh đại bàng thuở nào giờ đã là một ông già sắp bước sang tuổi lục tuần ngày ngày ngồi đục đẽo để làm ra những sản phẩm mỹ nghệ. Hai đứa con của ông chủ xưởng mộc mỹ nghệ đều đã lớn. Cô con gái lớn Phạm Thị Hải học xong trường du lịch Huế đã tự làm ăn và đang là chủ một quán cà phê. Còn cậu con trai Phạm Thế Hùng học rất giỏi, lại có năng khiếu vẽ nên cũng sắp vào đại học.

Thanh đại bàng khét tiếng một thời ngày nào đã tìm được con đường phục thiện có hậu, đẹp đẽ như những đường vân trên từng thớ gỗ hàng mỹ nghệ của ông.

Hoài Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm