1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Con đau đớn nhưng vẫn may mắn hơn 18 đồng đội đã hy sinh”

(Dân trí) - Trong con người nhỏ bé, nước da đen đúa, khắc khổ ấy có một nghị lực phi thường. Khi đứng trước tình cảnh con trai đang “thập tử nhất sinh” sau tai nạn máy bay rơi vừa qua, ông vẫn cố ngăn giọt nước mắt, động viên thân nhân những người còn lại...

“Nguyễn Hoàng Anh là con tôi thật, nhưng cháu trưởng thành như ngày hôm nay, được anh em, đồng đội, xóm làng quý mến là nhờ Đảng, Nhà nước, nhờ quân đội đã dạy dỗ con suốt 12 năm qua. Tai nạn không ai mong muốn với quá nhiều mất mát, đau thương, nhưng con vẫn còn may mắn hơn các đồng đội khác đã hy sinh. Tôi chỉ mong con tiếp tục rắn rỏi như những ngày trên thao trường, vượt qua giai đoạn khó khăn này để lại trở về là đồng chí với bố”, ông Nguyễn Minh Ngoãn, cha đẻ chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh - Tiểu đoàn đặc công 18 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) - nạn nhân vụ tai nạn máy bay đang được điều trị tại Viện Bỏng quốc gia - không giấu được nỗi xúc động nhưng vẫn rắn rỏi, đầy tự hào khi nói người con trai đang nằm trên giường bệnh.
 
Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô thăm hỏi, động viên gia đình ông Ngoãn (giữa) và thân nhân

Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô thăm hỏi, động viên gia đình ông Ngoãn (giữa) và thân nhân các chiến sĩ đang điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia. (Ảnh: H.Hải)

Ông Ngoãn rất tự hào vì trong gia đình có 3 người con, 1 gái 2 trai, chỉ có Hoàng Anh là theo quân ngũ giống cha. Hai cha con thân thiết như những người đồng đội. “12 năm trước, khi gửi con đi bộ đội, tôi đã rất tin tưởng con sẽ trở thành một chiến sĩ tốt, gương mẫu. Đến nay, 12 năm trong quân ngũ, Hoàng Anh đã trở thành một người đàn ông trưởng thành, đồng đội, anh em, bà con chòm xóm quý mến, biết lễ nghĩa kính trên nhường dưới, hiếu thuận với cha mẹ. Con đã nhận được nhiều giấy khen, được Bộ Quốc phòng trao bằng khen năm 2012...”.

Nhớ về giây phút biết tin con gặp nạn, ông Ngoãn vẫn không khỏi bàng hoàng. “Hôm 6/7, ông thông gia vẫn gặp tôi nói về tin tức của Hoàng Anh khi biết Tiểu đoàn của con tham gia tập huấn nhảy dù. Đến 10 giờ sáng ngày 7/7, bố vợ cháu Anh đọc báo mạng, biết xảy ra vụ tai nạn trực thăng, ông ấy chạy ngay lên nhà tôi thông báo. Tôi tức tốc lên Hà Nội và đến Viện Bỏng quốc gia lúc 17 giờ cùng ngày. Nhìn thấy con trong phòng bệnh, băng trắng toát, nhói đau nhưng tôi tin con rắn rỏi, tin con sẽ cố gắng chiến đấu đến cùng với bệnh trọng”.

“Vợ Hoàng Anh khi biết tin cũng đòi theo bố lên thăm chồng. Tôi cho con lên nhưng cũng phải động viên con cố gắng nén lo lắng, cố gắng kìm tiếng khóc bởi dù thương tổn nặng nề nhưng con mình vẫn còn được nằm đó, vẫn đang được chăm sóc tốt nhất, không thể so với những mất mát, đau thương của gia đình 18 chiến sĩ đã hy sinh”, ông Ngoãn chia sẻ.

Chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh lấy vợ đã được 8 năm. Hiện 2 vợ chồng anh có một con trai 6 tuổi. Vợ chồng anh Hoàng Anh vẫn ở chung với bố mẹ ở thôn Minh Đức, xã Lô Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

“Mỗi tháng con được về phép đúng 1 ngày. Cứ sáng thứ 7 có mặt ở nhà là 10h sáng chủ nhật lại chuẩn bị lên đường. Nhiều khi bắt được con cá muốn nấu cho con bát canh chua nhưng con bảo để lần sau về con ăn, phải trả phép đúng giờ không ảnh hưởng đến cả đơn vị. Tôi vui lắm vì con có trách nhiệm, có kỷ luật nhưng cũng sống rất tình cảm, chan hòa”, ông Ngoãn nói.

Ngồi bên cạnh ông Ngoãn, thân nhân gia đình hai chiến sĩ Đinh Văn Dương (SN 1983, ở Kim Bảng, Hà Nam) và chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn (SN 1981, ở Lục Ngạn, Bắc Giang) cũng động viên nhau: con cái mình vẫn còn sống, vẫn là quá may mắn so với nỗi đau, mất mát của đồng đội.

Anh Nguyễn Văn Bính (anh trai của chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn) cho biết, khi nhận điện thoại của vợ anh Tuấn gọi điện thoại báo tin vừa bị rơi máy bay, 16 người đã hy sinh, 5 chiến sĩ bị thương, anh rụng rời chân tay. Cả nhà vội vàng lên Hà Nội nghe thông tin của em.

Anh Bính chia sẻ, em trai anh dù đang bị bỏng 74%, bỏng sâu 65% độ III, IV, V nhưng “gia đình tôi cũng còn may mắn hơn 18 gia đình có chiến sĩ hy sinh”.

Vợ anh Tuấn đang mang bầu cháu thứ hai, khoảng hai tuần nữa là sinh. Biết tin chồng bị thương, gia đình không cho chị lên Hà Nội vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe hai mẹ con. Được biết chị đang làm nhân viên văn thư ở một trường học. Với đồng lương ít ỏi, chị phải làm ruộng, trồng vải, cam để tăng thêm thu nhập. Anh Tuấn công tác xa, nhà neo người, một mình chị đảm đương, quán xuyến công việc gia đình. Lần về thăm nhà gần đây nhất của anh Tuấn là cách đây 2 tuần.

Ông Trịnh Văn Hào, cậu ruột chiến sĩ Đinh Văn Dương (sinh năm 1983, ở Kim Bảng, Hà Nam) kể, biết tin dữ hôm 7/7, cả nhà bàng hoàng, vội vàng thuê xe lên Hà Nội. Anh Dương là con thứ 2 trong nhà, trên anh còn 1 chị gái. Bố anh Dương mất cách đây 4 năm, anh đi bộ đội từ năm 2002, vợ anh là hộ lý Bệnh viện 108 cũng đang mang thai sắp đến ngày sinh, nghe tin dữ của chồng đã phải nhập viện chờ sinh.

Hai ngày qua, tại Viện Bỏng, gia đình các chiến sĩ gặp nạn được chăm lo chu đáo nơi ăn chốn ở, yên tâm ở lại chăm sóc các chiến sĩ. Đau đớn nhìn con với băng trắng khắp người, ông Ngoãn vẫn giữ sự vững vàng của người lính: “Tôi mong mỏi con sẽ luôn rắn rỏi chống chọi với bệnh tật để qua cơn nguy kịch. Tôi cũng muốn chia sẻ nỗi mất mát với gia đình 18 chiến sĩ đã hy sinh”.
 
Hồng Hải