Con đã khóc, dẫu mẹ chưa thể gọi tên con
(Dân trí) - Cả khu phố bị tắc nghẽn. Tiếng cười chen lẫn nước mắt. Những giọt nước mắt của người con tóc đã chớm bạc màu khi tận mắt nhìn thấy người mẹ khốn khổ, già nua sống dưới gốc phượng lặng lẽ.
Những bước chân hồi hộp
8h sáng ngày 30/1 người đàn ông gầy guộc, nước da đượm màu nắng gió miền Tây Nguyễn Sơn Lâm rời chiếc xe khách Bắc Nam đặt chân xuống TP Hà Tĩnh. Chuyến hành trình dài đến hơn ngàn cây số, mất ngủ, xuống sức, nhưng ngay những bước chân đầu tiên ông Sơn đã cho thấy một khát khao đến cháy bỏng được nhìn thấy bà cụ bằng da bằng thịt - người mà cả gia đình ông tin đến cả trăm phần là người đã sinh ra họ.
Vừa đặt chân xuống TP Hà Tĩnh còn nhiều mệt mỏi ông Sơn tức tốc đi tìm mẹ
8h30 bến xe Hà Tĩnh chộn rộn người. Ông Sơn nhỏ nhẹ hỏi những người dân Hà Tĩnh tốt bụng về khối phố 8, phường Trần Phú - địa chỉ mà ông chưa một lần đặt chân đến, nhưng lại là nơi làm ông không ngủ suốt cả tháng qua.
Những thông tin trước đó về buổi sáng cùng ngày những người con của bà cụ Thụ sẽ ra Hà Tĩnh để nhận mẹ khiến nhiều người dân sống ở khu phố này có mặt ở gốc phượng từ rất sớm. Họ có mặt với đủ lý do, nhưng, hẳn sâu thẳm trong trái tim tất cả đều muốn chứng kiến giây phút hạnh phúc của người đàn bà tủi nhục đơn côi và của đứa con sau hàng chục năm sống thiếu hơi ấm, bàn tay của người mẹ.
Ông Sơn chỉ còn cách người mẹ vài bước chân
Và, tất cả như vỡ oà khi người đàn ông lạ xuất hiện đang tiến dần phía trước bà cụ khổ sở thân thuộc ngồi lặng lẽ dưới gốc phượng. Cách chừng vài bước chân với bà cụ ông Sơn đột ngột dừng lại. Ông cởi chiếc nón, nhìn thẳng vào khuôn mặt và con người bà cụ. Sự hồi hộp, lo âu vẫn hiện hữu trên khuôn mặt hao gầy sau những cái nhìn đầu tiên.
Có người lạ và sự xuất hiện của nhiều người dân một cách khác thường đã "đánh thức" tính khí nóng nảy, thất thường của cụ Thụ. Ông Sơn vừa ngồi xuống cụ lật đật cầm những túi ni lông đựng áo quần sinh hoạt hằng ngày rời khỏi gốc cây phượng. Cụ đi thẳng một mạch vào trong hẻm nhỏ, kèm những lời nói mà chẳng ai có thể hiểu nội dung.
Cụ Thụ đứng phắt dậy bước đi khi ông Sơn bước tới
“Mẹ tôi đây rồi. Không sai đi đâu được. Bà đã già đi nhưng khuôn mặt vẫn còn đó những nét mà tôi vẫn còn nhớ như in”- ông Sơn thốt lên trước đám đông khi bà cụ vừa lầm lũi bước đi. Câu nói của ông Sơn đã làm cả khu phố vỡ oà với nhiều cảm xúc. Những người dân có mặt tin câu nói của ông Sơn là sự thật. Họ càng tin bởi câu nói vội của ông trước khi dõi chân theo bà cụ: “Trước đây mẹ tôi vẫn thế, tính khí đã thất thường và thường lớn tiếng với mọi người”.
“Trời ơi, đúng là mẹ đây rồi!”
Bà cụ lủi thủi bước đi, theo sau là người đàn ông đang cố mọi cách để mẹ con nhận ra nhau sau hàng chục năm thất lạc. Cứ mỗi bước chân là mỗi lần ông Sơn đặc giọng miền Tây cất tiếng gọi mẹ."Mẹ ơi, mẹ dừng lại, mẹ…". Vẫn không một lời đáp, vẫn không một cái ngoảnh mặt từ bà cụ đang cặm cụi bước đi. Khuôn mặt ông Sơn thêm căng thẳng khi bà cụ cất lời: "Không phải tôi, các người đừng lừa để mà bán tôi đi".
"Mẹ ơi, mẹ dừng lại, mẹ..."
Sau vài trăm mét mệt nhọc bước đi bà cụ ngồi xuống ngay cửa nhà của một người dân. Ông Sơn cùng bà Hương (người thân thuộc nhất của cụ Thụ mấy chục năm qua) bước tới, gần gũi trò chuyện với bà cụ. Và rồi cụ Thụ đã nở nụ cười tươi - nụ cười mà ông Sơn khát khao nhìn thấy ở người mẹ suốt từ khi giáp mặt. Ông rút vội trong túi xách một chiếc khăn nhẹ nhàng lau những giọt mồ hôi nhễ nhãi trên khuôn mặt khắc khổ, già nua của bà cụ. Ông Sơn khóc, dẫu bà cụ chưa thể gọi tên con.
“Anh kiểm tra trên đầu xem bà cụ có vết sẹo không?” - bà Hương ngồi sát cạnh nhắc lại với ông Sơn như khi qua điện thoại ông nhờ bà kiểm tra hộ. Ông Sơn đặt đôi tay lên mái tóc bạc trắng của bà cụ rồi khẽ rẽ từng lớp tóc. Hai tay ông run rẩy, khóc lên trước vết sẹo năm xưa: “Trời ơi. Đúng là mẹ đây rồi. Mẹ ơi, mẹ của chúng con. Mấy chục năm rồi mẹ ở đây mà chúng con không thể biết”.
Nhẹ nhàng kiểm tra đầu mẹ ông Sơn đã tìm thấy vết sẹo trên đầu mẹ năm xưa
Cảm xúc đến tột cùng của ông Sơn đã khiến nhiều người có mặt không cầm được nước mắt. Như có cơn mưa dưới bầu trời Hà Tĩnh đang ngập tràn nắng nhẹ mùa đông, bởi tiếng khóc đầy xúc động của ông Sơn, của những con người đã gắn bó, nuôi nấng, che chở bà cụ suốt nhiều năm qua ở khối phố nhỏ bé này.
Nỗi đau cuộc chia ly
Chưa thể thuyết phục được người mẹ già mấy chục năm xa cách nhận ra con, nhưng ông Sơn vẫn ghé vào thăm mấy hộ dân như một lời cảm tạ. Câu chuyện ông kể về gia đình và nỗi đau thất lạc mẹ suốt mấy chục năm nghe càng xót thương. Bố ông là một người dân Cần Thơ chính gốc, tập kết ra tỉnh Lào Cai khoảng năm 1960. Cũng khoảng thời gian ấy bà Vũ Thị Chín (cụ Thụ, mẹ anh Sơn bây giờ) đang sống ở Yên Bái ngược lên làm kinh doanh ăn uống ở Lào Cai. Hai ông bà gặp nhau rồi nên nghĩa vợ chồng. Hơn chục năm sống bên nhau bố mẹ ông Sơn sinh được 5 người con, 4 trai, một gái, trong đó ông Sơn là con đầu.
Năm ông Sơn 14 tuổi, bố ông bỏ vợ (bà Thụ- PV) rồi dẫn mấy anh em ông vào Nam sinh sống. “Hồi đó tui không muốn đi vì tính khí mẹ không bình thường, nhưng vì mấy đứa em còn quá nhỏ tui đành theo bố để chăm sóc em. Mấy anh em tui thất lạc mẹ từ đó” - ông Sơn nhớ lại.
Như lời ông Sơn, vào Cần Thơ được ít lâu bố ông lập gia đình với người phụ nữ khác, mấy anh em ông vì thế phải đi làm mướn tận Cà Màu sống qua ngày. Giữa thập niên 80 ông Sơn có về Yên Bái, Lào Cai kiếm mẹ, nhưng lúc đó không ai biết mẹ ông đi đâu. Ông không ngờ mẹ thất lạc vào Hà Tĩnh để rồi có cuộc gặp mặt hôm nay.
Cụ Thụ sắp được gần gũi cùng con cháu sau hơn 30 năm thất lạc
Ông Sơn bày tỏ niềm vui được tìm thấy mẹ, quyết tâm đưa mẹ vào Nam sinh sống những ngày cuối đời còn lại để bù đắp những thiếu thốn tình mẫu tử suốt hàng chục năm qua. Nhưng ông cũng không giấu giếm một sự thật, con đường đưa mẹ vào Nam đoàn tụ gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn phía trước.
Ngay sau khi biết thông tin niềm vui của cụ Thụ khi mẹ con cụ gặp lại nhau sau mấy chục năm xa cách, ông Phạm Huy Hoàn - Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí đã quyết định trích số tiền 2 triệu đồng từ Quỹ Nhân ái của Báo trao tặng cụ Thụ, kèm lời chúc cụ sớm đoàn tụ gia đình, sống hạnh phúc với con cháu những ngày còn lại. Sáng 30/1 những món quà trên của lãnh đạo Ban biên tập Báo điện tử Dân trí đã được nhà báo Duy Thảo - Trưởng đại diện Báo Dân trí tại Khu vực Bắc Miền Trung chuyển tận tay cụ Thụ. Nhà báo Duy Thảo chuyển các món quà từ Báo Dân trí, bạn đọc cho cụ Thụ Ngoài ra, Nhà báo Duy Thảo cũng đã chuyển số tiền 2.132.000 tiền ủng hộ từ các nhà hảo tâm giúp đỡ cụ Thụ. Cảm kích trước tấm lòng của bạn đọc, người dân địa phương dành cho người mẹ thất lạc, neo đơn của mình thời gian qua ông Nguyễn Lâm Sơn xúc động, bày tỏ lòng cảm ơn, và xin hứa sẽ làm tất cả những gì có thể để mẹ sớm được đoàn tụ với con cháu. |
Văn Dũng - Cao Cường