(Dân trí) - Sau hơn một năm, người dân TPHCM một lần nữa trải qua những ngày hạn chế tới mức tối thiểu nhu cầu của mình để chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.
Những ngày cuối tháng 5, TPHCM khoác lên mình 2 bầu không khí đối lập. Sự dồn dập, cấp bách được người dân đón nhận từ các mặt báo, trang mạng xã hội khi hàng chục ca mắc Covid-19 mới, điểm phong tỏa, cách ly được công bố từng ngày. Tiếng còi xe cấp cứu, bóng áo bảo hộ xanh - trắng xuất hiện gấp gáp trên mọi nẻo đường không kể ngày đêm.
Ở sắc thái còn lại, thành phố 9 triệu dân tĩnh lặng hơn khi những tiệm cà phê không còn bày biện bàn ghế, tấm biển "chỉ bán mang về" được niêm yết ở hầu hết quán xá ven đường. Dây hạn chế ra vào được căng lên ở toàn bộ công viên, ghế ngồi nơi công cộng.
Đã hơn một năm kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội hồi tháng 4/2020, cư dân của đô thị lớn nhất cả nước mới tiếp tục trải qua những ngày cùng chính quyền gồng mình chống dịch. Trong giai đoạn cố gắng giữ vững mục tiêu kép, quyết định giãn cách xã hội là điều không dễ dàng với đô thị lớn nhất cả nước nhưng là điều không thể làm khác khi diễn biến dịch bệnh đã tới mức báo động.
"Tình hình dịch Covid-19 có khả năng vượt tầm kiểm soát. Chúng ta buộc phải chấp nhận giải pháp cách ly, giãn cách trong 2 tuần vì lợi ích lâu dài", Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu nhận định tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố sáng 30/5.
Tối muộn 26/5, tòa nhà văn phòng trên đường Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận) bất ngờ bị căng dây phong tỏa. Toàn bộ nhân viên phía trong được yêu cầu ở yên tại chỗ để lấy mẫu xét nghiệm.
Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ màu xanh nhanh chóng tiến vào phía trong, lấy mẫu bệnh phẩm và đưa đoàn người ra xe đến khu cách ly tập trung. Không khí vội vã, khẩn trương bao trùm, trên mặt ai cũng lộ rõ vẻ căng thẳng, lo lắng.
Tòa nhà là nơi làm việc của một ca dương tính SARS-CoV-2. Người này là nữ giới, ngụ tại Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Ca mắc trên được xác định là điểm khởi đầu ghi nhận một chuỗi siêu lây nhiễm trên toàn địa bàn.
Cùng thời điểm ấy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) tiếp tục thông tin về 2 ca dương tính khác, là vợ và chồng sinh sống tại phường Thạnh Lộc, quận 12.
Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng, cho biết qua điều tra dịch tễ, lực lượng y tế phát hiện cả 3 ca dương tính trên đều sinh hoạt chung nhóm tôn giáo tại quận Gò Vấp.
Hội viên của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng được lên danh sách, các đội phản ứng nhanh đến từng điểm họ sinh sống để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, điều tra, truy vết.
"Khi nhận diện thông tin, chúng tôi xác định đây là một đêm rất dài của lực lượng y tế. Công tác điều tra dịch tễ, xác định khu vực sinh hoạt của nhóm tôn giáo, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ hội viên được làm cấp tốc", ông Nguyễn Trí Dũng chia sẻ.
Sau những ca chỉ điểm đầu tiên, trong ngày 27/5, TPHCM phát hiện hàng loạt ca mắc mới rải rác trên địa bàn. Lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch bắt đầu những ngày dài không có thời gian ngơi nghỉ.
Các đội phản ứng nhanh tại địa bàn có ca nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 được kích hoạt khẩn cấp, hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế truy vết, điều tra dịch tễ. Những phần việc được thực hiện thần tốc, phối hợp nhịp nhàng nhằm tìm ra và chặt đứt chuỗi lây nhiễm.
Trong 3 ngày 27-28-29/5, những cuộc tầm soát quy mô lớn nhất từ trước tới nay được thực hiện tại các quận, huyện có người liên quan đến chùm lây nhiễm cơ sở tôn giáo. Trong đó, quận Gò Vấp, nơi Hội thánh truyền giáo Phục Hưng hoạt động, đã thần tốc xét nghiệm cho 50.000 người sinh sống quanh khu vực.
Sau khi phát hiện 5 mẫu gộp cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, chiều 28/5, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Hữu Hưng đã trực tiếp xuống chỉ đạo lấy mẫu tầm soát toàn bộ người dân sinh sống tại phường 15 (quận Gò Vấp).
"Đây là chùm ca bệnh phức tạp, mức độ lây nhiễm nhanh, liên quan đến nhiều quận, huyện và các tỉnh, thành lân cận", Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đánh giá.
Dưới ánh đèn đêm, đội ngũ nhân viên y tế tiếp tục gắng sức trong nhiều giờ để hoàn tất việc lấy mẫu cho hơn 50.000 người. Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, quận Gò Vấp sắp xếp 8 khu vực, mỗi khu vực tiếp nhận khoảng 6.000 người đến khai báo, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Tại một địa điểm, chỉ khoảng 10 nhân viên y tế trực tiếp làm xét nghiệm cho hàng nghìn người. Sau gần 10 giờ liên tục không nghỉ, công tác truy vết, xét nghiệm được thực hiện xong, trên khuôn mặt mỗi chiến sĩ áo trắng, mồ hôi và vết hằn của khẩu trang y tế thể hiện rõ khối lượng công việc của họ trong những ngày cả thành phố chung sức chống dịch.
"Khi làm nhiệm vụ, chúng tôi chỉ quan tâm đến hoàn thành công việc và người dân đến đầy đủ. Mệt ai cũng mệt, nhưng đổi lại cũng cảm thấy được an ủi vì được góp sức cùng cả cộng đồng", nam bác sĩ của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM chia sẻ tại điểm lấy mẫu ở phường 15 (quận Gò Vấp) rạng sáng 29/5.
Ngày 30/5, TPHCM ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục trong cộng đồng từ đầu mùa dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phát đi thông báo về 48 trường hợp dương tính Covid-19 mới liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Chỉ vài ngày, chuỗi lây nhiễm liên quan đến tôn giáo đã chạm ngưỡng 140.
Ngay trong sáng cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố triệu tập cuộc họp khẩn nhằm thảo luận về các biện pháp cách ly, phong tỏa trên diện rộng. Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin với những chuỗi lây nhiễm mới xuất hiện. Thành phố có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 là 13 ca/1 triệu dân, tỷ lệ đáng báo động.
Quyết định giãn cách toàn thành phố theo chỉ thị 15 được Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đưa ra ngay sau đó. Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đề nghị các sở, ngành nghiên cứu những biện pháp mạnh mẽ hơn để ứng phó với diễn biến dịch phức tạp.
"Chỉ thị 15 yêu cầu không tụ tập 10 người ngoài phạm vi trường học, công sở, bệnh viện, Sở Y tế cần nghiên cứu phương án không tập trung quá 5 người. Ngành y thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 diện rộng trên toàn thành phố", ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.
Nói về việc giãn cách TPHCM theo chỉ thị 15 trong 2 tuần tới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho đây là giải pháp ít xấu nhất và không còn cách khác. Khoảng thời gian này có vai trò quan trọng trong việc đón đầu, truy vết một cách chính xác, ngăn chặn và cắt đứt lây nhiễm.
"Trong thời gian giãn cách, việc đi lại không cần thiết, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng cần hạn chế. Đây là giải pháp an toàn khi dừng tối thiểu hoạt động vì mục tiêu an toàn tối đa", người đứng đầu Đảng bộ TPHCM chia sẻ.
Sự lo lắng của chính quyền và ngành y thành phố không chỉ dừng lại ở việc số ca F0 liên quan đến hội thánh tăng lên mỗi ngày. Thực tế trong quá trình truy vết dịch bệnh cho thấy số hội viên thực tế của nhóm tôn giáo này lớn hơn rất nhiều so với danh sách đăng ký.
"Điều không ai muốn đã đến, thành phố chính thức bước vào cuộc chiến với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với một kịch bản không ngờ đến. Những người sinh hoạt hội thánh nếu tiếp tục ở trong cộng đồng sẽ thành nguồn lây rất nguy hiểm", Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM kêu gọi người liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng khai báo y tế, cùng chung tay với cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.
Trước khi quyết định giãn cách xã hội có hiệu lực, UBND TPHCM đã yêu cầu tạm dừng hàng loạt hoạt động kinh doanh, hàng quán chỉ được bán mang đi khi những dấu hiệu đầu tiên của chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng xuất hiện.
Từ thời điểm đó, những tờ giấy "chỉ bán mang về" xuất hiện ở khắp các hàng quán trên toàn địa bàn. Người dân của thành phố lớn nhất cả nước hiểu rằng thời điểm này, một chút bất cẩn, ai cũng có thể trở thành F0…
Chị Ly (28 tuổi, nhân viên một trung tâm tiệc cưới tại TPHCM) chia sẻ không cảm thấy quá bất ngờ trước động thái trên của thành phố. Từ ngày TPHCM xuất hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên, nhiều cặp đôi đã quyết định hoãn tổ chức đám cưới nhằm đảm bảo an toàn cho gia đình mình và khách.
"Có ảnh hưởng đến thu nhập, tuy nhiên chúng tôi hiểu đó là điều cần thiết. Nếu không tạm dừng các hoạt động tập trung đông người thời điểm này, chỉ một ca dương tính xuất hiện tại các sự kiện, cả trung tâm và cuộc sống nhiều người xung quanh đều bị ảnh hưởng", nữ nhân viên chia sẻ.
Việc ủng hộ, đồng thuận của người dân còn bắt nguồn từ những động thái, giải pháp quyết liệt mang tính đón đầu, chuyển trạng thái từ phòng thủ sang tấn công với dịch bệnh được TPHCM đưa ra từ trước khi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện.
Thực tế cho thấy, dù không thể ngăn chặn được dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn, bùng phát, song sự quyết liệt của các cấp chính quyền đã giúp đô thị đông dân nhất cả nước hạn chế khả năng lây lan.
Bên cạnh những điểm sáng, sự đồng lòng của người dân và chính quyền thành phố trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, công tác truy vết, khoanh vùng vẫn gặp những khó khăn nhất định. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM nêu thực trạng những người tham gia hội thánh tại quận Gò Vấp rất kiệm lời và khai rằng ít tiếp xúc với người khác, không đi chợ, siêu thị suốt thời gian qua.
Ví dụ điển hình nhất của "khoảng tối" trên là một gia đình tại quận Tân Phú đã khai báo không trung thực khi đến khám tại bệnh viện quận trong ngày 27-28/5. Sau khi khai thác thêm thông tin những người này liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, toàn bộ bệnh viện được phong tỏa, nhiều nhân viên y tế phải cách ly ngay lập tức.
"Nếu chỉ e ngại ảnh hưởng đến công việc cá nhân mà không khai báo thì hãy nhớ việc không khai báo ấy sẽ ảnh hưởng đến công việc rất nhiều người khác. Không khai báo hoặc khai báo không trung thực chính là vi phạm pháp luật", Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM nhấn mạnh.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 trên cả nước và TPHCM chưa thể định ngày kết thúc. Không ai biết số ca mắc tại thành phố 9 triệu dân sẽ còn tăng đến bao nhiêu. Những hệ lụy, thiệt hại về đời sống, kinh tế mà virus SARS-CoV-2 mang đến chắc chắn không nhỏ.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để hàng triệu người dân thành phố cùng đồng lòng, đoàn kết và chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Quãng thời gian này, mỗi hành động của từng người không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân họ mà còn có tác động đến cả cộng đồng.
Nội dung: Quang Huy
Photo: Hải Long
Design: Đỗ Linh