Giám đốc Sở Công Thương:
TPHCM đủ hàng hóa, người dân không cần đổ xô đi mua
(Dân trí) - Theo đại diện Sở Công Thương TPHCM, nguồn hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm tại thành phố rất dồi dào và bình ổn giá. Người dân không cần phải đổ xô đi mua.
Sau khi có chỉ đạo giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, nhiều người dân tại TPHCM đã "đổ xô" đi mua hàng hóa để tích trữ. Lãnh đạo Sở Công Thương thành phố đã lên tiếng về vấn đề này.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho biết, dù giãn cách xã hội thì các chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn hoạt động bình thường nên người dân không cần phải lo lắng.
Theo ông Vũ, mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm tại các chợ đầu mối của thành phố rất dồi dào. Thậm chí, giá cả các mặt hàng thiết yếu còn giảm trong những ngày qua. Chính vì vậy, người dân nên tránh tập trung đông người khi mua sắm.
"Sở Công Thương TPHCM đã có những kịch bản, kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân trong mùa dịch. Sở đã khuyến nghị các doanh nghiệp bình ổn chuẩn bị nguồn hàng cung ứng lớn, cao 2 - 3 lần so với bình thường".
"Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp có kinh doanh hàng hóa thiết yếu đẩy mạnh công tác bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi để tạo thuận lợi cho người dân trong việc mua sắm", ông Vũ nói.
Cũng theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, người dân không nên quá lo lắng và "đổ xô" đến các điểm kinh doanh để mua hàng hóa tích trữ. Bởi, hiện nay, hàng hóa tại TPHCM rất phong phú và đầy đủ.
Theo Sở Công Thương TPHCM, mỗi ngày, thành phố có khoảng 8.000 tấn rau củ quả được nhập về và tiêu thụ tại 3 chợ đầu mối là Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức. Số nông sản này đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố.
30% lượng nông sản còn lại sẽ do hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp phân phối lớn cung cấp cho người dân.
Thống kê của Sở Công Thương TPHCM cho thấy, mỗi ngày, thành phố cũng có khoảng 700 tấn thịt heo, 800 - 900 tấn thủy hải sản và 250.000 con gia cầm "đổ về" địa bàn để cung cấp thực phẩm cho người dân. Chính vì vậy, nguồn cung thực phẩm cho người dân là luôn đều đặn, dồi dào.
"Sở Công Thương TPHCM đã kích hoạt liên kết 22 tỉnh thành trong chương trình kết nối cung cầu và bình ổn thị trường theo chỉ đạo từ Bộ Công Thương. Song song đó, các doanh nghiệp cũng đều đã có phương án dự phòng. Các sản phẩm sẽ không khan hiếm và không tăng giá", ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, nhiều hệ thống siêu thị tại TPHCM có lượng người dân đến mua sắm tăng mạnh. Một số người dân lo lắng thái quá đã mua thêm nhiều hàng hóa về tích trữ trước thềm giãn cách xã hội. Các cửa hàng tạp hóa cũng tấp nập khách mua gạo, mì gói, trứng và các loại đồ hộp, nước uống đóng chai.