Còi xe quái đản náo động đường phố
Trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội), giữa trưa nắng gắt, một âm thanh như lợn bị chọc tiết phát ra từ còi xe máy... Người đi đường chưa hết giật mình thì lại có tiếng trẻ con khóc “oe oe” từ xe máy khác bám sát phía sau.
Mọi người trên đường đổ dồn ánh mắt về nơi phát ra thứ âm thanh bất thường. Chủ nhân của tiếng còi tỏ vẻ khoái chí, liên tục bấm còi.
Những thanh niên chơi trội còn trang bị rất nhiều loại khác nhau: tiếng ngựa hý, chó sủa, mèo kêu, gà gáy... Ngoài thứ tiếng được coi là sinh động, còn có còi ủ (giống như còi xe cảnh sát và cấp cứu), còi hơi.
Một chủ cửa hàng sửa xe máy trên phố Phủ Doãn cho biết, loại còi ủ xuất hiện nhiều năm nay. Người mua có thể tự lắp còi, hoặc nhờ chủ cửa hàng sửa chữa xe máy mua và lắp hộ.
Tại cửa hàng bán đồ xe máy trên phố Huế, người bán hàng tiếp thị đủ loại còi. Một chiếc còi tiếng quái đản có giá trung bình 70.000-80.000 đồng, còi xịn giá 100.000-200.000 đồng. Tất cả đều nhập lậu từ Trung Quốc.
Cánh lái xe tải trên các tuyến quốc lộ cũng trang bị những loại còi đinh tai nhức óc. Một số vụ tai nạn giao thông xảy ra, nguyên nhân chính là do chủ xe bị giật mình bởi tiếng còi, không làm chủ được tay lái.
Theo các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, tiếng ồn là một trong những nguyên nhân gây các hội chứng đau đầu, mất ngủ, cáu gắt và suy nhược cơ thể, kích thích thần kinh...
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Toán (Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường) cho biết: “Với độ ồn đến 90 dB, người ta chỉ có thể làm việc trong 4 giờ/ngày nếu không muốn bị... điếc”.
Luật Giao thông đường bộ quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có bấm còi và rú ga liên tục... Nghị định 39 cũng quy định phạt tiền 50.000 đồng đối với hành vi dùng đèn pha, còi hơi trong thành phố, thị xã; dùng còi ở những nơi cấm còi hoặc làm mất yên tĩnh...
Theo Công An Nhân Dân