1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Côi cút mà phạm tội

Đang lọ mọ tìm phòng xử, bà Ba bỗng nghe có tiếng gọi: “Nội, nội ơi”. Giọng nói quen quen nhưng bà không nhìn ra người thanh niên đứng trước mặt. Phải một lúc sau, khi nghe Long thổn thức gọi lần thứ hai: “Con nè nội ơi”, bà mới nhận ra nó…

Đến lúc này, bà mới quầy quả chạy đến chỗ Long đang ngồi chờ xử nhưng đã bị hai Cảnh sát áp giải tội phạm chặn lối không cho vào… Thẫn thờ bước ra, nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt già nua khắc khổ của bà. Ngồi phía ngoài nhưng đôi mắt kèm nhèm của bà luôn hướng vào trong, nơi Long đang ngồi cúi đầu, mắt cũng đang rơm rớm nước...

 

Tiếng chuông reo, mọi người lục tục kéo nhau vào phòng xử. Cô thư ký làm thủ tục, tôi mới hay ngoài bà, hai người anh trai của Long, hôm nay còn có cha Long đến dự với tư cách là người giám hộ.

 

Phiên toà xét xử bị cáo Trần Thành Long diễn ra ngày 26/3/2009 tại TAND TP Hồ Chí Minh. Câu chuyện về cuộc đời Long được chính bà nội (nay đã 69 tuổi) và vị luật sư kể lại như một cuốn phim buồn: Cha mẹ chia tay khi Long vừa tròn tuổi, hai người anh lớn của Long mới lên bốn lên năm. Từ đó, anh em Long chưa một lần gặp lại mẹ… Một thân một mình, làm mướn quanh năm cha Long không nuôi nổi ba đứa con thơ dại. Thương cháu bữa đói bữa no, bà nội Long đưa cả ba anh em lên Sài Gòn nuôi nấng.

 

Cùng con gái từ Tân Châu, An Giang lên TP Hồ Chí Minh (tạm trú tại phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) sống nhờ vào nghề lột củ hành mướn và trông trẻ, cuộc sống của nội Long cũng không khá gì. Nay lại phải gánh thêm ba đứa cháu, bà nội cũng chỉ có thể chạy lo bữa ăn hàng ngày, còn chuyện học hành của ba anh em thì cứ bị “gác” lại hết năm này qua năm khác…

 

Sống giữa đất Sài Gòn nhưng anh em Long không ai biết chữ, bản thân Long còn không biết tuổi chính xác của mình bởi lúc sinh ra không được làm giấy khai sinh… Cuộc sống thiếu thốn tứ bề nhưng được sự yêu thương và dạy dỗ của nội, cả ba anh em trai Long không ai hư hỏng. Cũng như các anh, từ năm mười tuổi Long đã đi làm ở xưởng dập sắt. Mấy tháng đầu học việc, ngày chỉ được 5.000 đồng cho đến trước ngày vụ án xảy ra, mỗi ngày Long cũng kiếm được 25, 30 ngàn về giúp đỡ nội. Vậy mà…

 

Ngày 1/7/2007, sau khi đi làm về, tối đó Long xin nội đến chỗ bạn bán hủ tiếu gõ gần ngã tư ấp Chiến Lược - đường Đất Mới, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân chơi. Một lúc sau, Mai Hoàng Tiến (SN 1985, người cùng xóm), lúc này đã say xỉn cùng bạn đi xe gắn máy đến. Tiến hỏi Long: “Mày thấy thằng Bé và thằng Bự ở đâu không?”. Không thấy ai nên Long trả lời không biết. Không vừa lòng với câu trả lời của Long, Tiến liền bước xuống xe dùng chân đá vào tay Long một cái. Sợ bị đánh nữa nên Long đi đến sát bờ tường gần nắp cống thoát nước gần đó ngồi nhưng vẫn bị Tiến loạng quạng đi tới dùng chân đá tiếp vào mặt Long một cái rồi cầm đôi đũa ăn hủ tiếu đánh vào đầu Long.

 

Quá tức giận, nhìn thấy cây kim loại tròn gần đang nằm gần rãnh thoát nước Long liền nhặt lên đâm mấy nhát vào người Tiến. Đến khi bình tĩnh lại thì thấy Tiến bị thương, Long hoảng quá bỏ chạy. Sau một đêm lang thang không dám về nhà, sáng hôm sau, Long liền đến nhà Tiến để xin lỗi. Nghe tin, nội Long chạy qua xem sự việc. Tức giận, cầm roi đánh Long mấy cái xong, bà kêu ba Tiến đi báo Công an và Long bị bắt ngay sau đó. Theo giám định, Tiến bị thương tật 52% vĩnh viễn.

 

Ngày bị bắt, Long cũng không biết tuổi thật của mình là bao nhiêu. Không khai sinh, không giấy chứng minh, cơ quan điều tra đành phải đưa Long đi giám định tuổi, mới biết Long mới 17 tuổi. Tại toà, Long thừa nhận sự việc như cáo trạng đã truy tố. Bị hại Tiến cũng thừa nhận nguyên nhân xảy ra vụ án hôm đó bắt đầu từ lỗi của mình nên xin toà xem xét cho bị cáo được hưởng mức án khoan hồng…

 

Bào chữa cho bị cáo, lời trần tình của vị luật sư đã làm người dự khán xúc động khi ông kể lại cuộc tiếp xúc với Long ở trại tạm giam: Khi ông hỏi Long có nhắn gì cho gia đình không? Ông xúc động thật sự khi thấy Long ngập ngừng rồi nói: “Gần hai năm rồi con không gặp được ai trong gia đình. Xin luật sư nhắn nội vào thăm con với, con nhớ nội quá” (Nghe đến đây, bà nội Long ngồi phía dưới khóc ngất)…

 

Ông nói tiếp, với hoàn cảnh như thế tôi nghĩ như người khác, bị cáo sẽ là một con người lầm lì, tự ti nhưng qua tiếp xúc với bị cáo, tôi thấy con người này rất có ý chí phục thiện. Cũng vì cảm phục ý chí của Long và mong cho Long có cơ hội sớm trở về với cuộc sống bình thường, ngoài bào chữa miễn phí, ông và anh em trong văn phòng luật sư đã gom góp được hơn 3 triệu đồng bồi thường tiền thuốc men cho gia đình nạn nhân để Long có thêm một tình tiết giảm nhẹ…

 

Giờ nghị án, sau một hồi thuyết phục, tôi mới được hai đồng chí Cảnh sát dẫn giải đồng ý để bà Long gặp Long vài phút. Thế nhưng bà Long chỉ nói được một câu: “Đi trại ráng cải tạo tốt để mau về nhà nha con” rồi khóc ngất… “Nhớ nó lắm cô ơi nhưng lực bất tòng tâm. Nhà tui chạy ăn từng bữa đã khó, tiền đâu mà đi thăm nuôi nó, ba nó thì ở tận Kiên Giang cũng làm mướn kiếm ăn… Hôm nay đi từ dưới lên đây, ba nó cũng đi nhờ người ta chứ trong túi cũng không có một xu…”, bà nghẹn ngào kể hoàn cảnh khó khăn của mình khi được hỏi vì sao không đi thăm cháu.

 

Chuông lại reo… Phiên toà kết thúc sớm (Long bị kết án 4 năm tù về tội giết người) nhưng quá trưa, trong cái nắng chang chang của tháng ba, tôi thấy bà và người thân vẫn còn đứng nán lại trước sảnh toà án để chờ gặp Long trước khi lên xe trở về trại giam.

  

Theo Anh Huy

Công an nhân dân