TPHCM:
Coi chừng “bà hỏa” dịp cuối năm
(Dân trí) - Dịp cuối năm cũng là lúc doanh nghiệp gia tăng sản xuất để phục vụ Tết, trong khi đó, thời tiết lại vào mùa khô nên nguy cơ cháy nổ cao. Chính vì vậy, đảm bảo an toàn cháy nổ, cần chủ động phòng ngừa và có biện pháp ứng phó kịp thời.
Thiếu phương tiện, kém ý thức
Ngày 11/12, Sở Cảnh sát PCCC – Công an TPHCM phối hợp với Ban quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cùng công ty bảo hiểm AAA đã tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật về PCCC cho hơn 1.000 doanh nghiệp trong các Khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê của Sở cảnh sát PCCC TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có tất cả 15 KCX, KCN trong đó có hơn 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên đa số các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố đều thiếu phương tiện PCCC và yếu về ý thức phòng chống cháy nổ.
Thiếu tướng Trần Triều Dương – Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết hiện tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp. Trung bình mỗi năm xảy ra gần 150 vụ cháy lớn nhỏ, thiệt hại tài sản hàng chục tỷ đồng, làm chết, bị thương nhiều người. Đặc biệt, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng như vụ cháy cửa hàng xăng dầu Biên Khoa (Q.Tân Bình), vụ cháy cửa hàng xăng dầu thuộc công ty lương thực TPHCM (Q.Gò Vấp), vụ cháy kho chứa hàng hóa của Trung tâm Tiếp Vận Xanh (Q.Thủ Đức)…
Một cán bộ PCCC cũng phải thốt lên rằng: “Khi chúng tôi đến kiểm tra hoặc tuyên truyền kiến thức pháp luật PCCC, nhiều chủ doanh nghiệp né tránh và để trợ lý ra tiếp. Nhân viên nào tiếp cũng không sao nhưng những vấn đề mấu chốt về PCCC cho doanh nghiệp thì chỉ có chính chủ doanh nghiệp đó nắm được thì mới ứng phó tốt khi có cháy nổ xảy ra”.
“Càng gần về thời điểm cuối năm, an toàn PCCC tại các KCX, KCN càng được đặt lên hàng đầu bởi tại đây tập trung nhiều các công ty, doanh nghiệp đang vào cao điểm sản xuất hàng hóa vì vậy công tác PCCC càng được báo động hơn” - Thiếu tướng Trần Triều Dương khuyến cáo.
Nâng cao hiệu quả lực lượng PCCC tại chỗ
Thiếu tướng Trần Triều Dương cho biết, để nâng cao công tác PCCC, cần phát huy vai trò, hiệu quả của lực lượng PCCC tại chỗ. Nghĩa là, tăng cường phổ biến công tác PCCC, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, nâng cao tinh thần trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, những người đứng đầu cơ quan, tổ chức chứ không phải xem rằng việc này chỉ là của cảnh sát PCCC lo. Nếu được tuyên truyền, tập huấn các kỹ năng và trang bị phương tiện tốt, khi có cháy, lực lượng tại chỗ như bảo vệ, người dân… xử lý ban đầu không để cháy lan, cháy lớn và như thế khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tiếp cận hiện trường cũng dễ dàng và thiệt hại sẽ thấp hơn rất nhiều. Thiếu tướng Trần Triều Dương cũng cho rằng, ngoài Luật phòng cháy và chữa cháy năm 2001, các Nghị định hướng dẫn thi hành luật này, cần có quy định và chế tài để buộc công dân đủ 18 tuổi trở lên phải có ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCC như trách nhiệm nghĩa vụ quân sự.
Ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban quản lý các KCX, KCN TPHCM (Hepza) cho rằng, ngoài việc xem nhẹ công tác PCCC, nhiều doanh nghiệp trong KCX, KCN cũng quên đi việc thực hiện bảo hiểm trong PCCC. Vì vậy khi có hỏa hoạn, một lượng lớn tài sản của các doanh nghiệp mất mát.
Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc AAA cho biết: “Nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn mang tâm tưởng mất bò mới lo làm chuồng, trong khi hoạt động sản xuất hiện nay vốn dĩ gặp rất nhiều những rủi ro thường trực không thể đoán trước được. Vì vậy bên cạnh việc đảm bảo công tác an tòan PCCC, các doanh nghiệp cũng nên thực hiện việc bảo hiểm tài sản trong các trường hợp hỏa hoạn xảy ra”.
Công Quang