1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

“Cò” vé tàu công nghệ cao

Để có tấm vé tàu Tết được mua theo kiểu “công nghệ cao”, nhiều hành khách, đặc biệt là người lao động, phải cậy nhờ đến “cò”. Lần đầu tiên vé tàu Tết được bán qua mạng Internet, e-mail và điện thoại, những tưởng sẽ hạn chế được nạn “cò” vé, ai ngờ “cò công nghệ cao” đã bắt đầu nhập cuộc...

Nếu như những năm trước, đến ga Sài Gòn mua vé tàu về quê ăn Tết, người dân phải xếp hàng rồng rắn hàng ngày mới có được tấm vé quý giá, nhiều người không đợi được đành về không thì năm nay, với hình thức chỉ bán vé tàu qua mạng, qua điện thoại, e-mail, người dân không phải đến xếp hàng tại nhà ga. Bù lại, dân phải thời gian và tiền để truy cập Internet, ngồi hàng giờ, thậm chí hàng ngày “canh me” đặt được chỗ qua mạng, hoặc đặt được vé qua điện thoại. Với những người dân lao động có trình độ thấp, muốn đặt chỗ qua hình thức “công nghệ cao” này thật khó khăn.

 

Số người thực hiện đặt chỗ mua vé được trong hai ngày qua thật ít ỏi, tính đến sáng 11/12 mới chỉ hơn 3 ngàn chỗ. Hầu hết người dân có nhu cầu mua vé tàu Tết khi giao dịch qua hình thức “công nghệ cao” đều tỏ ra mệt mỏi.

 

Chiều 11/12, chị Thúy Hà tìm đến đại lý vé tàu Hỏa Xa tại số 275C Phạm Ngũ Lão (Q.1) với đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ sau khi mỏi mòn đặt chỗ vé tàu qua mạng Internet và điện thoại suốt 2 ngày nay, nhưng kết quả không thành vì mạng bị kẹt, điện thoại cũng “bận máy” suốt.

 

Chị Hà đành phải tìm đến một địa chỉ mua vé hộ với tiền công rất cao. Nhân viên bán vé tàu tại đây cho biết, hai ngày qua đại lý chỉ xuất được gần 20 vé đặt qua mạng và điện thoại, mặc dầu đại lý nằm ở quận trung tâm thành phố.

 

Ông Đinh Văn Sang, Phó Tổng Giám đốc Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cho biết, hiện sự cố nghẽn mạch điện thoại và mạng Internet vẫn chưa khắc phục được, khoảng trưa 12/12, phía đơn vị cung cấp đường truyền mới tiến hành khắc phục.

 

Có mặt tại Ga Sài Gòn sáng nay, chúng tôi chứng kiến lượng người đặt được chỗ và đến ga nhận vé rất ít, nhân viên bán vé tại đây không còn phải bận rộn như những Tết trước. Nhiều người sử dụng các hình thức đặt vé không được, tìm đến ga nhờ tư vấn, nhân viên hướng dẫn nhà ga trao cho một tờ cẩm nang mua vé tàu và bảo vào mạng đặt chỗ, mọi người đều lắc đầu ngán ngẩm ra về.

 

Trong khi đó, trên đường Nguyễn Thông phía ngoài ga Sài Gòn (phường 9, quận 3), có hàng chục đối tượng “cò” vé mặc sức ra rả mời chào người đi đường mua vé tàu Tết. Thấy ai dáng bộ thất thểu từ ga ra, “cò” đều chạy đến gạ gẫm bán vé.

 

Chúng tôi chạy chầm chậm qua khúc cua trước nhà ga, có 5 phụ nữ tuổi trung niên ngoắc tay vào hỏi muốn mua vé tàu Tết về ngày nào. Nhìn qua bộ dạng chúng tôi, họ nghi ngờ là phóng viên nên tản ra và bỏ lại những câu hăm dọa.

 

Phía trước cửa, bên phải ga có một phụ nữ khác tên Linh cũng ra sức mời mua vé tàu Tết. “Cò” này cho biết đã đặt được 18 chỗ, và đang thuê người “canh” mạng Internet, điện thoại để kiếm thêm nữa, vừa cho người “canh” vừa bung ra bán lại cho ai có nhu cầu. Tôi ngỏ lời cần mua một số lượng vé tàu Tết lên đến vài chục vé, “cò” Linh bảo cứ yên tâm đóng tiền cọc trước mỗi vé một trăm ngàn, để số điện thoại lại, khi có “hàng” sẽ liên lạc tới nhận. Ngoài tiền theo giá vé, khách còn phải trả tiền công mỗi vé 200 ngàn đồng nữa.

 

Cùng đứng với “cò” Linh là 4 “cò” vé khác nữa. Phía bên kia đường các “cò” cũng rôm rả ra giá đặt vé tàu Tết.

 

Nhiều người dân quanh ga Sài Gòn cho biết, mùa “làm ăn” năm nay khác với các năm trước, một số đầu nậu “cò” vé tàu tết tại TPHCM hình thành một đường dây. Chúng thuê người “canh” mạng (chủ yếu là sinh viên), điện thoại đặt chỗ và bán ra ngoài  thu tiền công với giá cắt cổ. Dự báo dạng “cò” vé tàu Tết “công nghệ cao” năm nay còn đáng ngại hơn “cò vườn” mọi năm.

 

Theo Bá Dũng

Công An Nhân Dân