1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

“Có vấn đề” về tổ chức giao thông

Hiện nay trên địa bàn TPHCM tồn tại khoảng 40 đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Mỗi năm tại các “điểm đen” này xảy ra hàng ngàn vụ TNGT. Vì sao tình trạng này vẫn cứ tồn tại trong nhiều năm qua?

Thượng tá Thân Minh Khuya, phó Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ Công an TPHCM, cho rằng TNGT vẫn xảy ra liên tục tại các “điểm đen” là do vấn đề tổ chức giao thông còn hạn chế, mang tính chắp vá, chưa hợp lý và không đồng bộ.

Nhiều tuyến đường lắp đặt con lươn cứng và hàng rào sắt kiên cố nhưng lại hào phóng... mở hàng loạt lối đi cho người, xe máy băng qua đường. Cụ thể, trên tuyến QL 52, mặc dù đã phân chia làn đường cho xe bốn bánh và hai bánh bằng con lươn cứng nhưng người ta lại mở thêm những điểm trống, tạo điều kiện cho xe hai bánh chạy vào làn xe bốn bánh.

Ở các “điểm đen” đường nội thành như Trần Hưng Đạo, Ba Tháng Hai, Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ, Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám… tình trạng thiếu biển báo, đèn tín hiệu là khá phổ biến. Nhiều chỗ biển báo dính chùm, mỗi nơi chỉ mỗi hướng như đánh đố người đi đường.

 

Về đêm, tại các giao lộ đèn tín hiệu đồng loạt chuyển sang màu vàng nhấp nháy hoặc tắt hẳn, xe cộ cứ vậy vượt qua không ai nhường ai. Điều này lý giải tại sao trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến 5 giờ, tai nạn tại các “điểm đen” tăng vọt.

Trên đường Trường Chinh, đoạn từ Bà Quẹo - An Sương cũng có quá nhiều đường cắt ngang con lươn, đồng thời cho phép xe bốn bánh quẹo vào tuyến hai bánh, rất dễ gây ách tắc và TNGT. “Đây là điều hết sức vô lý và cũng là nguyên nhân xảy ra tai nạn” - ông Khuya nói.

Đại úy Nguyễn Văn Cường, bộ phận xử lý tai nạn Công an Q.12, cho biết: “Tuyến QL 22 nhiều đoạn mở con lươn cho quay đầu xe nhưng không có đèn báo, không có gờ giảm tốc. Tại các dải phân cách chia hai làn xe không có đèn báo, biển báo hoặc biển báo bị gãy nên các phương tiện lưu thông ban đêm rất dễ đâm vào hai đầu dải phân cách.

Đoạn từ An Sương - Tham Lương xuất hiện hai “điểm đen” mới, đó là chỗ quay đầu xe trước chùa Vĩnh Phước và trước chợ Lạc Quang, do không có biển báo nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Tại cầu vượt Tân Thới Hiệp, vào ban đêm, hai đầu cầu do không có đèn báo nên các phương tiện thường xuyên tông vào dải phân cách”.

Theo Phòng CSGT Công an TPHCM, cơ sở vật chất về mạng lưới giao thông trên địa bàn TP còn nhiều bất hợp lý và chưa được hoàn thiện. Hệ thống vạch sơn, biển báo, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng thiếu nghiêm trọng. Độ phản quang, ánh sáng của hệ thống báo hiệu giao thông không được đảm bảo.

Tại các “điểm đen”, biển báo phân bố chưa đủ, không hợp lý và không phản ánh được thực tế vì sao xảy ra tai nạn mà chỉ nêu chung chung “chú ý đoạn đường thường xảy ra tai nạn”. Biển báo, làn sơn trên các “điểm đen” mờ mờ ảo ảo, nhiều chỗ như đánh đố người tham gia giao thông. Đường sá, cầu cống bị hư hỏng chưa được cải tạo sửa chữa kịp thời.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan để tổ chức, nghiên cứu và khảo sát điều tra cơ bản đối với từng “điểm đen” chưa được ngành giao thông công chính làm tới nơi tới chốn. Từ đó không phát hiện những bất hợp lý trên từng vị trí, kịp thời đề xuất các biện pháp giải quyết.

Theo ông Thân Minh Khuya, để giảm bớt TNGT, cần phải triển khai lắp đặt thêm biển báo nguy hiểm tại các “điểm đen”, kẻ lại vạch sơn cho người đi bộ, bố trí gờ giảm tốc, đèn tín hiệu tại các giao lộ. Nhiều biển báo bất hợp lý cần được dỡ bỏ hoặc thay đổi. Nên duy trì đèn đường và đèn tín hiệu giao thông tại một số giao lộ, tuyến đường có lượng xe lưu thông cao vào ban đêm.

Đặc biệt, cần bít ngay một số đường ngang băng qua các quốc lộ và các tuyến đường “điểm đen”. “Tiếc rằng phòng CSGT đã kiến nghị nhiều lần với Sở GTCC TPHCM về những vấn đề trên nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì” - ông Khuya nói.

Theo Hoàng Khương
Báo Tuổi trẻ