"Có thời điểm chúng tôi tính tới phương án di dời dân một quận tại TPHCM"

Quang Phong

(Dân trí) - "Có thời điểm chúng tôi đã tính tới phương án di dời người dân một quận tại TPHCM, nhưng dân số một quận tại TPHCM tương đương nhiều tỉnh khác, di dời đi đâu? Rất khó khăn!"

Ngày 24/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 - đã tới thăm, chúc Tết và tặng quà đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế TPHCM. Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, mất mát, hy sinh của nhân dân TPHCM do tác động của dịch bệnh trong năm 2021.

Theo Thủ tướng, TPHCM đã làm thay đổi tư duy, biện pháp trong phòng, chống dịch; thực hiện các thí điểm có tính chất quyết định trong phòng, chống dịch. Đến nay, TPHCM đã trở thành một "thành phố xanh".

Có thời điểm chúng tôi tính tới phương án di dời dân một quận tại TPHCM - 1

Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, mất mát, hy sinh của nhân dân TPHCM do tác động của dịch bệnh trong năm 2021 (Ảnh: Nhật Bắc).

Người đứng đầu Chính phủ phân tích, khi dịch Covid-19 với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm xâm nhập sâu vào nước ta, trong lúc chưa có đủ vaccine (khi vaccine khan hiếm trên toàn cầu), chưa có thuốc điều trị, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, chúng ta không tránh khỏi những lúng túng ban đầu.

Về đặc thù, TPHCM có số dân đông nhất cả nước, cơ cấu dân số đa dạng nhất, thành phần dân cư phong phú nhất, với nhiều đặc điểm riêng về dân cư - xã hội. Do đó, trong tổng thể các biện pháp phòng, chống dịch chung cả nước, phải có các biện pháp đặc thù riêng dành cho Thành phố, đây là bài toán khó đặt ra trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch lần thứ 4.

Ở thời điểm khó khăn nhất, TPHCM đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp. "Chúng ta đã áp dụng biện pháp di dời dân ở Bắc Ninh, Bắc Giang rất hiệu quả. Có thời điểm, chúng tôi đã tính tới phương án di dời người dân một quận tại TPHCM, nhưng dân số một quận tại TPHCM tương đương nhiều tỉnh khác, di dời đi đâu? Rất khó khăn!", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng đã báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành và đi tới quyết định không tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhưng áp dụng một số biện pháp như tình trạng khẩn cấp.

Hàng loạt biện pháp quyết liệt đã được triển khai tại TPHCM. Trung ương quyết định tăng cường lực lượng quân đội, công an, y tế cho thành phố và các tỉnh phía Nam, thiết lập hàng trăm trạm y tế lưu động trong thời gian ngắn; điều trị F0, cung cấp thuốc và hướng dẫn điều trị tại nhà; ưu tiên vaccine cho TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…

TPHCM là địa phương đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine, góp phần để Việt Nam từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.

Có thời điểm chúng tôi tính tới phương án di dời dân một quận tại TPHCM - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi cán bộ ngành y tế TPHCM (Ảnh: Nhật Bắc).

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều chính sách "chưa từng có tiền lệ" hỗ trợ người dân được xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả, trên quy mô chưa từng có, trong thời hạn rất gấp rút nhưng lại kéo dài, trong điều kiện giãn cách xã hội để chống dịch và nguồn lực có hạn. Cả nước đã dành gần 71.500 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Đến nay, TPHCM đã bình tĩnh, tự tin mở cửa trở lại, thực hiện hiệu quả chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Qua khó khăn, thách thức, thành phố và ngành y tế đã trưởng thành lên rất nhiều.

Năm 2022, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn là thời cơ và thuận lợi, dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp với các biến chủng mới. Thủ tướng đề nghị TPHCM không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục sơ kết, tổng kết thực tiễn để phòng, chống dịch tốt hơn, triển khai hiệu quả chương trình tổng thể phòng, chống dịch trong năm 2022-2023, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thần tốc, thần tốc và thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine cho toàn bộ các đối tượng theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người. Đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi để mở cửa lại trường học từ sau Tết gắn với an toàn dịch bệnh… Tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm soát rủi ro, thực hiện hiệu quả chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tiếp tục được kiểm soát ổn định. Thành phố có tuần lễ thứ ba liên tiếp là "vùng xanh" với số ca mắc mới liên tục giảm thấp dưới 300/ngày, số trường hợp tử vong liên tục được kéo giảm từ 123 trường hợp/ngày vào ngày 2/10 nay đã giảm sâu xuống còn 6 ca ngày vào ngày 23/1/2022, trong đó có 2 ca từ tỉnh lân cận chuyển về.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng nhắc tới những yếu tố quyết định sự thành công của cuộc chiến với đại dịch Covid-19, gồm chiến lược "ngoại giao vaccine", các quyết định lịch sử triển khai khẩn cấp 525 trạm y tế lưu động trên phạm vi toàn thành phố,  chi viện gần 25.000 cán bộ y tế cho thành phố chống dịch, thành lập các trung tâm hồi sức Covid-19 chuyên sâu do các bệnh viện Trung ương đảm trách…