1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người con “tra tấn tinh thần” mẹ đẻ

(Dân trí) - Ngược đãi, hành hạ người thân gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính vẫn tái phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình”.

Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa trả lời thắc mắc của một người dân xung quanh chuyện bị con trai ruột ngược đãi, thường xuyên “tra tấn tinh thần”.

Người dân này phản ánh với Bộ Tư pháp: “Tôi có 2 người con, một gái và một trai. Khoảng 10 năm nay tôi và con gái út của tôi bị con trai lớn của tôi liên tục đe doạ, chửi bới. Sau khi chồng tôi mất (chồng tôi mất đã được 5 năm) thì con trai tôi ngày càng uy hiếp và tra tấn tinh thần tôi kinh khủng hơn. Có lúc con trai tôi còn nhốt tôi và con gái tôi lại và chửi bới, mở khí gas uy hiếp tính mạng chúng tôi; đồng thời đòi tôi phải đưa tiền bạc nhiều hơn. Nay tôi đã lớn tuổi và không còn khả năng lao động nhiều để đáp ứng nhu cầu và bị con trai tôi uy hiếp đe doạ. Xin tư vấn cho tôi phải làm thế nào?”.

Hành vi ngược đãi, hành hạ cha mẹ có thể bị xử lý hình sự (Ảnh minh họa).
Hành vi ngược đãi, hành hạ cha mẹ có thể bị xử lý hình sự (Ảnh minh họa).

Theo đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng đã xâm phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ được Luật Hôn nhân - gia đình và Bộ luật Hình sự quy định.

“Hành vi ngược đãi là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: xỉ vả, mắng chửi, cố tình bỏ đói, mặc rách, mặc dù có điều kiện, làm cho người bị hại đau đớn về tinh thần. Hành vi hành hạ là hành vi đối xử tàn ác như: đánh đập, giam hãm… làm cho người bị hại đau đớn về thể xác và tinh thần hoặc gây tổn hại về sức khoẻ”- đại diện Vụ này cho biết.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho rằng người con trai có hành vi ngược đãi bố mẹ này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 50 của Nghị định số 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì người con trai trên có thể bị xử phạt 1-1,5 triệu đồng nếu “đánh đập, gây thương tích”; trường hợp sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình thì sẽ bị phạt tiền từ 1,5-2 triệu đồng.

Đối với hành vi thường xuyên chửi bới, lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình thì sẽ bị xử phạt hành chính về với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; đồng thời buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

Theo tư vấn của đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, trường hợp người con trai trên ngược đãi, hành hạ mẹ ruột và em gái ruột gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Hình sự. Theo đó sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

“Để bảo vệ bản thân và con gái, bạn nên làm đơn tố cáo đến chính quyền xã, nơi bạn đang cư trú để được bảo vệ” - cơ quan này tư vấn cho người mẹ bất hạnh.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm