1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

"Có những nhà báo vì tiền, quyền mà 'đánh hội đồng' và 'cứu hội đồng'"

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, trong 15 năm trở lại đây, đạo đức người làm báo là vấn đề nhức nhối. Một bộ phận không nhỏ nhà báo "đức không trong, tâm không sáng"...

Có những nhà báo vì tiền, quyền mà đánh hội đồng và cứu hội đồng - 1

Quang cảnh buổi hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức sáng 27/4 (Ảnh: Nguyễn Trường).

Sáng 27/4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức buổi Hội thảo khoa học "Vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị và báo chí - truyền thông".

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức các nội dung cốt lõi, những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng vận dụng vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị và báo chí - truyền thông ở Việt Nam hiện nay.

Có những nhà báo vì tiền, quyền mà đánh hội đồng và cứu hội đồng - 2

PGS,TS. Lương Khắc Hiếu (nguyên Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đề cập vấn đề đấu tranh phòng chống cơ hội chính trị (Ảnh: Nguyễn Trường).

Đấu tranh phòng chống cơ hội chính trị

PGS,TS. Lương Khắc Hiếu (nguyên Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) trình bày tham luận "Đấu tranh phòng chống cơ hội chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII". 

Theo PGS,TS. Hiếu, nghị quyết ghi rõ, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên phản bác tư tưởng sai trái thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Chia sẻ về giải pháp phòng chống cơ hội chính trị trong cán bộ, giảng viên ở nước ta, PGS,TS. Lương Khắc Hiếu nêu ra 5 điều cần thực hiện, trong đó cần tăng cường giáo dục tư tưởng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; Kiên quyết và nhanh chóng sàng lọc, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ có biểu hiện cơ hội chính trị; Tránh và khắc phục tình trạng bất công trong công tác cán bộ...

"Thực tế cho thấy nếu cán bộ có năng lực nhưng vì lý do nào đó không được sử dụng, bố trí đúng, hợp lý thậm chí bị thải loại thì dễ đẩy người ta vào trạng thái tâm lý bất mãn, lâu dần thành chống đối, cơ hội. Khắc phục tình trạng bất công trong công tác cán bộ là giải pháp quan trọng hạn chế, đẩy lùi cơ hội chính trị" - ông Hiếu nhận định.

15 năm trở lại đây, đạo đức người làm báo là vấn đề nhức nhối

Có những nhà báo vì tiền, quyền mà đánh hội đồng và cứu hội đồng - 3

PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang (Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định, 15 năm trở lại đây, đạo đức người làm báo là vấn đề nhức nhối (Ảnh: Nguyễn Trường).

Trình bày tham luận "Công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và vận dụng vào lĩnh vực báo chí - truyền thông", PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang (Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định, vấn đề này là "vô cùng cần thiết".

Theo bà Giang, báo chí - truyền thông có vị trí và vai trò to lớn, cùng lúc có thể tác động đến nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội, nhiều lĩnh vực của cuộc sống nên những người làm nghề này trong mỗi tác phẩm và sản phẩm của mình phải nhận thức sâu sắc từng việc làm, cân nhắc kỹ lưỡng và xem xét cẩn trọng những hậu quả có thể xảy ra đối với xã hội.

Bà Giang nhận định, phần lớn nhà báo luôn thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; đồng thời cũng vẫn thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong và ngoài nước, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Thế nhưng, có một bộ phận không nhỏ nhà báo "đức không trong, tâm không sáng", đã quên trách nhiệm khách quan, không tôn trọng sự thật, tự bẻ cong ngòi bút... Họ vì ân nghĩa, yêu ghét cá nhân, vì tiền, quyền... mà "đánh hội đồng" và "cứu hội đồng".

Bên cạnh đó, nhiều nhà báo dùng báo chí để che giấu điều xấu, che giấu tội phạm... hòng trục lợi cá nhân. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, vấn đề đạo đức người làm báo là vấn đề nhức nhối.

"Vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đặt ra từ Đại hội XII, trong đó yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn... đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam" - PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang nói.

Quản lý báo chí đòi hỏi thế chân kiềng "Tâm - Tầm - Tài"

Có những nhà báo vì tiền, quyền mà đánh hội đồng và cứu hội đồng - 4

PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng (Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) trình bày tham luận tại hội thảo sáng nay (Ảnh: Nguyễn Trường).

Tại buổi hội thảo, PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng (Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đưa ra tham luận "Vận dụng nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý báo chí Việt Nam giai đoạn 2021-2025".

Về quan điểm và định hướng, PGS,TS. Thu Hằng nhấn mạnh, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với báo chí thông qua chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý báo chí toàn quốc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về báo chí song hành nâng cao năng lực kiến tạo và phát triển của các cơ quan báo chí.

"Yêu cầu mới trong mục tiêu, nội dung, phương thức, mô hình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí đòi hỏi chân kiềng "Tâm - Tầm - Tài". Trong đó, cần cụ thể hóa chỉ số và thang đo rõ ràng với từng yếu tố, đặc biệt là yếu tố TÂM - PHẨM CHẤT, bao gồm cả phẩm chất chính trị, phẩm chất nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức" - bà Thu Hằng nhận định.

Chia sẻ về những thách thức lớn trong công tác quản lý báo chí truyền thông ở nước ta hiện nay, PGS,TS. Thu Hằng chỉ ra 3 vấn đề:

Một là, sự thay đổi của mô hình quản lý trong lĩnh vực truyền thông, bao gồm cả quản lý nhà nước và mô hình quản lý cơ quan báo chí, thiết chế truyền thông trong tổ chức và các doanh nghiệp truyền thông dẫn đến sự thay đổi tất yếu trong nội dung và nguyên tắc quản lý báo chí.

Hai là, thách thức trong cạnh tranh sống còn giữa báo chí và các phương tiện truyền thông mới. Với đặc thù nhanh - cập nhật - đa dạng - phong phú, các phương tiện truyền thông mới đặc biệt là mạng xã hội và truyền thông xã hội đã làm cán cân của các phương tiện truyền thông thay đổi nhanh chóng.

Ba là, thách thức về phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng đồng bộ gắn liền với sự phát triển và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đang là các thách thức lớn nhất cho truyền thông…

Trên cơ sở những thách thức này, bà Hằng khẳng định, cần đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí truyền thông cả nước; chuẩn hóa chương trình và thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo quản lý báo chí; đổi mới và cập nhật nội dung các chương trình bồi dưỡng dành có cán bộ quản lý báo chí…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm