1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Có nên quy định người bào chữa có quyền thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong tố tụng hình sự

Trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), quyền và nghĩa vụ của người bào chữa được quy định tại Điều 128.

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để người bào chữa thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật và dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cũng đã bổ sung nhiều quy định để người bào chữa thực hiện tốt hơn việc bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng tình quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 128 dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) về việc người bào chữa có quyền: “Thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa theo quy định của Bộ luật này”, bởi những lý do, sau đây:

Thứ nhất, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, vì các cơ quan này có nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, nhất thiết các cơ quan tiến hành tố tụng phải có đủ căn cứ chứng minh người đó đã thực hiện hành vi phạm tội, đây là trách nhiệm của riêng các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo quy định hiện hành: “Tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án hình sự chưa công bố hoặc không công bố” thuộc danh mục bí mật nhà nước. Cho nên, quy định người bào chữa có quyền thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa là không phù hợp với các quy định của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ bí mật nhà nước.

Thứ hai, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa nêu khái niệm thế nào là người bào chữa, nhưng căn cứ quy định tại các Điều 56, 57, 58 Bộ luật này thì người bào chữa được hiểu là người được người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ, những người khác được người bị tạm giữ, bị can, bị cáo ủy quyền mời hay được cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu Đoàn Luật sư phân công văn phòng luật sư cử hoặc đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, nhằm làm sáng tỏ những tình tiết gỡ tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và giúp đỡ họ về mặt pháp lý để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Nếu quy định người bào chữa có quyền thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, thì người bào chữa trở thành người tiến hành tố tụng mà theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 67 dự thảo Bộ luật này thì: “Người tiến hành tố tụng trong vụ án không được bào chữa”.

Thứ ba, để có đủ cơ sở giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) phải tổ chức lực lượng, phương tiện, biện pháp theo quy định của pháp luật để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo theo trình tự, thủ tục do luật tố tụng hình sự quy định. Nếu quy định người bào chữa có quyền thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, thì để thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ người bào chữa phải tiến hành các biện pháp theo quy định của luật tố tụng hình sự, mà điều này chưa phù hợp với điều kiện về kinh tế, văn hóa, xã hội ở nước ta.

Thứ tư, để thực hiện tốt nhiệm vụ bào chữa, theo chúng tôi chỉ nên quy định người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.

Theo Tạ Diễn

Công an Nhân dân