Có nên chỉ phạt hành chính "con nghiện" sử dụng trái phép chất ma túy?
(Dân trí) - Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện hành chỉ bị xử phạt hành chính cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng nên không đủ sức răn đe.
Sáng nay (24/12), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) tổ chức hội nghị cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí về Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục C04 cho biết: Tội phạm ma túy là tội phạm ẩn, được coi là "tội phạm của các loại tội phạm", hoạt động ngày càng manh động, tinh vi, có trang bị vũ khí nóng, câu kết chặt chẽ với các đối tượng truy nã, đối tượng người nước ngoài lập nên các đường dây, tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia. Đặc biệt, các đối tượng phạm tội về ma túy triệt để lợi dụng tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội.
Thực tiễn công tác phòng, chống ma túy thời gian qua nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập; Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 không còn phù hợp với thực tiễn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy.
Ông Viện cho biết, sau một thời gian chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cả 2 dự án luật này đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Quy định của Luật sát với thực tiễn, giúp cho công tác cai nghiện có hiệu quả, qua đó giảm nguồn "cầu" về ma túy.
"Chúng ta quản lý tốt người nghiện sẽ cắt nguồn cầu sử dụng ma túy, thì ma túy thẩm lậu vào Việt Nam sẽ giảm. Đây là điểm mới về Luật phòng, chống ma túy năm 2021", ông Viện nói.
Theo ông Viện, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 gồm 8 chương và 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Để triển khai thi hành Luật có hiệu quả, đi vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống ma túy gồm 3 Nghị định và một Thông tư. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 3 Nghị định, Bộ Y tế ban hành một Thông tư.
Nói rõ hơn về điểm mới trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, ông Viện thông tin: Theo thống kê của Bộ Công an, tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng. Cụ thể, năm 2017 phát hiện hơn 128.000 người, năm 2018 phát hiện hơn 135.000 người, năm 2019 phát hiện hơn 143.000 người sử dụng trái phép chất ma túy. Riêng năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng dồn sức chống dịch, nhiều địa phương áp dụng giãn cách, các dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn không được hoạt động nên số lượng người sử dụng ma túy mới bị phát hiện tăng không đáng kể.
Hình thức, địa điểm sử dụng đã thay đổi nhiều so với trước đây, người sử dụng ngày càng trẻ hóa và sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Nhiều đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp "ngáo đá" gây ra các vụ thảm án đặc biệt nghiêm trọng, gây bất an, bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện hành chỉ bị xử phạt hành chính cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng nên không đủ sức răn đe, ngoài ra, không có biện pháp quản lý nào khác.
Trước thực trạng trên, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đưa vấn đề quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Thời hạn quản lý là một năm kể từ ngày có quyết định quản lý của Chủ tịch UBND cấp xã.
Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện ngay từ lần đầu phát hiện người đó có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp lập danh sách và chủ trì quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương;...