1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Có nên chặt cây "bất chấp" sau vụ cây đổ trong sân trường đè chết học sinh?

(Dân trí) - Sau sự việc cây phượng đổ làm tử vong một học sinh tại Trường THCS Bạch Đằng (TPHCM), các chuyên gia lĩnh vực cây xanh cho rằng, nhà trường cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến cây xanh.

Trước đó, như đã đưa tin, sáng 26/5, một cây phượng trong khuôn viên Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM) bất ngờ đổ làm 1 học sinh tử vong và nhiều học sinh khác bị thương.

Ngày 28/5, một cây phượng cao khoảng 10m bất ngờ bật gốc giữa sân trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nhưng may mắn không gây thương vong. 

Chiều tối cùng ngày, trong cơn mưa có gió mạnh, một cây phượng vĩ cao hơn 10 mét, thân cây có đường kính chừng 40 cm, trên đường 297 đoạn bên hông trường Đại học Văn Hoá TPHCM (phường Phước Long A, quận 9) cũng bất ngờ bật gốc đổ xuống, đè trúng một xe tải.

Sau các sự việc đổ cây liên tiếp nói trên, nhiều trường học trên cả nước tỏ ra lo lắng về độ an toàn của cây xanh trong sân trường. Có trường vì quá lo lắng đã tổ chức cắt bỏ nhiều cây xanh trong sân; đồng thời cũng bày tỏ mối nghi ngại với độ an toàn của cây phượng vĩ.

Sáng nay (29/5), trao đổi với phóng viên Dân trí, GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cho rằng, nhà trường không nên chặt bỏ cây phượng mà cần tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ vì sao cây đổ để từ đó có biện pháp phòng tránh.

Ông Khả phán đoán, cây phượng tại trường Bạch Đằng nói trên bị đổ khả năng là bộ rễ bị xâm hại do quá trình xây dựng sân trường. Ngoài ra, cũng có khả năng do cây này bị mối làm cho mục ruỗng thân cây dẫn đến gãy đổ.

Có nên chặt cây bất chấp sau vụ cây đổ trong sân trường đè chết học sinh? - 1

Cây phượng đổ ngang sân Trường THCS Bạch Đằng (Ảnh: Hoàng Thuận).

Để khắc phục, theo ông Khả, các nhà trường cần kiểm tra lại tất cả các cây xanh trong khuôn viên trường, nếu cây nào có dấu hiệu không ổn cần có biện pháp thay thế; tán cây nào bị lệch cần tiến hành cắt tỉa cho cân đối; khi trồng mới không nên trồng cây quá to vì những cây này thường bộ rễ đã bị cắt bỏ nhiều.

"Cắt tỉa cành cây thường thực hiện vào mùa Xuân, lúc đó cây dễ phát triển. Còn trước mùa mưa bão, nhà trường cần kiểm tra, rà soát tình trạng "sức khỏe" của các cây xanh và có biện pháp xử lý sớm", ông Khả đưa ra lời khuyên.

Có nên chặt cây bất chấp sau vụ cây đổ trong sân trường đè chết học sinh? - 2

Cây phượng cạnh trường đại học ở quận 9 bật gốc trong cơn mưa chiều 28/5. (Ảnh: Đăng Lê)

Còn theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp, nguyên nhân khiến cây xanh gãy đổ ngoài việc cây có bệnh thì còn một số yếu tố khác: Trong quá trình phát triển của cây con người không tạo điều kiện đầy đủ để cây phát triển hệ thống bộ rễ như: "Bê tông hóa gốc cây", hoặc xây xung quanh gốc cây thành những ô quá hẹp làm cho bộ rễ không có nhiều không gian để thở, nước mưa không thấm xuống được dẫn đến cây thường xuyên thiếu nước;...

Quá trình xây dựng làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây, làm cây không phát triển không cân bằng, khi có gió lớn dễ bị đổ;...

"Chủ cơ sở, nhà trường cần phải quan tâm hơn nữa đến cây xanh. Đây không cần phải kiến thức quá cao siêu, mà nhìn cây có dấu hiệu bất thường cần phải xử lý hoặc nhờ cơ quan chuyên môn về cây xanh đến xử lý", GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nói.

Về góc độ quản lý cây xanh, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đơn vị này không quản lý cây xanh tại các trường học, việc này do các trường quản lý. Tuy nhiên, khi các trường có đề nghị phối hợp, công ty luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Cũng liên quan đến nội dung trên, một số hiệu trưởng các trường học cho biết, trách nhiệm quản lý cây xanh trong khuôn viên trường thuộc về các trường học. Nhưng khi muốn chặt bỏ cây xanh nào đó lại phải xin ý kiến cơ quan chuyên môn của Sở Xây dựng.

Có nên chặt cây bất chấp sau vụ cây đổ trong sân trường đè chết học sinh? - 3

Cây phượng đổ trong sân trường ở Đắk Lắk ngày 28/5. (Ảnh: Thúy Diễm)

Chính việc quản lý cây xanh trong trường học không thống nhất như vậy, các chuyên gia cho rằng, Sở Xây dựng và các ban ngành chức năng nên có quy định thống nhất, chi tiết việc quản lý, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường học, bệnh viện, công sở như: kiểm tra định kỳ; cắt tỉa cây, chăm sóc cây; giao trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân...

Trường học phải có trách nhiệm chăm sóc cây, khi thấy có hiện tượng bất thường thì báo cho đơn vị chuyên môn. Đơn vị quản lý cây xanh phải giám định cây theo định kỳ, nếu giám định sai phải chịu trách nhiệm.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm