Có một vụ "cà phê Xin Chào" kéo dài hơn 10 năm ở Hà Nội?
(Dân trí) - Tranh chấp cổ phần, con dấu ở công ty cổ phần lẽ ra phải được giải quyết bằng thương lượng hoặc khởi kiện ra tòa, nhưng UBND TP Hà Nội đã sử dụng quyết định hành chính để giải quyết có lợi cho một bên, gây nên tình trạng khiếu kiện suốt hơn 10 năm qua ở Công ty cổ phần Hữu Nghị.
Sau sự việc chủ quán cà phê Xin Chào ở TPHCM bị khởi tố oan, được giải quyết thấu tình đạt lý, mới đây 17 người dân - nguyên là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Hữu Nghị (trụ sở 23 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) - tiếp tục gửi đơn cầu cứu tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong Thủ tướng lần thứ 3 có ý kiến chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc mua bán, thâu tóm cổ phần bất thường xảy ra ở công ty này đã kéo dài hơn 10 năm qua.
Khởi tố vụ án “chiếm đoạt con dấu” ở công ty cổ phần
Theo hồ sơ, Công ty cổ phần Hữu Nghị được cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước (trước đây là Khách sạn Hữu Nghị) với vốn điều lệ trên 3,3 tỷ đồng - 100% tiền đóng góp của người lao động trong công ty.
Ngày 6/5/1999, đại hội cổ đông đầu tiên thành lập, Công ty cổ phần Hữu Nghị có 79 cổ đông đã thông qua bản điều lệ của công ty với tỷ lệ đồng ý 100% và bầu ra Hội đồng quản trị (HĐQT) khóa 1 gồm 5 cổ đông lớn: bà Mai Thị Khánh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty; ông Nguyễn Hữu Tỵ- Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Giám đốc; bà Nguyễn Thị Thanh, bà Trần Thanh Xuân và ông Nguyễn Xuân Trường cùng là ủy viên HĐQT.
Khi còn là doanh nghiệp nhà nước, Khách sạn Hữu Nghị là đơn vị 3 năm liền thua lỗ, vì vậy sau khi cổ phần hóa, có nhiều người sợ mất vốn đã vội bán cổ phần để thu tiền về. Từ đại hội cổ đông đến đầu năm 2000, có 36 người với 47 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tương đương 45% vốn điều lệ công ty.
Nhưng từ khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần Hữu Nghị từ chỗ thua lỗ đã có lãi. 36 người bán cổ phần trước đây đã ký đơn khởi kiện đòi tòa án hủy bỏ các hợp đồng mua bán cổ phần đã diễn ra; thậm chí tổ chức hội đồng cổ đông mà không có sự tham gia của đầy đủ các thành phần liên quan.
Đầu năm 2002, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao quyết định hủy bỏ kết quả đại hội cổ đông trái pháp luật do bà Nguyễn Thị Bích Lan tổ chức ngày 2/2/2001, yêu cầu các bên đã mua bán cổ phần, cổ phiếu “phải có trách nhiệm hoàn tất thủ tục về các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần năm 1999-2000”.
Tuy nhiên trong khi chờ cơ quan thi hành án Hà Nội hướng dẫn thi hành bản án, ngày 24/10/2002, nhóm cổ đông do bà Nguyễn Thị Bích Lan đứng đầu tiến hành triệu tập đại hội cổ đông mà không có sự tham dự của 4 ủy viên HĐQT đương nhiệm. Đại hội cổ đông này bầu ra HĐQT mới gồm 5 người: Bà Nguyễn Thị Bích Lan, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, bà Ngô Thị Yến, ông Trần Đình Hà và bà Lã Thị Chăm.
Từ đây bắt đầu nảy ra tranh chấp quyết liệt trong Công ty cổ phần Hữu Nghị. UBND TP Hà Nội đã can thiệp bằng cách hành chính hóa rồi hình sự hóa sự việc.
Ngày 30/1/2004, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Thế Quang ký quyết định thu hồi con dấu của Công ty cổ phần Hữu Nghị để giao cho ban lãnh đạo mới của Công ty cổ phần Hữu Nghị. Quyết định này giao cho Công an Hà Nội thực hiện.
Tháng 7/2004, bà Trần Thị Thủy - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ký văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định việc tranh chấp trong HĐQT của một công ty cổ phần phải do các cổ đông của công ty giải quyết bằng thương lượng hoặc bằng tòa án chứ không phải bằng một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước. Do đó VCCI đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét lại quyết định thu hồi con dấu của Công ty cổ phần Hữu Nghị.
Hàng loạt cơ quan báo chí thời điểm đó cũng đã vào cuộc phản ánh sự việc bất thường này. Tuy nhiên sự lên tiếng của báo chí đều như “đá ném ao bèo”.
Tháng 7/2005, ông Nguyễn Thế Quang tiếp tục có văn bản thông báo thay đổi HĐQT công ty này, trong đó xác nhận 5 thành viên HĐQT mới do bà Nguyễn Thị Bích Lan làm Chủ tịch HĐQT được bầu vào ngày 24/10/2002 là đại diện hợp pháp của Công ty cổ phần Hữu Nghị.
Đỉnh điểm sự việc vào ngày 3/11/2005, Công an Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án “Chiếm đoạt con dấu” theo điều 268 Bộ luật Hình sự và ra lệnh khám xét khẩn cấp trụ sở công ty, phòng làm việc của bà Mai Thị Khánh để thu hồi con dấu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tất cả giấy tờ liên quan đến tư cách pháp nhân của Công ty cổ phần Hữu Nghị mang về trụ sở.
Vụ án bị bỏ lửng
Thời điểm đó, Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã có văn bản khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng, cho rằng: “Đây không phải một vụ án hình sự. Việc khởi tố theo điều 268 Bộ luật Hình sự là trái pháp luật vì Công ty cổ phần Hữu Nghị được cổ phần hóa bởi 100% vốn của các cá nhân đóng góp, không phải một cơ quan nhà nước hay tổ chức xã hội”.
Trong văn bản trả lời Ban chuyên đề - Đài truyền hình Việt Nam vào tháng 8/2006, Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội Lê Ngọc Giang cũng cho biết, trong quá trình kiểm soát điều tra vụ án, VKSND TP Hà Nội xét thấy không có dấu hiệu cấu thành tội chiếm đoạt con dấu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội theo Bộ luật Hình sự vì con dấu của Công ty cổ phần Hữu Nghị không phải con dấu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.
“Hơn 1 năm sau, cơ quan điều tra Công an Hà Nội không tìm được ra ai là kẻ “chiếm đoạt con dấu” và HĐQT Công ty cổ phần Hữu Nghị không có ai sai phạm gì nên không có khởi tố bị can, cũng không có kết luận điều tra. Vụ án “chiếm đoạt con dấu” cũng bị bỏ lửng từ đấy”- bà Mai Thị Khánh kể lại.
Tuy nhiên, sau đó UBND TP Hà Nội lại giao Công an TP Hà Nội trao trả con dấu và các giấy tờ liên quan đến hoạt động của công ty cho HĐQT mới do bà Nguyễn Thị Bích Lan làm Chủ tịch. Công an Hà Nội cũng chuyển giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm thủ tục cấp lại đăng ký kinh doanh cho HĐQT mới của Công ty cổ phần Hữu Nghị.
Theo bà Mai Thị Khánh, sau đó là liên tiếp những hoạt động mua đi, bán lại cổ phần tại Công ty cổ phần Hữu Nghị có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của không ít cổ đông, trong đó có cá nhân bà.
* Bài tiếp theo: Phó Thủ tướng chỉ đạo 2 lần đều rơi vào im lặng (!)
Thế Kha