TPHCM:
Có luật Cư trú, hộ khẩu vẫn "treo"!
Sau 1 tháng luật Cư trú đi vào cuộc sống, hàng chục vạn người dân “tạm cư” TPHCM vẫn chưa thể nhập hộ khẩu vì không có người bảo lãnh để trở thành “hộ khẩu ghép” hay do vướng quy hoạch mà họ đã bị "dạt" ra và tiếp tục là dân "tạm cư".
Không nhập được hộ khẩu do dự án “treo”!
Dù khá háo hức đợi chờ ngày Luật Cư trú được triển khai nhưng lượng người dân đi làm hộ khẩu mới trong những ngày đầu ở quận 2 tương đối “yên bình”. Mỗi ngày chỉ nhận trên dưới 10 hồ sơ đăng ký xin nhập hộ khẩu, trong khi đó có khoảng 150 người dân đến chỉ để tìm hiểu. Tình trạng này ở các quận 7, 11... cũng xảy ra tương tự.
Khu vực khu phố 3, phường Tân Hưng, quận 7 là khu vực dính quy hoạch treo nhiều năm nay. Năm 2002, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi hơn 15 ha đất tại đây để làm cảng sông trên rạch Ông Lớn. Một thời gian dài, dự án không triển khai, UBND ra quyết định ngưng dự án, người dân khấp khởi mừng tưởng rằng đã được xóa treo.
Thế nhưng dự án ngưng triển khai mà quyết định thu hồi đất vẫn còn “treo” lơ lửng. Rồi khi UBND TP hủy quyết định giao đất xây dựng cảng sông thì UBND quận 7 lại đề xuất chuyển thành khu quy hoạch khu dân cư và do vậy quyền lợi của người dân nơi đây nhiều năm qua vẫn cứ treo và nay đến cái hộ khẩu tưởng được hết treo vẫn bế tắc. Bởi theo quy định của Luật Cư trú thì điều kiện về nhà ở mà dính quy hoạch treo sẽ không được cấp hộ khẩu.
Thượng tá Lâm Dũng Nam, Phó trưởng Công an quận 2 cho biết, trên địa bàn quận 2 hiện có 2.044 hộ với 7.337 nhâu khẩu thuộc diện KT3 và 314 trường hợp tạm trú KT4 đủ điều kiện nhập hộ khẩu. Nhưng theo Điều 4 Nghị định số 107/CP ngày 25/6/2007 qui định nhà ở trên diện tích đất đã bị thu hồi là nhà ở không hợp pháp nên có khá nhiều trường hợp người dân theo thống kê thì đủ điều kiện cấp hộ khẩu nhưng thực tế thì không được.
Tiếp tục “sống tạm” vì chủ nhà ngại rắc rối
Nhiều người dân "tạm cư" ở trọ tại TPHCM nhiều năm qua khá phấn khởi khi Luật Cư trú mở cho họ được làm công dân chính thức thành phố nếu được chủ nhà bảo lãnh cho nhập hộ khẩu. Thế nhưng "mèo vẫn hoàn mèo" khi không ai dại "rước hoạ vào thân" bảo lãnh cho người thuê nhà nhập khẩu.
Anh Trần Thanh Mai, quê ở Thanh Hóa vào làm việc ở quận Tân Bình, TPHCM đã gần 11 năm nay tâm sự: Tôi đã có KT3 được sáu năm nay, nghe mấy bác công an khu vực tuyên truyền về Luật Cư trú cả nhà tôi rất mừng và hy vọng sẽ được nhập hộ khẩu vào TPHCM và như thế sẽ giải quyết được những vấn đề liên quan đến hộ khẩu mà lâu nay gia đình tôi gặp phải.
Nhưng niềm hy vọng ấy đã vụt tắt khi được chủ nhà cho biết sẽ không đứng ra bảo lãnh cho anh được nhập hộ khẩu vào căn phòng thuê mà gia đình anh sinh sống đã hơn hai năm nay.
Cũng như vậy là trường hợp chị Ngô Thị Hồng Liên, ở quận Gò Vấp, TPHCM: Hai vợ chồng và ba đứa con thuê một căn nhà khoảng 25m2 sinh sống đã gần 4 năm nay, hay tin luật mới cho đăng ký nhập hộ khẩu hai vợ chồng rất vui mừng. Sau khi được công an hướng dẫn thủ tục là phải được sự bảo lãnh của chủ nhà cho thuê, hai vợ chồng liền hoàn tất thủ tục. Nhưng đến khâu xin được chủ nhà bảo lãnh thì mọi hy vọng đều tắt biến, vì không nhận được sự đồng ý của chủ nhà.
Xuất hiện cho thuê nơi nhập hộ khẩu
Do vẫn còn nhiều thứ "ăn theo" cái hộ khẩu nên nhiều người mặc dù không đủ điều kiện nhập khẩu vào TPHCM nhưng vẫn "cố chạy" và cách "chạy" đơn giản nhất là tìm người có hộ khẩu bảo lãnh nên đã xảy ra tình trạng "bán" bảo lãnh nhập khẩu.
Trung tá Lê Văn Nhiễu, Đội trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Tân Bình, TPHCM cho biết: Ở Tân Bình đã xảy ra một số trường hợp buổi sáng dắt nhau đến công an làm giấy bảo lãnh để nhập hộ khẩu nhưng buổi chiều chủ nhà lại đến xin rút giấy bảo lãnh. Đối với những trường hợp này cơ quan công an buộc phải trả hồ sơ cho dân.
Qua tìm hiểu, ông chủ nhà này cho biết ông và vợ thì đồng ý nhưng các con trong gia đình không đồng ý vì lo ngại sau khi nhập hộ khẩu vào sẽ gây ra nhiều phiền hà cho gia đình nếu như không may người được nhập hộ khẩu gây ra chuyện không tốt ngoài xã hội thì công an, thậm chí “xã hội đen” tìm đến làm việc hoặc gây sự thì nguy to. Chính vì vậy ông quyết định đến rút lại giấy bảo lãnh.
Theo ghi nhận và tìm hiểu của chúng tôi, tại một số quận trên địa bàn TPHCM đã xuất hiện trường hợp một số chủ nhà đứng ra bảo lãnh cho người khác nhập hộ khẩu nhưng dưới dạng bằng tiền.
Tức là người nào muốn được bảo lãnh nhập hộ khẩu phải “chi” ra một số tiền cho chủ nhà, cũng như “dịch vụ” đứng tên đăng ký xe gắn máy trước đây. Tình trạng này nếu xảy ra nhiều sẽ gây không ít khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng, nhất là cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Theo Tấn Thuấn
VietNamnet