Giám đốc Bưu điện Thừa Thiên - Huế:
“Có kẻ đã chơi ác tôi!”
Có thông tin cho rằng trước đây Tôn Anh Dũng đã từng chạy tội cho ông Lâm Đợi, Giám đốc Bưu điện Thừa Thiên - Huế, khi ông này bị khởi tố về những hành vi sai phạm liên quan đến đường dây nâng khống giá vật tư, thiết bị cho ngành bưu điện của trùm lừa đảo Nguyễn Lâm Thái...
Để làm rõ thực hư về mối quan hệ Lâm Đợi - Nguyễn Lâm Thái - Tôn Anh Dũng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Đợi.
Ông đã nhận được thông báo về việc ông phải nộp khoản tiền 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả trong hoàn cảnh nào?
Sáng 30/4, các anh ở Bưu điện tỉnh đến thông báo với tôi về nội dung văn bản CQĐT gửi đến. Nội dung là CQĐT yêu cầu tôi nộp 700 triệu tiền chênh lệch trong vụ mua bán camera để khắc phục hậu quả. Tôi cũng đang bảo gia đình bán bớt một số tài sản để nộp.
Tôi rất tin vào pháp luật sẽ công minh, vì nói cho cùng là tôi mua, đúng là có mua đắt, nhưng tôi tin là tôi bị lừa, tôi tin là pháp luật sẽ xem xét. Trước mắt, trách nhiệm là tôi, tôi ký thì tôi phải chịu trách nhiệm.
Ông có thể kể lại quá trình ông làm việc với Lâm Thái ra sao?
Hồi đó, Thái vào gặp tôi tại cơ quan, và đưa ra một tập ảnh ông ta chụp với rất nhiều cán bộ cấp cao từ trung ương đến lãnh đạo tập đoàn VNPT. Thái còn cho tôi xem một loạt hợp đồng mà bưu điện các tỉnh đã ký với Thái. Tuy nhiên, tôi không đồng ý mua luôn mà vẫn bảo Thái phải làm việc với Phòng Kế hoạch.
Rồi khi Phòng Kế hoạch cho tiến hành thủ tục mời thầu và các công ty chào hàng cạnh tranh theo đúng trình tự. Chúng tôi đâu biết đó là các công ty quân xanh quân đỏ của Thái. Khi mua thiết bị, chúng tôi cũng dựa vào bản thẩm định giá của Bộ Tài chính. Tôi còn giữ bản thẩm định giá, mà giá camera do Bộ Tài chính đưa ra còn cao hơn giá chúng tôi mua của Thái.
Sau đó, tôi còn bút phê vào bản đề xuất của Phòng Kế hoạch, đề nghị trưởng phòng sang hỏi bên Sở Vật giá tỉnh. Bên Sở Vật giá bảo là không có giá của mặt hàng camera. Chúng tôi đã làm rất cẩn thận các thủ tục. Thú thực là trong việc mua camera, tôi cũng hơi chủ quan, vì nghĩ đó là việc mua bán bình thường, đó không phải là thiết bị viễn thông. Nếu là thiết bị viễn thông thì tôi phải xem xét rất kỹ.
Ông có chịu áp lực nào như thư tay, điện thoại từ lãnh đạo VNPT chỉ đạo không? Lâm Thái có hứa hẹn cho ông cái gì?
Không, tôi không bị áp lực nào. Không có thư tay, không có điện thoại từ lãnh đạo gọi vào. Lâm Thái không hề hứa hẹn gì với tôi cả. Tôi cam đoan là không có chuyện tôi thông đồng với Thái để ăn chia. Khi gặp tôi, Thái còn bảo là Thái quan hệ rất mật thiết với các "sếp", anh ta bảo nếu cần có thể rút điện thoại gọi "sếp" ngay trước mặt tôi. Nhưng tôi bảo là không cần, dù sao thì ông ta cũng vẫn phải làm việc với Phòng Kế hoạch như thông lệ.
Thực tình cho đến khi báo chí phanh phui vụ việc Nguyễn Lâm Thái hồi năm 2005 thì tôi mới biết mình bị lừa. Hồi năm 2005, tôi cũng đã làm báo cáo giải trình gửi lãnh đạo tập đoàn, gửi chính quyền địa phương. Các anh ở Tổng công ty vào lấy hồ sơ ra Hà Nội và tôi chưa bị kiểm điểm hay khiển trách gì.
Tôi nghĩ rằng Bưu điện Thừa Thiên - Huế là một trong số những đơn vị mua thiết bị với số tiền ít nhất, dưới 1 tỉ đồng, lại đúng thủ tục. Tôi vẫn còn giữ công văn thẩm định giá của Ban thẩm định giá, Bộ Tài chính với dấu đỏ còn đây.
Ông là đơn vị mua ít nhất, lại theo đúng trình tự. Vậy theo ông, tại sao ông lại bị khởi tố vào thời điểm này, tức là gần 1 năm sau khi vụ việc vỡ lở?
Tôi nghĩ rằng đã có kẻ "chơi ác" tôi, hắn ra đòn độc quá. Hắn dựng chuyện tôi nhờ Tôn Anh Dũng, một kẻ liên quan đến vụ Bùi Tiến Dũng chạy án. Có lẽ chính vì vậy mà tôi bị khởi tố. Tôi quá oan! Tôi mua camera vài trăm triệu, sức đâu tôi bỏ hàng tỉ ra để chạy án! Mà bản thân tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng mình bị xử lý đến mức phải truy tố trước pháp luật nên tôi phải đi chạy án làm chi. Tôi sẵn sàng đối chất với người nói rằng tôi đã nhờ Tôn Anh Dũng chạy án.
Nhưng có người nói rằng ông thường xuyên đánh tennis với Tôn Anh Dũng và thấy ông từng hai lần lên máy bay từ Huế ra Hà Nội trong thời điểm vụ Lâm Thái vỡ lở? Sau đó, để trả công, ông đã ưu ái em ruột của Tôn Anh Dũng quá nhiều?
Tôi đánh tennis với Dũng là có, vì Dũng cũng đánh ở CLB Bưu điện, tôi là thành viên ở đó. Còn chuyện lên máy bay cùng Dũng ra Hà Nội thì tôi khẳng định là không có. Em ruột của Tôn Anh Dũng, anh T.Đ.S làm tại cơ quan tôi từ trước khi tôi về Bưu điện Huế. Anh ấy lên làm tổ trưởng tổ kiểm toán từ năm 2000, trước khi tôi mua thiết bị camera. Vậy thì sao có thể nói tôi ưu ái anh S. để trả ơn cho Tôn Anh Dũng!
Mới đây, tôi đọc báo thấy một cán bộ trong ngành công an thông báo là chưa thấy dấu hiệu tôi nhờ Tôn Anh Dũng chạy án thì tôi nghĩ đã quá muộn. Tôi đã mất tất cả rồi.
Có người tố cáo rằng ông đã cất nhắc con cháu trong gia đình và con cháu nhiều cán bộ địa phương vào làm việc tại cơ quan ông, ông đã ra quyết định bất hợp lý về tiền lương? Chuyện này sự thực thế nào, thưa ông?
Chuyện tiền lương là có cả một hội đồng với đầy đủ các thành phần. Quan điểm của chúng tôi là lương phải phù hợp với hiệu quả công việc và tạo nên sự công bằng giữa công sức của người lao động và tiền lương được hưởng. Còn chuyện cán bộ, ở chỗ chúng tôi cũng có chính sách: ưu tiên cho con em trong ngành, con em các anh lãnh đạo địa phương, tất nhiên với điều kiện là phải học hành đúng ngành nghề, có năng lực.
Việc này có chính sách của tập thể đàng hoàng, công khai minh bạch. Con tôi học viễn thông thì phải làm bưu điện chứ sao! Thậm chí có con một anh phó giám đốc không đủ điều kiện là tốt nghiệp có bằng khá, chúng tôi vẫn nhận.
Còn ông lái xe của ông không có bằng cấp gì vẫn được ông đưa lên làm phó phòng hành chính?
Anh lái xe tên D. có mẹ là người tham gia cách mạng, bố là cán bộ lão thành. D. là người tốt. Văn phòng phải có người phụ trách đội xe, nên cho anh ấy làm phó phòng hành chính tôi nghĩ là không vấn đề gì. Kể cả một anh cấp trên của anh D. cũng không có bằng cấp, vẫn đưa lên từ đời ông giám đốc cũ.
Đó có phải là đề bạt tùy tiện và chủ quan?
Ở trong này tuyển cán bộ rất khó, không như ngoài Hà Nội đâu. Mà mọi việc đưa ra thì cũng qua tổ chức, chứ đâu thể tùy tiện được.
Theo Nguyễn Bình - Thanh Phong
Thanh Niên