1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Cô giáo 25 năm đứng lớp: "Tôi luôn mong muốn tiếng Chăm được bảo tồn"

Hoàng Bình

(Dân trí) - Với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, cô giáo Thông Thị Thanh Giang càng có thêm động lực bảo tồn chữ viết Chăm cho thế hệ trẻ.

Nhiều năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận đưa tiếng Chăm vào trường học với mong muốn lưu giữ giá trị văn hóa độc đáo cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh. Trong số giáo viên phụ trách dạy tiếng Chăm có cô giáo Thông Thị Thanh Giang (42 tuổi, trường Tiểu học Lâm Giang) đã có 25 năm đứng lớp.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với cô giáo Giang để nghe việc nữ giáo viên này kể việc dấn thân với nghề và bảo tồn chữ viết Chăm ra sao.

Cô giáo 25 năm đứng lớp: Tôi luôn mong muốn tiếng Chăm được bảo tồn - 1

Học sinh trường tiểu học Lâm Giang tập viết chữ Chăm (Ảnh: Phước Tuần).

Cơ duyên nào giúp cô trở thành giáo viên dạy tiếng Chăm?

- Tôi là người dân xã Hàm Trí, cũng là người đồng bào dân tộc Chăm. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Bình Thuận, tôi về công tác tại trường. Lúc đó, bố tôi cũng từng là giáo viên dạy tiếng Chăm nên tôi đề đạt nguyện vọng được đi học thêm các khóa tập huấn dạy tiếng Chăm dạy cho trẻ em trong trường.

Tôi ra trường năm 2000, đến 2002 bắt đầu dạy tiếng Chăm. Thời điểm đó, mình vừa học vừa dạy. Nghĩa là lúc đó, mình vẫn phải học từ những người thầy đi trước. Và thời điểm mình được đào tạo bài bản nhất là 2014-2015 theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho giáo viên dạy tiếng dân tộc tại Ninh Thuận. Từ lớp học đó, mình có thêm sự vững vàng để dạy tốt hơn.

Vừa dạy chương trình tiếng Việt, vừa dạy tiếng Chăm, cô gặp khó khăn gì?

-Vừa dạy tiếng Chăm vừa dạy tiếng Việt chương trình tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo không hề đơn giản, đặc biệt chương trình dạy thường xuyên đổi mới, cập nhật thường xuyên.

Cái khó khi dạy tiếng Chăm là ngôn ngữ nói thường dùng ở địa phương đã quen và khác với ngôn ngữ đưa vào sách giáo khoa. Chính vì vậy, giáo viên phải nghiên cứu, học hỏi từ những tiền bối là giáo viên đi trước, chủ yếu là học kinh nghiệm từ những người thầy của mình.

Cô giáo 25 năm đứng lớp: Tôi luôn mong muốn tiếng Chăm được bảo tồn - 2

Cô Thông Thị Thanh Giang là người đồng bào Chăm nên việc dạy tiếng Chăm mang đến cho cô giáo nhiều thuận lợi (Ảnh: Phước Tuần).

Hiện giáo trình dạy tiếng Chăm được biên soạn từ nhiều năm trước. Chính vì vậy, lứa giáo viên mới phải mày mò nghiên cứu khi vận dụng nền tảng cơ bản đối với những chương trình mới, dùng kết hợp song ngữ (tiếng Kinh và Chăm) để hỗ trợ trong việc giảng dạy.

Nếu tiếng phổ thông ngoài giáo viên có sự kết hợp giữa cô giáo và cha mẹ học sinh. Còn ở tiếng Chăm, giáo viên dạy trên lớp học sinh không có sự hỗ trợ từ cha mẹ nên khá khó khăn.

Với những khó khăn đó, cô làm cách nào để việc dạy học tiếng Chăm cho học sinh được tốt hơn?

- Tôi có tình yêu với tiếng dân tộc mình. Như bao giáo viên khác trong cộng đồng người Chăm, tôi luôn khát khao để tiếng Chăm được phát triển.

Tôi may mắn khi được Ban giám hiệu tạo cơ hội cho mình và đồng nghiệp kế thừa, nhưng cũng chỉ là cơ bản nên không thể dạy lớp cao được. Vậy nên, mình luôn mong muốn tiếng Chăm được bảo tồn vì văn hóa còn là dân tộc còn, mà chữ viết là một phần nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tôi luôn cố gắng và nỗ lực trong suốt quá trình giảng dạy. Tôi mong được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để có thể giúp giáo viên có thêm những kiến thức trong việc giảng dạy tiếng Chăm sau này.

Ngoài dạy tiếng, cô có lồng ghép thêm các văn hóa truyền thống của người Chăm tới học trò của mình?

- Không chỉ dạy chữ viết, thông qua những buổi dạy tôi thường giới thiệu những nét văn hóa của dân tộc Chăm từ trang phục đến nhạc cụ truyền thống độc đáo như bộ gõ, trống Ghinăng, trống Baranưng, Chiêng (Cheng), kèn Saranai và đàn Kanhi, nghệ thuật múa dân gian Chăm ở Bình Thuận, nghề dệt truyền thống của người Chăm. Qua những tiết học, tôi muốn giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tôi cũng tương tác với phụ huynh, giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa qua sinh hoạt đời sống thường ngày cho con em mình tại gia đình. Kết hợp với gia đình trong việc giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lồng ghép giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bài giảng thuộc chương trình giáo dục văn hóa địa phương là điều tôi hướng tới.

Cô giáo 25 năm đứng lớp: Tôi luôn mong muốn tiếng Chăm được bảo tồn - 3

Một tiết học tiếng Chăm của học sinh trường TH Lâm Giang (Ảnh: Phước Tuần).

Thôn Lâm Giang là thôn người Chăm chiếm gần 80% với gần 2.000 nhân khẩu. Nhiều năm nay, khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân được nâng cao. 

Cô Nguyễn Thị Thu Vân, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Lâm Giang cho biết trường nằm tại xã Hàm Trí, Hàm Thuận Bắc. Năm học 2023-2024, trường có 261 học sinh. Đây cũng là ngôi trường có vị trí đặc biệt khi nằm tại địa phương thuần đồng bào Chăm sinh sống.

Cô vân nói: "Tại trường có 4 giáo viên dạy tiếng Chăm, trong đó có cô Giang. Cô Giang là giáo viên kỳ cựu từ những năm trường thành lập tới bây giờ. Đến giờ này, phải nói là cô Giang đã có nhiều thành tích trong quá trình giảng dạy, góp phần vào thành tích chung của nhà trường. Là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền, được UBND tỉnh khen thưởng".