Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Gặp gỡ người phụ nữ giữ hồn Chăm

CTV

(Dân trí) - Câu chuyện hành trình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Chăm được nhà nghiên cứu Kiều Maily chia sẻ tại tọa đàm "Phụ nữ, sự nghiệp và lý tưởng - Gặp gỡ người giữ hồn Chăm".

Triển lãm áo dài Chăm - Việt vừa diễn ra ở TPHCM với sự tham gia của nhà nghiên cứu, nhà thơ, nghệ nhân Kiều Maily. Với niềm say mê với văn hóa Chăm, cô đã có hơn 10 năm nghiên cứu, truyền bá bản sắc văn hóa dân tộc mình đến gần hơn với người Chăm cũng như mọi người. 

Nghệ nhân Kiều Maily là tấm gương điển hình đang nỗ lực góp phần thực hiện dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021- 2025 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Dự án giúp khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa thông qua các hình thức khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận; tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể.

Gặp gỡ người phụ nữ giữ hồn Chăm - 1

Nhà nghiên cứu Kiều Maily (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hành trình giữ lửa hồn Chăm 

"Hành trình quảng bá áo dài Chăm nói riêng và và văn hóa Chăm nói chung là một hành trình đầy thử thách", Kiều Maily mở đầu chia sẻ về 10 năm tìm tòi, nghiên cứu và phát huy nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc mình. 

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, Kiều Maily từ một cô bé làng Chăm Pabblap (Phước Nhơn, Ninh Thuận) đã trở thành một người phụ nữ với nhiều hoài bão lớn. Cô đã không ngừng cố gắng để có thể chạm đến lý tưởng - điều soi sáng cho chặng đường đầy gian nan của cô. 

Trong ngôi làng Chăm Pabblap, đa phần mọi người chọn làm y tá hoặc làm giáo viên để hướng đến sự ổn định, riêng cô chọn rẽ sang một hướng khác. Bất chấp sự phản đối từ bố mẹ, cô một mình lên TPHCM để theo đuổi ước mơ trở thành một phát thanh viên truyền hình. 

Sau nhiều năm nỗ lực, Kiều Maily đã thi đỗ vào trường Cao Đẳng Phát thanh - Truyền hình TPHCM. Cô bắt đầu cầm bút và thực hiện những bài viết đầu tiên. Trong quá trình làm việc, những lý tưởng ấp ủ cứ tiếp tục len lỏi, và cô quyết định gác lại toàn bộ công việc để " thả hồn vào thơ".

Kiều Maily đã tự nguyện gắn bó với quê hương xứ sở nơi mình sinh sống. Người phụ nữ ấy đã mang hơi thở của sự sống Chăm đi khắp nẻo đường. Hành trình rong ruổi khắp nơi để tìm cảm hứng đã giúp cô chạm gần hơn với lý tưởng của mình - lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Cô bắt đầu nghiên cứu về trang phục và ẩm thực Chăm.

"Dựa vào số tiền tôi kiếm được khi viết báo, tôi bắt đầu hành trình tìm về cội nguồn và lan tỏa những giá trị văn hóa đến người trẻ Chăm", Kiều Maily nói.

Để thực hiện hóa lý tưởng của mình, cô thực hiện dự án đầu tiên bằng cách dùng số tiền kiếm được để may 20 bộ áo dài Chăm dành tặng cho những học sinh Chăm ở trường trung học phổ thông. 

Để người Chăm nhận ra nhau là Chăm 

Gặp gỡ người phụ nữ giữ hồn Chăm - 2

Kiều Maily trong trang phục truyền thống (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sau khi sang Campuchia nghiên cứu, Kiều Maily đã có cơ hội được tiếp xúc với những người Chăm bản địa tại nơi đây. Khoác lên mình bộ áo dài Chăm truyền thống, cô bất ngờ khi được một già làng cầm tay mừng rỡ: "Thế vẫn còn người Chăm Việt ở đây".

Chưa từng tiếp xúc, nhưng chỉ cần nhìn qua trang phục, người Chăm đã nhận ra dân tộc mình. Chính vì điều này mà Kiều Maily biết mình cần phải bảo tồn di sản văn hóa quan trọng này. 

Nhà xã hội học Nguyễn Thị Thanh Thúy - một người chị thân thiết của Kiều Maily - tự hào khi kể về người bạn của mình: "Đồng hành cùng với cô gái bé nhỏ nhưng đầy khát vọng này, tôi mới biết được ý chí và quyết tâm của Kiều Maily. Dù chỉ có thể hỗ trợ về mặt tinh thần nhưng tôi vẫn mong muốn được tiếp nối cùng với Maily trong hành trình bảo tồn các giá trị văn hóa sắp tới". 

"Tôi thường nói với người chị thân thiết của tôi rằng em mơ lớn quá, ngày nào em cũng khát khao tiến tới những lý tưởng cao đẹp, nhưng trong tay lại chẳng có gì…", Maily cười khi chia sẻ về hành trình của mình.

Kiều Maily đã mang các dự án như Chăm đẹp trên mọi nẻo đường, xây dựng chương trình trải nghiệm văn hóa Chăm tại Hội An... Những dự án này có thể hoàn thành khi cô có tình yêu, tài năng cũng như sự sáng tạo không ngừng nghỉ để thực hiện hóa các giấc mơ của mình. Những đóng góp của cô ít nhiều đã tạo nên một màu sắc mới trong bảo tồn văn hóa Chăm. 

Gặp gỡ người phụ nữ giữ hồn Chăm - 3

Kiều Maily (bên phải) chia sẻ tại tọa đàm "Phụ nữ, sự nghiệp và lý tưởng - Gặp gỡ người giữ hồn Chăm" sáng 29/10, trong khuôn khổ triển lãm áo dài Chăm - Việt (Ảnh: Phan Ngân).

Về động lực giúp Kiều Maily gắn bó với áo dài Chăm cũng như văn hóa quê hương, cô cho biết: "Hành trình đến với văn hóa dân tộc là một hành trình cần sự nỗ lực dài hơi, không thể ngày một ngày hai mà có thể thực hiện.

Chỉ có niềm say mê, yêu quý đối với những nét đẹp truyền thống, cùng với đó là lý tưởng, là khát khao được cống hiến nhằm gìn giữ văn hóa mới giúp tôi hoàn thành sứ mệnh của mình". 

Maily chia sẻ rằng, cô đang ấp ủ xây dựng một ngôi trường mới tại ngôi làng của mình. Ngôi trường này sẽ trở thành nơi để những thế hệ Chăm sau có thể học về văn hóa dân tộc mình, từ đó thêm yêu những nét đẹp truyền thống cũng như góp phần gìn giữ hồn Chăm không bị mai một.

Phan Ngân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm