1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Có đến 818 điểm sụt trượt trên đường Hồ Chí Minh

(Dân trí) - Thống kê của chủ đầu tư (Bộ GTVT), dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh có đến 818 điểm sụt trượt phát sinh. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc chủ đầu tư phải trình Thủ tướng bổ sung hạng mục “bền vững hoá” để khắc phục.

Có đến 818 điểm sụt trượt trên đường Hồ Chí Minh - 1
Một đoạn của đường Hồ Chí Minh.
 
Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, công trình đường Hồ Chí Minh từ khi khởi công (5/4/2000) đến khi hoàn thành giai đoạn 1, đoạn Thạch Quảng (Thanh Hoá) - Ngọc Hồi (Kon Tum) đã phải thay đổi thiết kế nhiều lần.
 
Công tác khảo sát địa chất, địa hình, địa chất thuỷ văn cũng như giải pháp thiết kế tuyến đường của tư vấn còn những thiếu sót, bất hợp lý dẫn tới nhiều đoạn phải thiết kế lại, thay đổi giải pháp thiết kế làm chậm tiến độ hoàn thành công trình và tăng chi phí đầu tư.
 
Ngoài nguyên nhân khách quan là những khó khăn do điều kiện tự nhiên của công trình, những bất cập về công tác thiết kế đã ảnh hưởng đến chất lượng công trình cho đến nay vẫn cần phải khắc phục. Hiện tượng khá phổ biến là tình trạng sụt trượt ta luy trên đường Hồ Chí Minh.
 
Theo thống kê của chủ đầu tư, có đến 818 điểm sụt trượt phát sinh, trong đó một số điểm sụt trượt cần nhiều thời gian và kinh phí để khắc phục như các điểm sụt trượt tại đèo Đá Đẽo, đèo Sa Mù, một số điểm sụt trượt ở nhánh Tây...
 
Phương án thiết kế tuyến, thiết kế công trình ở một số đoạn cũng là nguyên nhân dẫn tới sụt trượt ta luy. Những tồn tại trên đã dẫn tới việc chủ đầu tư phải trình Thủ tướng bổ sung hạng mục “bền vững hoá” để khắc phục.
 
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng: Căn cứ kết quả thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh, giai đoạn 1, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN) lưu ý chủ đầu tư cần tuyệt đối tránh lặp lại việc xây dựng công trình xong lại phải bổ sung hạng mục “bền vững hoá” một cách tràn lan. Đây là một tiền lệ xấu trong đầu tư xây dựng công trình.
 
Trong giai đoạn 2 thực hiện dự án (2007 - 2010), Bộ Xây dựng cũng đề nghị chủ đầu tư cần đặc biệt lưu ý công tác quản lý chất lượng công trình đối với các đoạn tuyến thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long do các đoạn này đi qua vùng đất yếu, có điều kiện địa chất phức tạp và các đoạn tuyến có nguy cơ sạt trượt lớn trên địa bàn các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc.
 
Trong giai đoạn 1 của dự án (2000 - 2007), đoạn Thạch Quảng (Thanh Hoá) - Tân Cảnh (Kon Tum) dài 1.234 km đã hoàn thành và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước tổ chức nghiệm thu từ tháng 3/2008.
 
Các đoạn còn lại thuộc giai đoạn 1 chưa hoàn thành gồm: đoạn Hoà Lạc (Hà Nội) - Thạch Quảng (Thanh Hoá) dài 106 km cơ bản đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Riêng 400 m tại nút giao Xuân Mai và đầu cầu Xuân Mai hiện đang chờ UBND TP Hà Nội giải phóng mặt bằng.
 
Đoạn Nghi Sơn - Bãi Trành (Thanh Hoá) dài 54 km. Tổng khối lượng thực hiện đạt 92%. Công tác GPMB còn vướng 1,3 km. Dự kiến hoàn thành trong năm 2009.
 
Trong giai đoạn 2 của dự án (2007 - 2010), mục tiêu chính là nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau). Hiện nay, chủ đầu tư đang triển khai 18 dự án thành phần ở bước thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư 9 dự án thành phần, tiếp tục thực hiện các hạng mục bền vững hóa để xử lý các điểm sụt trượt trên tuyến của giai đoạn 1 xuất hiện sau mùa mưa bão năm 2007.

Lan Hương