Cô dâu Lô Lô phong cách “xì - tin”
(Dân trí) - Những tưởng điều đặc biệt trong nghi thức làm lễ cưới của người Lô Lô dần dần lộ diện, nhưng điều đó đã không xảy ra. Diện bộ váy rất cầu kỳ, cô dâu 18 tuổi Panh xuất hiện trong một phong cách rất “xì - tin” hệt các cô gái thành thị.
Bản Lô Lô Chải nằm dưới chân cột cờ Lũng Cú, trên dải đất cuối cùng của Hà Giang, cực bắc Tổ quốc. Trong thung lũng nhỏ này là một quần thể bản làng các dân tộc thiểu số nằm rải rác cùng những thửa ruộng bậc thang hình nét mềm mại, quấn lấy nhau thanh bình và nguyên sơ.
Nhà kề núi, người sống dựa rừng, những con đường nhỏ ngoằn nghèo như mạch máu bám vào đất, những gương mặt hiền lấp ló sau lưng gùi củi lặng lẽ cất bước trên bàn chân trần khỏe cần mẫn như khắc họa một dấu ấn, một nét văn hóa miền sơn cước. Người Lô Lô chỉ là một phần nhỏ sống chung cùng cộng đồng các dân tộc, ở đây chiếm phần lớn vẫn là người Mông và Hán.
Một ngày cuối năm, mưa phùn gió rét thổi lạnh buốt đầu buốt óc, bản của người Lô Lô có đôi trai gái tổ chức lễ cưới sau khi đã về ở chung được một tháng. Khi đó, gia đình người con trai chỉ làm mươi mâm cỗ mời họ hàng đến ăn, gọi là ra mắt.
Cô dâu Lù Thị Panh năm nay 18 tuổi, cô đã thôi học khi lên lớp 8 để ở nhà giúp đỡ gia đình. Chú rể Sìn Gỉ Tải hơn Panh 1 tuổi và cũng không còn đi học nữa, tính cách cả hai vẫn rất trẻ con, chẳng khác gì các em nhỏ nghịch ngợm suốt ngày lăn lóc trên nương rẫy là mấy.
Bố mẹ Sìn Gỉ Tải (mặc áo đen, giữa) mất sớm, gánh nặng lo toan cho ngày cưới càng thêm lớn, vì thế chú rể cứ thoắt ẩn thoắt hiện lăng xăng để cùng “chỉ đạo” chuyện bếp núc, nước nôi
Vì thế, người chú ruột Sìn Gỉ Chai là người đại diện gia đình đứng ra làm đám cưới cho Tải
Cô dâu đầu vấn khăn 5 lớp, xúng xính bộ váy truyền thống, với nhiều loại vòng rủng rẻng ở nhà chồng từ trước chứ không ở nhà mình để chờ nhà trai đến rước
Tục lệ của người Lô Lô là có phù dâu và phù rể trong lễ cưới. Nhưng Panh thì có...
...còn Tải thì không thể vì phải loanh quanh toàn việc không tên, mà cũng không mặc bộ áo của người Lô Lô
Bậc cao niên lo tiếp khách, sắp mâm, trong khi loa phóng thanh phát nhạc vang rừng báo hiệu ngày vui của đôi trai gái
Hôm nay nhà Tải thịt 25 con gà và 1,5 tạ lợn. Các mâm cỗ dành cho phụ nữ và trẻ em được dọn ra phía sau bếp, không có ghế ngồi
Trời vẫn mưa, gió lạnh thổi từng cơn...
Những tưởng điều đặc biệt trong nghi thức làm lễ cưới của người Lô Lô dần dần lộ diện, nhưng đó chỉ là phỏng đoán, và đã không xảy ra. Những thủ tục tốn kém không xuất hiện. Bây giờ, để ghi hình tư liệu lễ cưới với đầy đủ nghi thức cổ truyền thống rất khó thực hiện nếu không sắp xếp, lên kế hoạch trước để rồi dàn dựng.
Đặc biệt nhất lại đến từ cô dâu Panh mà không thuộc về cổ tục truyền thống. Diện bộ váy rất cầu kỳ, nhiều tua vải màu sắc giống chim Công của người Lô Lô, Panh xuất hiện trong một phong cách có thể nói là rất xì - tin của tuổi trẻ thành thị. Trông cô mạnh mẽ, nghịch ngợm và vô tư đến lạ lùng. Như chính lứa tuổi của cô vậy!
Nhà Panh nghèo, nên cô cũng chẳng có của hồi môn lúc đi lấy chồng
Panh là một trong những cô gái xinh nhất bản
Panh liên tục trêu người đối diện trong khi ngồi quấn khăn 5 lớp chuẩn bị cho lễ cưới
Đôi guốc cao gót tân thời của cô bạn phù dâu cho Panh
Khi đi chào khách Panh uống rượu nhiều, nhưng không say
Đám cưới của Tải và Panh tuy không còn thấy được nhiều những phong tục xưa của người Lô Lô, nhưng có vẻ như, xu hướng sống đơn giản, trỗi dậy bản thân của lớp trẻ thành thị đã không còn bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý nữa.
Hữu Nghị