1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cơ chế nào cho tòa giải quyết án “dân kiện quan”?

(Dân trí) - “Năm 2009, 650 vụ kiện hành chính được xử nhưng tỷ lệ sai quá nửa. Tòa án địa phương còn xin Ủy ban hỗ trợ kinh phí, sao xử chính quyền?” - UB thường vụ QH bàn cách “gỡ vòng kim cô” cho tòa án khi thảo luận về dự luật tố tụng hành chính.

“Hợp tình hợp lý, người dân vẫn chịu oan trái”
 
Dự án luật gồm 13 chương, 163 điều, quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính, trình tự, thủ tục khởi kiện và giải quyết các vụ án hành chính; thi hành án hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, tổ chức, có liên quan.
 
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình nêu kỳ vọng, luật tố tụng hành chính sẽ giải quyết căn bản các quyền của người dân trong những tình huống “kiện quan”, hoàn thiện tiếp hệ thống pháp luật.
 
Cơ chế nào cho tòa giải quyết án “dân kiện quan”? - 1
 
Tuy nhiên, ngay từ vấn đề nguyên lý điều chỉnh của dự luật cũng đã gây tranh luận không ngã ngũ trong các thành viên UB thường vụ. Chủ nhiệm UB pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, để gắn thêm khối cơ quan tư pháp vào nên dự luật được “mô-đi-phê” theo các quy định của luật tố tụng dân sự và hình sự.
 
Quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan hành chính trước khi người dân có thể khởi kiện chính quyền ra tòa theo ông Thuận là một biểu hiện của cách làm luật “mô-đi-phê” đó.
 
Theo thiết kế, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại tố cáo (45, 60 hoặc 70 ngày tùy trường hợp) mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết thì bị xem xét xử lý kỷ luật, người khiếu nại có quyền khởi kiện ra tòa.
 
Quy định thời hạn như vậy theo ông Thuận là “vênh” vì không lý gì cơ quan hành chính không giải quyết việc thuộc trách nhiệm của mình mà lại “treo” quyền của người dân.
 
Ủng hộ quan điểm này, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba kiến nghị bỏ điều kiện vụ việc phải được giải quyết theo thủ tục khiếu nại tố cáo lần đầu mới được quyền khởi kiện ra tòa để tránh tình trạng cơ quan hành chính không ra quyết định hành chính, không trả lời khiếu nại thì công dân cũng mất quyền… kiện.
 
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên thì cho rằng, dự luật xây dựng đầy đủ hệ thống quy định nhưng mới chỉ dừng ở việc làm hết trách nhiệm theo pháp luật chứ chưa phải làm đến cùng mọi việc liên quan đến quyền lợi của người dân. “Như vậy, nhiều vấn đề của người dân dù hợp tình, hợp lý mà vẫn không giải quyết được, dẫn tới người nọ người kia chịu oan trái” - ông Kiên trăn trở.
 
650 vụ việc hành chính, tòa xử sai quá nửa
 
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu lại yêu cầu cơ quan soạn thảo làm rõ sự khác nhau về bản chất giữa hoạt động tố tụng hành chính với tố tụng dân sự hay hình sự. Ông Lưu đặt câu hỏi, phán quyết của tòa hành chính là phán xét về tính hợp pháp của quyết định hành chính do cơ quan nhà nước ban hành hay phán xét cả về nội dung vụ việc đưa ra tòa?
 
Chủ tịch UB pháp luật Nguyễn Văn Thuận nêu quan điểm, cơ quan hành chính giải quyết về nội dung còn cơ quan tư pháp chỉ tham gia xem xét vấn đề hình thức.Ví dụ UBND quận ra quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà dân, tòa hành chính chỉ xem xét có đủ căn cứ ra quyết định phá dỡ hay không, có thể tuyên quyết định đó là sai nhưng sai thế nào thì cơ quan hành chính phải sửa chữa, khắc phục, tòa không giải quyết thay.
 
Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Tú “bác” lập luận của ông Thuận, khẳng định tòa hành chính hiện đang đi theo nguyên lý giải quyết về nội dung. Ông Tú lý giải, muốn xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính thì phải xét nội dung vụ việc. Thực tiễn 12 năm hoạt động của tòa hành chính, tòa có quyền tuyên hủy quyết định hoặc bác yêu cầu khởi kiện thực chất cũng là đi vào nội dung vụ việc.
 
Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng chuyển lo lắng sang khía cạnh dự luật trao thêm thẩm quyền lớn cho tòa án. Khối lượng công việc đặt lên vai ngành tòa án như vậy càng thêm lớn trong khi cơ sở vật chất, cán bộ, chế độ đãi ngộ… rất không tương xứng. Năm 2009, tòa giải quyết được 650 vụ kiện hành chính nhưng tỷ lệ sai quá nửa. Tâm lý của thẩm phán khi xét xử, người bị kiện là chủ tịch kiêm phó bí thư cơ quan hành chính địa phương - đơn vị lên danh sách đề xuất bổ nhiệm thẩm phán, xử thua liệu còn được tái bổ nhiệm?
 
Ông Vượng nêu một thực tế khác, ngân sách tòa tối cao giao xuống không đủ hoạt động, các tòa án địa phương không hiếm cảnh đi xin Ủy ban hỗ trợ thêm kinh phí, sao xử chính quyền thẳng tay được. Chủ nhiệm UB pháp luật cho rằng dự luật chưa giải quyết được vấn đề gỡ “vòng kim cô lệ thuộc” cho tòa, chưa thể trao thêm thẩm quyền.
 
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng yêu cầu xem xét tính độc lập của tòa án, của thẩm phán vì quy trình hiện tại, tuy địa phương không bổ nhiệm thẩm phán nhưng danh sách thẩm phán được bổ nhiệm lại xuất phát từ ban bí thư cơ sở, ắt có sự né tránh, vì nể. Kinh nghiệm từng ngồi ở vị trí xét xử, bà Thu Ba cho rằng, mỗi vụ việc “nhạy cảm”, tòa cấp dưới thường “om” hồ sơ, báo cáo lên trên xin ý kiến rồi tìm cách giải quyết sao cho “thuận hòa”, không căng thẳng.
 
P. Thảo