Cơ chế đặc thù có thể giúp Đà Nẵng trở thành Maldives, Bali hay Singapore

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo định hướng, Đà Nẵng phải trở thành một đô thị thông minh, sinh thái hiện đại. Đại biểu Quốc hội cho rằng Maldives, Bali của Indonesia hay Singapore là những mô hình Đà Nẵng có thể theo đuổi.

Nội dung này được đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Hà Nội) nêu ra khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, ngày 7/6.

Phải có các chính sách thu hút đầu tư vượt trội

Ông phân tích trong số các đô thị lớn, các trung tâm kinh tế, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo của cả nước, Đà Nẵng có những lợi thế riêng. Đây là thành phố biển nổi tiếng, trung tâm đa dạng sinh học, kể cả trên cạn và dưới nước, trên biển, khí hậu và thiên nhiên ưu đãi, có cảng biển quốc tế và trung tâm du lịch biển quốc tế.

Cơ chế đặc thù có thể giúp Đà Nẵng trở thành Maldives, Bali hay Singapore - 1

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Ảnh: Hồng Phong).

"Theo định hướng, Đà Nẵng phải trở thành một đô thị thông minh, sinh thái hiện đại và chúng tôi thấy có thể Maldives, Bali của Indonesia hay Singapore là những các mô hình mà Đà Nẵng có thể tham khảo và theo đuổi", ông Thi nói.

Muốn đạt mục tiêu này, theo vị đại biểu, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của thành phố và Đà Nẵng cần phải là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng như là cầu kết nối với cả nước và thế giới.

Thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được ông Thi chỉ ra là chuỗi cung ứng về công nghệ, thị trường đầu ra và nguồn vốn.

"Đà Nẵng cần phải có các chính sách thu hút đầu tư vượt trội, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, xây dựng cơ chế hợp tác và gắn kết chặt chẽ để các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát huy được thế mạnh", đại biểu Thi góp ý.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nhận định với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, việc Đà Nẵng được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để chủ động vận động, bứt phá, tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng đầu tàu của khu vực miền Trung, là hết sức cần thiết.

Cơ chế đặc thù có thể giúp Đà Nẵng trở thành Maldives, Bali hay Singapore - 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Ảnh: Hồng Phong).

Lưu ý cần tập trung khai thác yếu tố đặc trưng của địa phương, đại biểu Tâm nhắc lại quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định rõ khâu tạo đột phá là đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải logistics, cảng biển của cả nước.

Bên cạnh đó, công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là 1 trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế Đà Nẵng.

Quy hoạch cũng chỉ rõ tập trung phát triển Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quốc tế có quy mô khu vực, hình thành khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông chất lượng cao, tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ tri thức có giá trị tăng cao, như công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn…

Để thực hiện mục tiêu đó, theo vị đại biểu, Đà Nẵng cần tập trung đề xuất các cơ chế đặc thù nhằm thực hiện các khâu đột phá thành phố đã đề ra, như thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, không gian đổi mới sáng tạo… để xứng danh là đô thị đáng sống.

Mở cơ hội hưởng lợi từ các nhà đầu tư lớn của quốc tế

Trong khi đó, đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) chỉ ra ngành công nghiệp chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực này nhằm đảm bảo vị thế cạnh tranh trong nền kinh tế số toàn cầu.

Cơ chế đặc thù có thể giúp Đà Nẵng trở thành Maldives, Bali hay Singapore - 3

Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (Ảnh: Hồng Phong).

Việc Đà Nẵng chủ động thu hút các nhà đầu tư vào 2 lĩnh vực này, theo ông Hùng, không chỉ giúp thành phố bắt kịp với xu hướng mà còn mở ra cơ hội hưởng lợi từ các nguồn đầu tư lớn của quốc tế.

"Nếu chờ đợi các nhà máy và hệ sinh thái sẵn có trước đây để đẩy mạnh phát triển, chúng ta sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh và thu hút đầu tư từ sớm. Chính sách thu hút đầu tư sẽ tạo tiền đề cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Điều này không chỉ giúp xây dựng hệ sinh thái công nghiệp mà còn tạo ra các cơ hội làm việc và thúc đẩy nền kinh tế của địa phương", ông Hùng nêu quan điểm.

Ông dẫn chứng một số quốc gia trên thế giới đã có nhiều chính sách mạnh mẽ để thu hút đầu tư và phát triển ở lĩnh vực này. Như Mỹ năm 2022 đã thông qua đạo luật hỗ trợ mạnh mẽ ngành công nghiệp bán dẫn với khoản đầu tư lên đến 52 tỷ USD.

Trung Quốc cũng đang đầu tư hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo với các kế hoạch phát triển dài hạn để trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ.

Hàn Quốc đã công bố chiến lược quốc gia về AI và bán dẫn với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái mạnh mẽ, thu hút các tài năng và doanh nghiệp toàn cầu.

Ông Hùng cho rằng dự thảo nghị quyết lần này đã đặt ra các bước đi cần thiết để thu hút đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, không chỉ phù hợp với các xu hướng toàn cầu mà còn đảm bảo tính pháp lý và hiệu quả triển khai tại địa phương.