Có cầu lớn vẫn không quên những chuyến đò ngang
(Dân trí) - ĐBSCL có đặc thù kênh rạch chằng chịt. Những chuyến phà, đò dọc, đò ngang là hình ảnh thân quen, một nét văn hóa của người miền Tây Nam bộ. Vì vậy dù có những cây cầu mọc lên sừng sững vẫn không thay thế được hình ảnh những chuyến đò của người dân nơi đây.
“Có cầu vẫn lụy đò”
Miền Tây hôm nay đã thay da đổi thịt với nhiều công trình như: Cầu Cần Thơ (kết nối Cần Thơ – Vĩnh Long), cầu Mỹ Thuận (kết nối Tiền Giang – Vĩnh Long), cầu Rạch Miễu (kết nối Tiền Giang – Bến Tre), cầu Cái Tư (kết nối Hậu Giang – Kiên Giang), cầu Năm Căn nối liền mạch tuyến quốc lộ… Những chiếc cầu kết nối đất nước liền một dải, thông thương hàng hóa không còn biệt lập, cách trở đò ngang như khoảng 10 năm về trước. Đặc sản miền Tây luôn níu kéo du khách. Phong cảnh nên thơ làm say đắm lòng người. Con người miền Tây chân thành, giản dị, “chung thủy” đến mức không nỡ lòng “quên” những chuyến đò dọc, đò ngang. Về miền Tây để cảm nhận hồn người lắng sâu trong hồn sông nước, để nghe nhịp thở của đất trời nơi đây.
Bao đời, sông nước đã gắn bó với người miền Tây. Ngày nay hầu như các đô thị lớn Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang… đều nằm bên bờ những dòng sông. Phía bắc của thành phố Cần Thơ tiếp giáp với dòng sông Hậu Giang mênh mông biển nước. Trước đây, muốn đi Vĩnh Long hay thành phố Hồ Chí Minh đều phải qua phà. Do vậy, hình ảnh bến đò, chuyến phà đã in sâu trong tiềm thức của người dân miền Tây Nam bộ và đi vào nghệ thuật thơ ca, nhạc họa.
Năm 2010 cầu Cần Thơ được khánh thành và đưa vào sử dụng, nó là niềm tự hào của người dân châu thổ. Nhà thơ Phan Huy từng viết: “Chuyện cổ tích nay thành chuyện thực/Sông Hậu giờ có cầu lớn bắc ngang”. Cầu lớn bắc ngang vui thế đó, nhưng mỗi sáng sớm tinh mơ vẫn có những người dân ngồi đợi phà và ngắm cầu trong niềm tự hào khôn xiết. Gặp tôi ở bến đò Bình Minh (cách cầu Cần Thơ khoảng 5 km-PV), với tâm thế tay xách nách mang đủ thứ lỉnh kỉnh như trứng vịt, rau vườn, mớ cam… chị Trần Hồng Loan tươi cười nói: “Cầu đẹp, tiện lợi cho nhiều người nhưng tui vẫn đi đò vì đó là thói quen, vả lại đi đò nhanh và tiết kiệm hơn so với đi cầu. Đi đường cầu Cần Thơ phải mất thời gian và xa hơn. Đi đò thì gần nên khu vực này nhiều người đi đò lắm.
Thực tế từ khi cầu Cần Thơ thông xe, bến phà Hậu Giang không còn hoạt động thì chuyện qua sông của bà con sống cặp 2 bên bờ sông Hậu gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó, người dân phải đi một quãng đường dẫn gần 15km mới tới cầu Cần Thơ. Chính vì thế, nhiều tuyến không phép đã xuất hiện đưa khách sang sông. Những chiếc đò này thường là các chiếc vỏ lãi, dùng làm phương tiện và không có trang bị áo phao nên rất nguy hiểm khi qua sông.
Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã cho thành lập bến đò Bình Minh - Cần Thơ. Những chiếc đò này được trang bị phao cứu sinh đầy đủ. Mỗi chuyến chở khoảng 30 đến 50 khách rất an toàn cho khách qua sông. Giá qua sông mỗi chuyến đối với người đi bộ là 3.000 đồng, người đi xe đạp 5.000 đồng, người đi xe gắn máy 7.000 đồng. Ngoài ra, học sinh, sinh viên được giảm 50%; bộ đội, công an, cán bộ, người nghèo miễn 100%.
Câu nói dân gian “qua sông phải lụy đò” đến nay vẫn đúng với người miền Tây. Nhưng chữ “lụy” đã bớt “phiền hà” hơn cả “nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”!
“Đò dọc, đò ngang trôi xuân tình”
Hôm nay, trên chiếc đò chiều cuối năm với không khí đầm ấm, ông Nguyễn Văn Thanh, ngụ ở Bình Minh (Vĩnh Long) nói trong niềm tự hào: Từ ngày có cầu bà con chúng tôi vui lắm, có những hôm cứ tối đến là mấy cha con lại ra ngắm cầu, thấy cây cầu dài rộng, ánh điện lung linh trong lòng lại trỗi dậy một tình yêu quê hương vô bờ bến. “Cầu là niềm tự hào để hãnh diện nhưng nhiều người dân vẫn thích đi đò. Đi đò mình có thể được ngắm cảnh sông nước hữu tình. Ngắm được xuồng ghe tấp nập buôn bán. Còn đi cầu, có ngắm nhìn được gì đâu, chỉ lo điều khiển xe cho an toàn”- Ông Thanh nói.
Chị Hiền, một người dân ở phường Cái Khế, Ninh Kiều Cần Thơ cho biết: Từ ngày khánh thành cầu Cần Thơ đến này số lần chị qua cầu chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Tôi chỉ qua cầu khi đi bằng ô tô, còn đi xe máy thì tôi đi phà vì khoảng cách bên này và bên kia không xa, đi phà chỉ tốn khoảng 10 phút, còn đi cầu phải mất 30 phút”- Chị Hiền nói.
Mỗi ngày đều sang Cần Thơ để học tập, em Nguyễn Kiều Linh (sinh viên ĐH Cần Thơ) cho biết, chiếc đò từ lâu trở nên thân thương và gắn bó với em. Lúc sinh ra mới được mấy tháng tuổi, mẹ đã dẫn em về ngoại bằng đò cho đến nay. Đi đò tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn so với đi cầu. Mỗi ngày em đi 2 lượt đò cộng cả tiền xăng xe chỉ mất 10.000 đồng. Nếu đi cầu thì phải tốn gần 30.000 đồng tiền xăng vì quãng đường xa hơn rất nhiều. Có những lúc ngồi trên phà em còn học thuộc cả bài hội thoại anh văn, những lúc rảnh rỗi thì ngồi trên phà để ngắm cây cầu hùng vĩ của xứ mình” – em Linh kể..
Cầu Cần Thơ được xây dựng nối đôi bờ sông Hậu là giúp xe cộ lưu thông dễ dàng, chiếc cầu cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong vùng ĐBSCL. Cầu là ước mơ cháy bỏng của người dân ĐBSCL từ bao đời nay để nối đôi bờ sông Hậu.
Sông nước chằng chịt, người dân gần cầu Cần Thơ thì chọn đi đường bộ, nhưng người dân cách cầu 5-7km vẫn cần những chuyến phà. Trên những chuyến phà sẽ thấy được miền Tây sông nước hữu tình rợp bóng cây ven sông, những căn nhà mái tôn đơn sơ, nằm chông chênh ven mép nước. Nắng cứ chan hòa và gió cứ ào ạt thổi, thuyền lướt qua những đám lục bình xanh ngắt, những chiếc ghe chở đầy trái ngọt, băng băng trên dòng sông đã thấm vào trong trong thớ thịt của họ nên nhiều người vẫn đi phà là lẽ tất nhiên! Lòng tôi bất chợt gửi theo câu hát của ai đó “đò dọc, đò ngang trôi xuân tình”!
Phạm Tâm