1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Có bao nhiêu cung đường “tử thần”?

(Dân trí) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chưa bao giờ có con số thống kê cụ thể về các cung đường “tử thần”. Những thông tin về các cung đường này chủ yếu chỉ được truyền tai nhau qua kinh nghiệm của các lái xe.

Trong Báo cáo giám sát mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã đưa ra một số dẫn chứng cụ thể và thật kinh hoàng khi Việt Nam lại có quá nhiều các con đường “chết” như vậy!

Gần 700 văn bản vẫn không cưỡng được “lưỡi hái tử thần”

Sau khi Luật giao thông đường bộ, Luật đường sắt, Luật giao thông đường thuỷ nội địa, Luật hàng không dân dụng Việt Nam có hiệu lực thi hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Các bộ, ngành Trung ương, địa phương... đã ban hành gần 700 văn bản quy định cụ thể về an toàn giao thông.

Dù vậy, số vụ tai nạn giao thông và số người chết vì tai nạn giao thông vẫn luôn là những con số khủng khiếp và liên tục gia tăng.

Theo báo cáo của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, trong hai năm 2006 và 2007, bình quân mỗi ngày xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông làm chết 35 người, bị thương 30 người!

Báo cáo Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra hành lang an toàn giao thông đường bộ đang bị vi phạm nghiêm trọng là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. Trung bình, mỗi tỉnh có hàng ngàn điểm vi phạm.

Nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nhiều biển báo hiệu giao thông, giải phân cách bị hỏng, bị lấy cắp nhưng công tác duy tu bảo dưỡng, lắp đặt bổ sung, thay thế chưa kịp thời.

Giao thông bằng tầu hỏa tưởng như khá an toàn nhưng theo báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam, toàn mạng lưới đường sắt quốc gia hiện có hàng trăm cầu, hầm nguy hiểm, nhiều đoạn hệ thống ray xuống cấp... đang là nguy cơ uy hiếp an toàn giao thông đường sắt!

Và những kẻ thừa lệnh “tử thần”...

Song hành cũng những cạm bẫy “chết”, càng ngày càng có nhiều lái xe trở thành những kẻ thừa lệnh thần chết! Tình trạng lái xe chống lại lực lượng Cảnh sát đang thi hành công vụ cũng gia tăng.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong hai năm 2006 và 2007, trên lĩnh vực giao thông đường bộ đã xảy ra 93 vụ chống lại lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, làm 6 đồng chí hy sinh, 61 đồng chí bị thương.

Các nguyên nhân để lái xe trở thành kẻ thừa lệnh tử thần được Ủy ban Thường vụ của Quốc hội chỉ ra là do tình trạng chạy theo lợi nhuận, doanh thu, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến việc các phương tiện chở quá số người quy định, quá khổ, quá tải, chạy nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách...

Tình trạng chủ sở hữu phương tiện áp dụng hình thức khoán thu đối với lái xe theo chuyến, ngày, tháng... ỷ lại vào việc đã đóng bảo hiểm và hầu như không phải chịu trách nhiệm liên đới khi gây tai nạn nên không ít lái xe thậm chí bất chấp cả việc có thể gây tai nạn!

Vào thời điểm trước và sau Tết nguyên đán, mùa lễ hội, du lịch trên sông, biển, hồ, đầm... được xét là những thời điểm hoành hành mạnh nhất của tử thần xa lộ.

Theo báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, trong những năm qua, lượng ô tô tăng trên 10%/năm, môtô, xe máy tăng từ 15 - 20%/năm; so với năm 2001, số ô tô cả nước hiện nay tăng 188% và số mô tô tăng 247%.

Lê Châu