1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện về những người mưu sinh bên kia biên giới

(Dân trí) - Người ta thường gọi Hải Vân và Hải Long (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) là “làng đi Thái”, vì số người xuất ngoại sang Thái Lan làm ăn ở đây rất đông. Những ngôi nhà khang trang mọc lên, nhưng đằng sau đó là biết bao nỗi niềm…

Đua nhau xuất ngoại

Tết cổ truyền của dân tộc đang đến rất gần, thế nhưng tìm về xã Hải Vân, huyện Như Thanh vào những ngày này, làng bản vẫn đìu hiu với những ngôi nhà cao tầng khang trang, to đẹp đóng kín cổng. Ra đường chủ yếu gặp cụ già và trẻ nhỏ. Người trong độ tuổi lao động hầu hết đều sang Thái làm ăn chưa về.

Chuyện về những người mưu sinh bên kia biên giới   - 1
 Ông Nguyễn Văn Hùng - Công an viên và ông Lâm Ngọc Sâm (Bí thư chị bộ) xã Hải Vân - trò chuyện với PV.

Tìm về thôn Kim Sơn, nơi có người đầu tiên trong xã đi Thái, cũng là thôn có nhiều người đi Thái nhất xã Hải Vân, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, những ngôi nhà tầng mọc lên san sát, cho thấy sự ấm no của vùng đất này. Chúng tôi đã tìm gặp một số người mới hồi hương và được biết về cuộc “mưu sinh” ở bên kia biên giới của họ.

Trước đây, gia đình nhà anh Nguyễn Văn Hùng rất nghèo, thấy nhiều người sang Thái làm ăn có cuộc sống khá giả, sung túc, anh cũng tìm hiểu và quyết định cho vợ sang đi làm thuê với một số người đã có kinh nghiệm. Từ ngày vợ đi Thái, cuộc sống gia đình anh không còn đói khổ nữa, có của ăn của để, con cái được học hành đàng hoàng.

Hiện gia đình anh có 3 người thường xuyên sang Thái làm ăn. Anh Hùng bộc bạch: “Tuy cuộc sống có đôi chút vất vả nhưng đồng tiền bên đó kiếm dễ hơn so với lao động ở quê. Có điều lao động bên xứ người không ổn định, thất thường, mấy năm trước còn dễ kiếm việc, một hai năm trở lại đây cũng thất thường lắm”.

Trước đây, Hải Vân là một xã nghèo, đặc biệt là thôn Kim Sơn, thôn Đồi Dẻ... tỷ lệ hộ nghèo khá cao, cuộc sống khốn khó, công ăn việc làm không ổn định, đất canh tác ít. Vì thế những năm 1994, 1995 bắt đầu diễn ra trào lưu đi Thái làm ăn. Lúc đầu là những người Việt kiều Thái, sau đó thấy làm ăn bên xứ người có phần khấm khá hơn, người nọ lôi kéo người kia, dần dần cả làng “lũ lượt” kéo nhau qua bên kia biên giới làm ăn.

Chuyện về những người mưu sinh bên kia biên giới   - 2
Chị Nguyễn Thị Nam- người đã từng có thời gian dài qua Thái làm ăn.

Ông Lâm Ngọc Sâm, Bí thư chi bộ thôn Kim Sơn cho biết: “Hiện cả thôn có 198 hộ dân với trên 780 nhân khẩu, đại đa số dân cư làm nông nghiệp là chính, thế nhưng đất canh tác của thôn quá hạn hẹp, chỉ có 22ha, vì thế cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. Tuy nhiên kể từ khi có phong trào đi Thái đến nay, thôn đã đổi thay rất nhiều, tỷ lệ hộ giàu, hộ khá tăng lên, hộ nghèo giảm mạnh”.

“Trong thôn hiện có khoảng gần 150 người thường xuyên qua lại bên Thái làm ăn, họ đi làm bên đấy không thông qua một tổ chức nào cả, mà thường có người môi giới hoặc có anh em người nhà đi làm bên đó về lôi kéo đi. Thường thì họ đi đầu năm đến cuối năm về ăn Tết xong lại đi”, ông Sâm cho biết thêm.

Cũng như xã Hải Vân, đã gần 15 năm qua, phong trào đi Thái kiếm ăn đã giúp nhiều thôn xóm tại xã Hải Long thay da đổi thịt từng ngày. Hiện nay tại xã Hải Long có trên đưới 300 người thường xuyên đi Thái làm ăn, và hầu hết những người dân nơi đây đi làm đều không thông qua các tổ chức nào, đa phần đi “làm chui” thông qua hình thưc xuất ngoại đi du lịch. Những người thường xuyên qua bên Thái mưu sinh chủ yếu là phụ nữ, thanh niên và trẻ em. Họ thường làm những công việc như dọn nhà, nấu ăn, may mặc, thậm chí có những người còn làm những công việc như nuôi lợn, trồng rau, rửa xe…
 
Thấy việc làm ăn thuận lợi nên ở 2 xã này, người người kéo nhau sang Thái kiếm công ăn việc làm, nhiều gia đình có tới 3, 4 người đi Thái, cụ thể như gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, Trần Đình Vinh, Lê Thị Kim tại thôn Kim Sơn (xã Hải Vân), gia đình chị Hồ Thị Năm (xã Hải Long)…

Những nỗi buồn sau cuộc mưu sinh nơi đất người

Những người bước chân ra đi để mưu sinh nơi đất khách đều xuất thân từ nông dân, chân lấm tay bùn, cái nghèo cứ mãi đeo bám nhiều gia đình. Cho đến hiện tại, hầu hết đã thoát được nghèo, có nhiều gia đình sắm được xe máy, làm được nhà cao cửa rộng nhờ sang Thái làm thuê. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng gặp may nơi đất khách và không phải ai cũng trở về vẹn nguyên bên mái ấm gia đình.

Chị Nguyễn Thị Nam, thôn Kim Sơn, xã Hải Vân chia sẻ: "Lúc đầu nghe người ta nói, vì tò mò nên tôi cũng đi sang đó và mới về, qua một thời gian thấy công việc thì bấp bênh, vất vả, lương thì bèo bọt, sau lần này về thì đói no tôi cũng không quay trở lại nữa".

Qua Thái nếu may mắn thì gặp được công việc tốt, họ trả lương cao, còn không thì đành chấp nhận làm những công việc nặng nhọc. Đa số phụ nữ dễ kiếm việc hơn đàn ông, họ chủ yếu làm việc nhà, bán hàng, may quần áo... tiền công trung bình từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Còn đàn ông thì thường công việc bấp bênh hơn. Một số kiếm được công việc tốt như chăm sóc cây cảnh, mộc… Nhưng số người may mắn không nhiều.

“Đa số người ta thuê việc gì thì làm việc đó, ngày có việc, ngày thì không, những ngày không có việc thì coi như nhịn đói”, anh Đinh Văn Sử, xã Hải Long - người mới đi Thái về tâm sự.

Song một thực trạng đáng buồn đó là nhiều gia đình “tan đàn xẻ nghé”, con cái hư hỏng, vợ chồng mâu thuẫn cũng chỉ vì vợ hoặc chồng đi Thái làm thuê thời gian dài, thiếu thốn về mặt tình cảm...

Ông Lục Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Hải Long cho biết: “Chính quyền không khuyến khích việc người dân đi Thái, việc người dân đi tự do và tự phát thế này đều thông qua môi giới. Dưới hình thức làm hộ chiếu đi du lịch rồi ở lại làm ăn, điều này gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý nhân khẩu, quản lý nguồn lao động của xã”.

Chuyện về những người mưu sinh bên kia biên giới   - 3
Con đường dẫn vào xã Hải Long vắng vẻ những ngày áp tết.

“Đó là chưa kể đến việc nhiều gia đình ly hôn, con cái hư hỏng… ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa làng xã. Ngoài ra an toàn về tính mạng cũng như tài sản của những người đi làm thuê “chui” không hề có một cơ quan chức năng nào đứng ra đảm bảo. Nhiều gia đình xảy ra chuyện sau khi có người đi Thái về, như năm 2007, anh Lê Hồng A. (thôn Kim Sơn, Hải Vân) có vợ đi Thái lâu, nên ở nhà không có công ăn việc làm ở nhà sinh hư, đã trở thành một công dân không tốt, rượu chè, làm ảnh hưởng đến văn hóa thôn, xóm. Trường hợp gia đình anh Nguyễn Ngọc C., vợ là Nguyễn Thị A., gia đình Nguyễn Văn T., vợ là Vũ Thị Y… Những gia đình này có vợ đi qua Thái làm ăn khi trở về hạnh phúc gia đình đã tan vỡ vì những nghi kỵ, ghen tuông… Một trường hợp cũng thôn Kim Sơn chết do tai nạn bên Thái vào năm 2004…", ông Quách Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Hải Vân cho biết.

Thực trạng đáng buồn vẫn diễn ra trong rất nhiều gia đình có người đi Thái, song xem ra điều đó không làm giảm số người sang nước này làm ăn. Nhiều người vẫn cho rằng đó là cách duy nhất để mưu sinh kiếm sống. Năm này qua năm khác, số người dân đi Thái của hai xã Hải Vân và Hải Long vẫn tăng lên. Họ vẫn sẵn sàng chấp nhận rủi ro, trả giả để đổi lấy miếng cơm manh áo nơi xứ người…

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên