Chuyện về người hướng dẫn du lịch “tí hon”
Chỉ cao 1,2m nhưng lúc nào Trần Văn Phú cũng vui vẻ và lạc quan. Anh đã hướng dẫn khách khám phá nhiều điểm du lịch của Việt Nam như phố cổ Hà Nội, phố Hiến - Hưng Yên, Yên Tử, Tam Đảo, Sa Pa…
Đã vào tuổi ngũ tuần nhưng tâm hồn anh dường như vẫn rất trẻ và tràn đầy mơ ước. Phú ước được lấy vợ, được làm thày giáo dạy tiếng Anh cho các em học sinh khuyết tật và được đi đó đây quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bè bạn khắp năm châu.
Bố mẹ Phú đều là bộ đội, nhiễm chất độc da cam/dioxin. Từ nhỏ, Phú đã phát triển không bình thường. 11 tuổi, anh mới đi học nhưng luôn bị các bạn bắt nạt và trêu trọc. Cố bỏ ngoài tai những lời chọc ghẹo của đám bạn, anh học xong lớp 10.
Những tác phẩm văn học nổi tiếng như Thép đã tôi thế đấy, Những người khốn khổ, Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Bất khuất... đã tiếp thêm cho anh nhiều nghị lực trong cuộc đời đầy rẫy khó khăn của một người khuyết tật.
Khi đất nước vào thời mở cửa, nhiều người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội làm ăn. Điều này đã khiến anh nghĩ ngay đến việc phải học tiếng Anh. Gần nhà có trung tâm dạy tiếng Anh, vậy là cứ tối đến, Phú lại mang giấy bút, đứng trước cửa lớp ghi chép lời dạy của cô giáo.
Một lần, đang ngồi bán hàng nước, Phú thấy một người nước ngoài đang loay hoay vì lạc đường. Ngay lập tức, Phú từ quán nước chạy ra dùng vốn tiếng Anh ít ỏi của mình chỉ đường cho người nước ngoài ấy tìm về khách sạn nằm trên phố Cao Bá Quát.
May mắn đến với anh, người nước ngoài ấy chính là giáo viên dạy tiếng Anh của một trung tâm ngoại ngữ, vừa mới sang Việt Nam. Thấy Phú là người khuyết tật mà nói tiếng Anh khá tốt, ông rất phục và tình nguyện dạy miễn phí cho anh. Mỗi tuần 3 buổi, cứ chiều chiều, người thày ngoại quốc lại tìm đến quán nước của anh dạy ngữ pháp, luyện nghe, nói và hướng dẫn anh làm bài tập tiếng Anh.
Vốn tiếng Anh của Phú ngày một khá, phát âm chuẩn hơn. Phú tự tin hơn khi giao tiếp với người nước ngoài. Nhiều khách du lịch khi tản bộ trên phố Hàng Cót, không khỏi giật mình, tò mò và thích thú khi được chào đón bằng một câu tiếng Anh điệu nghệ: “Would you like to go in my shop?” (Mời bạn hãy vào quán của tôi) và trò chuyện với ông chủ quán “tí hon”, vui tính.
Họ làm quen, thích thú, rồi mong muốn được cùng Phú rong ruổi trên những nẻo đường đất Việt. Nghề làm hướng dẫn viên du lịch cho người nước ngoài đã đến với anh một cách tự nhiên. Anh đã hướng dẫn khách khám phá nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như: phố cổ Hà Nội, phố Hiến - Hưng Yên, Yên Tử, Tam Đảo, Sa Pa…
Sau mỗi chuyến đi, anh lại có thêm nhiều người bạn mới. Họ thường xuyên gửi email tâm sự, gửi tặng anh sách vở, tài liệu hay những món quà lưu niệm xinh xắn.
Mỗi lần đi, anh đều phải chuẩn bị nhiều thông tin. Như lên Sa Pa, anh phải mất cả tuần để tìm kiếm thông tin về huyền thoại chợ tình, lễ hội rồng xanh của người Mông, bài thuốc tắm kỳ bí của người Dao, thậm chí là cả những thông tin về dự án quy hoạch Sa Pa trong tương lai…
Chuyến đi Homestay ở bản Cát Cát về, nhóm du khách cứ luôn miệng xuýt xoa “Number one”. Họ ấn tượng nhất là phong thái tự tin, sự hiểu biết, lối nói chuyện dí dỏm và việc sử dụng tiếng Anh lưu loát của chàng hướng dẫn viên đặc biệt Trần Văn Phú hơn cả những cảnh quan, con người của khu du lịch nổi tiếng.
Phú luôn tâm niệm làm sao để khách nước ngoài hiểu hơn nữa về đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu bản sắc với những con người thân thiện, thông minh và giàu nghị lực.
Theo Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Sài Gòn Giải Phóng