1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện về người anh hùng được Bác Hồ tặng huy hiệu

(Dân trí) - Với thành tích đánh giặc giỏi, trinh sát đặc công Nguyễn Đức Chuyển vinh dự được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Tấm huy hiệu ấy luôn được ông đeo bên người những lúc hành quân để thấy như có Bác ở bên mình, giúp ông thêm nghị lực.

Ngôi nhà của Đại tá Nguyễn Đức Chuyển (sinh năm 1951), nguyên Phó phòng Quân báo Quân khu 5, nằm trong kiệt nhỏ trên đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Dáng người nhỏ nhắn, đầu óc vẫn minh mẫn, Đại tá Chuyển kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày tham gia chiến đấu và điều đặc biệt khiến người anh hùng quê ở Quảng Ngãi vui nhất đó là được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người.

Nhập ngũ vào Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) khi mới 15 tuổi, trinh sát Nguyễn Đức Chuyển đã ghi dấu ấn bởi sự quả cảm, gan lì, thông minh qua nhiều trận đánh.

Chuyện về người anh hùng được Bác Hồ tặng huy hiệu - 1

Đại tá Nguyễn Đức Chuyển kể lại những ngày tháng tham gia chiến đấu

Nhiệm vụ của ông cùng các đồng đội là tiền trạm để Trung đoàn 1 tác chiến, có thời cơ thì trực tiếp đánh vào các sở chỉ huy của địch.

Trong trận Xuyên Trà (Duy Xuyên, Quảng Nam) năm 1967, khi được giao nhiệm vụ bảo vệ lực lượng của Sư đoàn vận chuyển lương thực từ vùng giáp ranh lên núi, bị vây ráp, ông đã cùng du kích xã đánh lui các đợt tấn công dồn dập của địch, không cho chúng vào nơi trú ẩn của bộ đội đi lấy gạo.

Đặc biệt sau Mậu Thân 1968, địch khủng bố tàn khốc, đẩy quân giải phóng lên rừng sâu, núi cao. Ông cùng các đồng đội đã thể hiện được bản lĩnh của người chiến sĩ trước sự càn quét của địch.

Đơn vị ngày ấy đã làm bài dân ca khen ngợi các tấm gương dũng cảm, trong đó có trinh sát Chuyển: “Nhớ Chuyển dũng mãnh kiên trung. Đánh Mỹ diệt ngụy, biết dùng mưu cao. Chia tay luyến nhớ Lưu Đào. Gùi hàng cũng giỏi địch vào đánh hay. Nhớ Uyển tài bắn máy bay. Trọng liên đã nổ từng bầy quạ rơi. Chiến công của Hảo sáng ngời. Trung liên anh bồi mỗi phát một tên…”.

Chuyện về người anh hùng được Bác Hồ tặng huy hiệu - 2

Đại tá Nguyễn Đức Chuyển khi còn trẻ với chiếc ống nhòm trên tay

Ngày 19/5/1969, khi đang là Đại đội phó trinh sát đặc công, ông cùng 4 chiến sĩ khác có vinh dự đặc biệt, đó là về Ban Chỉ huy Sư đoàn nhận huy hiệu Bác Hồ.

Đây là lần đầu tiên có 5 người lính Sư đoàn 2 vinh dự được Bác chuyển huy hiệu vào tặng và ủy nhiệm cho Trung ương Cục miền Nam, Quân khu 5 trao tặng cho các chiến sĩ.

Không thể diễn tả được niềm xúc động, sung sướng của ông khi được nhận huy hiệu của Người.

“Cảm giác lúc đó sướng lắm. Bác luôn gài chiếc huy hiệu trên ngực những lúc hành quân để thấy như Bác Hồ đang ở trong mình, giúp cho bác càng có thêm động lực, sẵn sàng hy sinh vì đất nước”, Đại tá Nguyễn Đức Chuyển bồi hồi nhớ lại.

Năm 1971 khi cùng Sư đoàn tham gia chiến dịch Nam Lào, ông vẫn đeo chiếc huy hiệu bên mình. Trong chiến dịch này, đơn vị của ông đã bắt sống hàng trăm tên tù binh.

Chuyện về người anh hùng được Bác Hồ tặng huy hiệu - 3

Đại tá Nguyễn Đức Chuyển được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Một hôm có đoàn của Tổng cục Chính trị vào làm việc, nghe đơn vị giới thiệu nên đã động viên đại đội trưởng Chuyển trao tặng bảo tàng khẩu súng k54, chiếc ống nhòm (những vật mà ông Chuyển dùng để chiến đấu) và tấm huy hiệu của Bác.

Sau chiến dịch Nam Lào, cấp trên cho ông ra Hà Nội học. Tháng 4/1974, ông tiếp tục về Nam chiến đấu và được bổ sung về phòng Quân báo Quân khu 5 làm trợ lý chuẩn bị chiến trường.

Năm 1979, ông Chuyển đã vỡ òa khi thấy tất cả những đồ vật của mình gồm súng K54, ống nhòm, huy hiệu Bác Hồ tặng được trưng bày trang trọng ở Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam kèm chú thích về tên tuổi của mình. Niềm hạnh phúc ấy cứ theo mãi suốt đời binh nghiệp.

Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1996, ông Chuyển được Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bây giờ mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng những chuyến đi tìm hài cốt đồng đội bên nước bạn Lào vẫn tiếp tục vẫy gọi và người anh hùng vẫn chưa dừng bước dù tuổi đã xấp xỉ 70 tuổi.

Khánh Hồng