1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gia Lai:

Chuyện về người ăn cơm nhà vác tù và canh giữ "kho báu" vùng biên

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Thấy cánh rừng hương sắp bị san ủi, ông Rơ Mah Le - nguyên Chủ tịch xã Ia Kriêng - đã quyết liệt ngăn cản. Nhiều năm nay, ông đã cùng dân làng bảo vệ và giúp cho rừng giáng hương không bị mất cây nào.

Vào buổi trưa của những ngày tháng tư, chúng tôi len lỏi qua cánh rừng cao su ở xã Ia Kriêng (Đức Cơ, Gia Lai) để vào thăm cánh rừng giáng hương quý được bà con làng Grôn bảo vệ. Nhìn từ trên cao, cánh rừng giáng hương còn nguyên sinh, được bao bọc bởi những vườn cây cao su xanh ngát.

Vừa đặt chân đến cửa rừng giáng hương, ông Rơ Mah Le - nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng - một trong những người được giao nhiệm vụ gác rừng hương đã ra đón chúng tôi và hướng dẫn về lịch sử của cánh rừng giáng hương đặc biệt này.

Chuyện về người ăn cơm nhà vác tù và canh giữ kho báu vùng biên - 1

Làng Grôn có cánh rừng giáng hương lên đến gần 1.000 cây lớn nhỏ.

Chuyện về người ăn cơm nhà vác tù và canh giữ kho báu vùng biên - 2

Ông Rơ Mah Le đã dành hàng chục năm để cùng dân làng gác rừng giáng hương quý.

Ông Le nhớ lại, vào những năm 1990 ông đang giữ chức Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng. Trong một lần đi kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, ông phát hiện một rừng giáng hương mọc san sát nhau. Vài tháng sau, có đơn vị thi công tiến hành san ủi diện rộng để trồng cao su.

Thấy rừng giáng hương quý sắp bị san ủi, ông đã cùng với chính quyền xã ra ngăn cản và lập phương án để báo cáo lên huyện xin giữ rừng giáng hương đặc hữu này. Trước sự quyết tâm của cán bộ địa phương, nhận thấy giá trị của rừng giáng hương, huyện đã đồng ý giữ lại và giao cho xã quản lý, bảo vệ.

"Tôi mong muốn, con cháu nhiều đời sau của xã Kriêng đều nhìn biết cây giáng hương như thế nào. Khi huyện cho giữ lại, tôi đã vận động dân làng cùng phát dọn xung quanh, cắm bảng thông báo rừng giáng hương thuộc sự quản lý xã. Đồng thời, phân công lực lượng thay nhau tuần tra, bảo vệ. Dân làng cũng xem rừng giáng hương như vốn quý linh thiêng nên hàng chục năm nay không ai dám vào chặt một cây nào", ông Le cho biết.

Chuyện về người ăn cơm nhà vác tù và canh giữ kho báu vùng biên - 3

Trải qua nhiều năm, hàng trăm cây hương ở xã Kriêng đã có đường kính gần 60-80 cm.

Từ năm 2019, ông Rơ Mah Le được nghỉ hưu. Lúc này, ông đã xin được tiếp tục công việc bảo vệ rừng giáng hương, cánh rừng mà ông đã tâm huyết gìn giữ hàng chục năm nay.

Để giúp ông tuần tra, bảo vệ rừng, xã còn cắt cử thêm 2 người là ông Rơ Mah Kem và ông Nguyễn Hữu Mạnh thay phiên nhau giữ rừng, mỗi người 2-3 ngày/tuần. Tiền công gác rừng không đáng là bao nhiêu nhưng ai cũng tình nguyện ăn ngủ, "bám rừng" để đánh đuổi những đối tượng ở khu vực khác đang nhăm nhe "kho báu" giữa vùng biên này.

Cận cảnh cánh rừng giáng hương quý ở huyện vùng biên.

Hơn 30 năm qua, dưới sự bảo vệ của ông Le và người dân làng Grôn, cánh rừng giáng hương đã phát triển lên gần 1.000 cây lớn, nhỏ. Rễ cây giáng hương cắm sâu xuống đất, cây vươn lên hàng chục mét để đón ánh nắng.

Rừng giáng hương cũng là cái ô khổng lồ để che mát cho thảm động, thực vật sinh sôi, phát triển. Đứng giữa cánh rừng, chúng tôi cảm nhận được từng làn gió mát thổi ngang mặt, bên tai là tiếng chim hót líu lo.

Chuyện về người ăn cơm nhà vác tù và canh giữ kho báu vùng biên - 4

Sau khi nghỉ hưu, ông Rơ Mah Le đã tiếp tục xin ở lại bảo vệ rừng giáng hương.

Ông Le chia sẻ: "Từ xưa, chúng tôi bảo vệ rừng giáng hương này đều không có một phụ cấp gì. Lúc đó, tôi cùng dân làng thay nhau bảo vệ, tuần tra cánh rừng này. Gần đây, nhận thấy giá trị của cánh rừng giáng hương này, Nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ cho những người giữ rừng như chúng tôi, mỗi tháng 1-2 triệu đồng".

Theo ông Nguyễn Hữu Mạnh - một trong 3 người đang luân phiên nhau giữ rừng, rừng giáng hương cổ thụ đẹp như thế này thì công đầu phải là của ông Rơ Mah Le và dân làng Grôn cùng chung tay gìn giữ và bảo vệ.

"Khi có người lạ tiếp cận rừng giáng hương quý, dân làng thông tin ngay cho chúng tôi nắm được. Nhờ thế mà hàng chục năm nay, rừng giáng hương quý chưa bị mất một cây nào. Nhiều đoàn khách du lịch khắp nơi cũng thường đến tham quan, chụp ảnh và vui chơi ở rừng giáng hương này. Cách đây mấy tháng, gia đình tôi còn chọn nơi này để tổ chức đám cưới cho con. Chúng tôi coi rừng giáng hương này như là ngôi nhà thứ 2 của mình và hầu như đều ăn, ở tại nơi này luôn", ông Mạnh chia sẻ.

Chuyện về người ăn cơm nhà vác tù và canh giữ kho báu vùng biên - 5

Ông Rơ Mah Le nghỉ chân sau buổi đi gác rừng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Thịnh - Chủ tịch UBND xã Kriêng - nói: "Xã đánh giá rất cao về những công sức to lớn trong công tác bảo vệ rừng giáng hương của ông Rơ Mah Le và làng Grôn. Đây là một tài sản quý giá không chỉ cho huyện mà còn của tỉnh Gia Lai. Hiện xã cũng đã xây dựng phương án mở rộng khu rừng để bảo tồn giống gỗ giáng hương quý hiếm. UBND xã cũng đã đề nghị cấp trên cấp kinh phí đào giếng, kéo điện để phục vụ công tác bảo vệ rừng".