1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện về dòng họ gom tiền cho Bình tây Nguyên soái Mai Xuân Thưởng chống Pháp

Dòng họ Quách (ở khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) từng là dòng họ giàu có bậc nhất Bình Định xưa nhờ nghề nuôi tằm, ươm tơ, gắn liền với nhiều câu chuyện về vợ chồng Bà Chúa tằm Tây Vương Mẫu.

Thời chống Pháp, dòng họ này không chỉ đóng góp tiền của, mà nhà của họ còn là nơi bộ đội trú ẩn và làm kho chứa quân lương, vũ khí cho cách mạng. Bây giờ, những căn nhà lá mái kiến trúc cổ trên 100 năm tuổi của dòng họ này đang góp phần phát triển du lịch địa phương.

1. Nằm bên bờ sông Côn, cách trung tâm thị trấn Phú Phong chưa đầy 3km, khối Thuận Nghĩa mang vẻ đẹp của bức tranh nông thôn bình yên, hiền hòa. Đi theo những con đường bê tông uốn lượn ở đây, đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà xây nằm lọt thỏm giữa vườn rau xanh ngắt. Đặc biệt, nơi đây có nhiều ngôi nhà lá mái cổ kính đặc trưng kiến trúc Bình Định còn tồn tại.

Dừng chân trước căn nhà lá mái hình chữ "Môn", phía trước có tảng đá lớn khắc dòng chữ "Tịnh Nương Đường", chúng tôi được người dân "mách nước" rằng đây là một trong bốn căn nhà cổ của dòng họ Quách nổi tiếng nơi đây. Trong khuôn viên rộng lớn bao bọc quanh căn nhà là những luống rau mướt xanh. 

Chị Quách Nữ Thúy Nga cho biết, căn nhà này đang được cha chị là cụ Quách Văn Bôm (SN 1935, hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ Quách) trông coi. Đất canh tác ở Thuận Nghĩa là phù sa màu mỡ và nghề trồng rau đã có từ xa xưa. Nhiều thế hệ sau cứ vậy mà giữ lấy nghề của cha ông.

Chuyện về dòng họ gom tiền cho Bình tây Nguyên soái Mai Xuân Thưởng chống Pháp - 1
Cụ Bôm là người trông coi Tịnh Nương Đường.

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Bôm cho biết, theo gia phả, dòng họ Quách ở Thuận Nghĩa vốn gốc Hoa, người di cư đầu tiên sang Việt Nam là ông Quách Tịnh Nương định cư tại làng An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Ông Nương khởi nghiệp tại đây bằng nghề bán thuốc cao đơn hoàn tán. Sau khi lấy vợ người Việt, vợ chồng ông chuyển sang buôn bán và trở nên giàu có.

Sau nhiều đời buôn bán, đến đời thứ tư là ông Quách Hội Đồng (SN 1781) thì bắt đầu nhạt dần. Ông Đồng chỉ ham học thiên văn, địa lý, tướng số và mê thú điền viên. Một lần ngao du tới vùng đất Thuận Nghĩa, thấy non nước hữu tình, ông bán cả cơ nghiệp, rồi dẫn gia đình tới đây sinh sống. 

Phần lớn vùng đất Thuận Nghĩa khi đó thường bị sông Côn xâm thực, không thể canh tác, nhưng ông Đồng vẫn bỏ tiền ra mua cả một vùng rộng mênh mông. Nhiều người thấy thế cười chê, bảo ông dư tiền quẳng xuống sông, chẳng mấy chốc mà cơ nghiệp họ Quách phá sản. Nhưng ông Đồng chỉ cười nói: "Để rồi xem, 10 năm nữa thôi, vùng này sẽ được sông bồi đắp thành đất đai màu mỡ".

Ông Đồng nhìn nhận không sai, gần 10 năm sau, một trận lũ lớn xảy ra, sông Côn chuyển mình về phía Nam, đất đai Thuận Nghĩa được phù sa bồi đắp hàng trăm mẫu. Thấy vậy, ông Lý hương bấy giờ đòi giành lại đất. Nhưng ông Đồng kiên quyết không chịu, với cái lý: "Lúc sông nuốt đất của tôi, làng không bồi thường, giờ sông trả đất hà cớ gì làng lấy". 

Nhờ đọc nhiều sách vở, trong đó có cuốn "Đào công trí phú", ông Đồng nắm được cách trồng dâu nuôi tằm, phát triển nghề này trên vùng đất Thuận Nghĩa. Những nương dâu của họ Quách xanh ngát, tằm đong kén không khi nào bị hư, nhờ đó mà ngày càng ăn nên làm ra.

Chuyện về dòng họ gom tiền cho Bình tây Nguyên soái Mai Xuân Thưởng chống Pháp - 2
Tịnh Nương Đường của dòng họ Quách ở khối Thuận Nghĩa.

"Thời của cụ tứ tổ (ông Quách Hội Đồng), tằm nuôi không bao giờ bị hư, kén không bao giờ bị lép, vì vậy cơ nghiệp của dòng họ Quách ngày càng phát đạt. Kén bán không hết, cụ tứ tổ cho lập lò ươm tơ ở đầu làng. Tơ nhà họ Quách ươm cũng khéo, nổi tiếng khắp nơi nên tiêu thụ rất mạnh. 

Không bao lâu sau, nghề tằm đã làm nên cái đỉnh giàu có cho dòng họ Quách. Năm nào tơ tằm cũng mang về khoản lãi rất lớn, cụ tứ tổ dồn hết để mua ruộng. Đất của họ Quách khi đó cò bay thẳng cánh. Nhìn thấy cơ ngơi họ Quách, ai cũng ngợi khen cụ tứ tổ tài giỏi, biết cách làm ăn", cụ Bôm cho biết.

Vợ ông Quách Hội Đồng là bà Lê Thị Duệ. Bà là người có công rất lớn trong nghề nuôi tằm, ươm tơ ở Thuận Nghĩa. Bà vừa điều hành lò ươm tơ, vừa đảm nhiệm việc dạy dỗ con cháu trong dòng họ những bí quyết nuôi tằm; đồng thời tích cực truyền nghề cho những phụ nữ trong làng, để sau này hình thành nên làng nghề truyền thống danh vang một thời. 

Sau khi chồng mất (ông Đồng mất lúc 54 tuổi), bà Duệ không kham nổi sự nghiệp lớn chồng để lại, nên phải thu hẹp phạm vi hoạt động. Nhà họ Quách không mua thêm ruộng, không mở thêm buồng tằm, không dựng thêm nhà ươm tơ, vì vậy tiền thu về từ ruộng nương, tơ tằm hằng năm dồn chất thành đống trong nhà.

Sau khi bà Duệ mất, người dân gọi bà là Bà Chúa tằm Tây Vương Mẫu và lập miếu thờ. Hằng năm, vào ngày 5-5 âm lịch, dân làng đem lễ vật đến cúng kính bà tại miếu thờ. Ngày nay, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Thuận Nghĩa đã không còn, việc cúng Bà Chúa tằm Tây Vương Mẫu cũng đi vào quên lãng. Bây giờ, trong dịp lễ cúng Tết thanh minh, người dân kết hợp tổ chức cúng cho Bà Chúa tằm Tây Vương Mẫu ở miếu và đình làng. 

"Ông bà xưa kể, bà tứ tổ là người rất năng nổ. Việc nhà bà giao trọn cho bà thứ và các con dâu, phần bà luôn sát cánh cùng chồng trong công việc đồng áng và sản xuất tơ tằm. Bà là tấm gương sáng con cháu noi theo. Thế hệ con cháu chúng tôi rất tự hào mỗi khi nhắc đến vợ chồng cụ tứ tổ", cụ Bôm chia sẻ.

Chuyện về dòng họ gom tiền cho Bình tây Nguyên soái Mai Xuân Thưởng chống Pháp - 3
Con cháu dòng họ Quách tiếp nối truyền thống hiếu học.

2. Đến đời thứ sáu là ông Quách Khanh Đạo, dòng họ Quách vào thời kỳ hưng thịnh, là dòng họ giàu có nhất Bình Định thời bấy giờ. Ruộng đất dù không mua nữa, nhưng mênh mông, trải dài khắp huyện Tây Sơn và cả huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định). 

"Thời kỳ này, cụ lục tổ cho bó tiền thành bó, mỗi bó 10 quan. Tiền "ăn sáu" chất trên lẫm thượng, tiền "ăn ba" cất nơi buồng trong. Tiền kẽm thì chất ở vách trong, từ nhà dưới lên đến nhà trên, từ nhà trên đến nhà lẫm, từ chân tường đến mái nhà. Nhà họ Quách khi ấy trông như một cái kho tiền. Thời ấy tỉnh Bình Định có 4 dòng họ giàu có nổi tiếng, gồm: nhất Bình ở Thuận Nghĩa, nhì Danh ở Tuy Viễn, tam Hanh ở Mỹ Đức và tứ Huệ ở Tri Thiện. Nhất Bình chính là dòng họ Quách chúng tôi", cụ Bôm tự hào nói.

Năm 1885, phong trào Cần Vương khởi nghĩa chống Pháp, dòng họ Quách ở Thuận Nghĩa đã tự nguyện ủng hộ cả về quân lương lẫn binh khí. Lúa gạo lúc nào cũng được dòng họ Quách chuẩn bị sẵn trong nhà, bất cứ lúc nào Bình Tây Nguyên soái Mai Xuân Thưởng cần là cho quân đến lấy. Nồi bung, nồi bảy bằng đồng trong dòng họ cũng gom góp hiến hết cho nghĩa binh để lấy đồng rèn binh khí.

Trong vòng 9 năm, từ 1908 - 1917, dòng họ Quách lần lượt xây dựng 4 căn nhà trong 4 trang viên ở Thuận Nghĩa, tất cả do một tay ông Quách Nghĩa Viễn là thất tổ của dòng họ thiết kế. 

Ông Viễn không chỉ là người giỏi về tướng số, mà còn giỏi về kiến trúc. Căn nhà từ đường chính được thiết kế 5 gian 2 chái, nằm trong trang viên rộng 2ha lấy tên Tịnh Nương Đường (lấy theo tên ông tổ Quách Tịnh Nương). Ba căn nhà khác, mỗi căn được thiết kế 3 gian 2 chái, nằm trong trang viên rộng 1ha, lấy tên là Quách Thúc Đường, Quách Phổ Đường và Quách Trọng Đường, làm nhà từ đường cho 3 nhánh trong họ tộc.

Chuyện về dòng họ gom tiền cho Bình tây Nguyên soái Mai Xuân Thưởng chống Pháp - 4
Chị Nga tưới rau trong trang viên Tịnh Nương Đường.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, 4 căn nhà nói trên của dòng họ Quách dùng cho bộ đội trú ẩn. Trong đó, Tịnh Nương Đường còn làm kho chứa quân lương, vũ khí cho bộ đội. 

Năm 1947, Pháp dùng máy bay oanh tạc Tịnh Nương Đường nên nhiều chỗ bị trúng đạn, nhưng may mắn không bị hư hỏng nhiều. Cách đây khoảng chục năm, một phái đoàn Nhật Bản đến Thuận Nghĩa để khảo sát 4 căn nhà của dòng họ Quách. Trong 4 căn, họ chọn căn nhà lấy tên Quách Trọng Đường đưa vào danh sách hỗ trợ bảo tồn vì còn giữ gần như nguyên bản nét kiến trúc nhà cổ xưa.

Được biết, năm 1995, các cháu thế hệ đời thứ 10 của dòng họ Quách đã sưu tập, ghi chép, nghiên cứu… cho ra cuốn "Phổ lục Quách gia", được xem là tài liệu ghi chép chính thống của gia tộc. Bây giờ, ở khối Thuận Nghĩa, họ Quách hiện còn 40 hộ sinh sống, con cháu thành đạt lập nghiệp ở các nơi. Mỗi năm vào ngày mất của ông tổ, con cháu họ Quách ở mọi miền tập trung về Tịnh Nương Đường cúng giỗ và ôn lại truyền thống của dòng họ. 

"Tôi rất mừng là vài năm trở lại đây, một số công ty du lịch đã đưa khách đến tìm hiểu văn hóa, lịch sử của Thuận Nghĩa; đồng thời trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt trong những ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi của dòng họ Quách chúng tôi", cụ Bôm cho biết.

Ông Trần Xuân Tây - Trưởng khối Thuận Nghĩa cho biết: "Nhiều năm qua, khối Thuận Nghĩa là khối văn hóa của thị trấn, không xảy ra tệ nạn, có truyền thống hiếu học được các cấp chính quyền khen tặng. 

Trong đó, phải kể đến dòng họ Quách với 15 năm được Hội khuyến học Trung ương khen tặng là dòng họ hiếu học; nhiều năm liền được các cấp, ngành khen thưởng dòng họ an ninh tốt. Hiện nay, 4 căn nhà lá mái kiến trúc nhà cổ trên 100 năm tuổi của dòng họ Quách đang góp phần vào việc phát triển du lịch Thuận Nghĩa, một làng quê thuần nông ven sông, bình dị mà hấp dẫn".

Theo Phan Nhuận PhinCông an nhân dân