Chuyển từ ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị trên, diễn ra ngày 20/4 tại Hà Nội.

Chuyển từ ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai - 1

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn 

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê. 

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2022 là năm thiên tai diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, xuất hiện các hiện tượng cực đoan, gây nhiều thiệt hại người, tài sản, sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng... ước thiệt hại kinh tế khoảng 1.265 tỷ đồng. 

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, năm 2022, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố nói chung, công tác phòng, chống ngập lụt đô thị nói riêng đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng của một số ngành, địa phương chưa được tốt. Hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố. Một số dự án, công trình đã được bố trí vốn nhưng chưa thể thi công hoàn thành do công tác giải phóng mặt bằng bị chậm trễ, kéo dài...

Để khắc phục tình trạng này, thành phố kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ vốn triển khai các dự án phòng, chống thiên tai; xây dựng hành lang thoát lũ các tuyến sông trên địa bàn thành phố, hỗ trợ thành phố rà soát, nghiên cứu có giải pháp tổng thể chống ngập trước mắt và lâu dài.

Đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm để làm tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai thời gian tới, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai việc theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước. Cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, triều cường, sóng lớn,... Ngành tăng cường ứng dụng công nghệ và công cụ mới nhằm chi tiết hóa và truyền tải các thông tin dự báo; hoàn thiện công cụ, hệ thống dự báo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai.

Cùng với đó, ngành Tài nguyên và Môi trường duy trì và phát triển các loại thông tin và các hình thức truyền tải bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn mới tới người dùng như ứng dụng trên điện thoại di động, Facebook, Zalo, Youtube,...

Dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo chính xác, kịp thời

Chuyển từ ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai - 2

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Nguyễn Dương).

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế đã có sự phối hợp, hỗ trợ, hợp tác nhằm hạn chế rủi ro thiên tai và tái thiết sau thiên tai. Do đó, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo Phó Thủ tướng, công tác phòng, chống thiên tai năm qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế kéo dài, đó là vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai. Việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện, chưa sát với thực tế. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình phòng, chống thiên tai nói riêng còn thấp. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế. Nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu...

"Trước diễn biến thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan, công tác phòng, chống thiên tai ngày càng khó, trong khi đó nguồn lực đối với công tác này không thay đổi. Đây chính là những vấn đề ảnh hưởng không nhỏ trong công tác phòng, chống thiên tai", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, cần tiếp tục thay đổi tư duy của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện phương châm chuyển từ "ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa" trong phòng, chống thiên tai.

Các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai, có sự tham mưu, điều chỉnh các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của thiên tai. Đầu tư nguồn lực cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo yêu cầu chính xác, kịp thời.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai. Các địa phương cần quan tâm đến việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai) tổng hợp kiến nghị các địa phương để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý, Phó Thủ tướng lưu ý.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm