1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện tình của người chỉ huy xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập

Hình ảnh chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975 đã đi vào huyền thoại, trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Thế nhưng, ít ai biết, ở ngoài đời, người lái chiếc xe tăng này có một tình yêu thật đẹp, thật lãng mạn với người vợ của mình. Suốt 4 năm trong quân ngũ, họ yêu nhau chỉ qua những lá thư, và rồi nên vợ thành chồng sau một lần hẹn hò.

Bỏ danh vọng về chăm vợ ốm

Hơn 40 năm nay, cứ đến tháng Tư, ngôi nhà nhỏ của ông Vũ Đăng Toàn rộn tiếng cười, khách từ khắp nơi trở về đây hỏi thăm ông. Dù đã bước qua tuổi 70 nhưng người chỉ huy chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào trưa 30 -4 vẫn rất khỏe mạnh và tinh anh.

Cho đến bây giờ, ông Toàn vẫn cho rằng mình chỉ là người may mắn vì được chỉ huy chiếc xe tăng húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập vào đúng thời khắc lịch sử. Trên xe 390 lúc đó còn có pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên; pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng và lái xe Nguyễn Văn Tập.

Ông Toàn và vợ xem lại những bức ảnh cưới.
Ông Toàn và vợ xem lại những bức ảnh cưới.

Với ông, để có hòa bình ngày hôm nay là công sức, là máu của biết bao chiến sĩ, bao con người Việt Nam. Chỉ tay về ngôi nhà xây dựng dở dang, ông Toàn cho biết: “Đây là tâm nguyện bao nhiêu năm của gia đình tôi. Bên cạnh sự cố gắng của mọi người trong nhà còn có sự ủng hộ, chia sẻ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân TP Hồ Chí Minh”.

Có lẽ những ngày tháng khó khăn nhất với ông Toàn là khi rời quân ngũ trở về địa phương. Mẹ già, đàn con nheo nhóc… tất cả trông vào mấy sào ruộng. Cái khó ló cái khôn, nhận thấy hợp tác xã có cái ao bỏ không nhiều năm, ông Toàn bàn với vợ nhận ao đấu thầu để thả cả, kết hợp với nghề làm bánh đa truyền thống của gia đình.

“Từ khi đấu thầu ao để thả cá, tận dụng nuôi thêm lợn, gà, gia đình tôi cũng bớt khó khăn. Cũng may là bà ấy luôn đồng lòng, luôn ủng hộ những quyết định của tôi” – Ông Toàn chia sẻ.

Trong một lần tình cờ, ông Toàn nhận được lời mời của PGS.TS Nguyễn Thị Hòe – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn KoVa Hà Nội đến trụ sở của công ty nói chuyện với công nhân về giây phút lịch sử ông và đồng đội húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4 năm nào. Lần đó, bà Hòe vô cùng bất ngờ trước hoàn cảnh khó khăn của ông Toàn nên đã ngỏ ý muốn giúp đỡ.

Để tri ân những người chiến sĩ có công, bà đã mời ông Toàn về công ty của mình làm việc. “Tôi biết là bà Hòe có ý tốt, muốn giúp đỡ những người như chúng tôi, nhưng khi nghe lời mời về công ty làm, tôi rất ngại. Tôi phải suy nghĩ rất lâu, bởi vợ con ở nhà, công việc còn dang dở, chưa đâu vào đâu. Tôi mà đi thì mình nhà tôi không thể cáng đáng nổi.

Nhưng vì cuộc sống quá khó khăn, lại không muốn phụ lòng tốt của bà Hòe nên tôi nhận lời. Tôi được phân công làm bảo vệ tại Công ty Sản xuất sơn đường giao thông có trụ sở ở Bắc Ninh (thuộc Tập đoàn Sơn KoVa)”.

Khi ấy, công ty còn chưa qui mô như bây giờ, chỉ có khoảng 30 công nhân đến từ nhiều tỉnh, thành. Mặc dù làm bảo vệ nhưng ông Toàn luôn gương mẫu, chưa bao giờ để mất mát gì. Biết ông là người chỉ huy chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập nên nhiều người rất quý trọng. Sau một thời gian làm việc, ông Toàn được tin tưởng và được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc rồi Quyền Giám đốc Công ty Sơn giao thông.

Cuộc sống giản dị của vợ chồng ông Toàn.
Cuộc sống giản dị của vợ chồng ông Toàn.

Có lẽ đây là giai đoạn thực sự khó khăn của ông Toàn, bởi ông chỉ biết cầm súng, lái xe tăng chứ mảng kinh tế thì còn nhiều lạ lẫm. Thế nhưng, những khó khăn đó chẳng làm nhụt chí người lính Cụ Hồ đã từng kinh qua chiến đấu. Ông Toàn bắt đầu học cách làm kinh tế qua nhiều kênh, qua nhiều người, thậm chí cả cấp dưới của mình. Ông Toàn cười hiền hậu, nói với chúng tôi: “Lúc đó thực sự là giai đoạn khó khăn với tôi. Tuy nhiên, tôi tự nhủ phải quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, không thể để phụ lòng tin tưởng của mọi người.

Tôi luôn tâm niệm, ở vị trí nào mình cũng cần phải gương mẫu, làm hết khả năng của mình. Có như vậy công nhân mới nghe và làm theo mình. Mình không nên đặt vai trò là người quản lý, mình phải là người bạn, người đồng nghiệp. Đặc biệt là phải biết lắng nghe những tâm sư của họ, phải trung thực và hết sức thẳng thắn”.

Năm 1999, công ty đang đi vào giai đoạn ổn định, phát triển thì ông Toàn bất ngờ xin nghỉ việc. Khi ấy tất cả công nhân và lãnh đạo của tập đoàn đều sửng sốt. Mọi người nghĩ phải có lý do đặc biệt mới khiến ông rời bỏ vị trí lãnh đạo. Thế nhưng, ông chỉ nhẹ nhàng nói với mọi người, gia đình là quan trọng nhất, ông không thể xa gia đình khi vợ thường xuyên đau ốm, ông phải trở về để lo công việc gia đình.

Tình yêu nảy nở qua những lá thư

Ông Toàn sẵn sàng từ bỏ vị trí lãnh đạo để trở về chăm sóc vợ, lo cho gia đình đủ thấy ông dành tình cảm lớn thế nào với vợ. Quả thực, qua cách ông nói chuyện với bà, chúng tôi hiểu điều gì là quan trọng nhất với ông.

Kể về chuyện tình yêu của hai người, bà Nguyễn Thị Đông (65 tuổi, vợ ông Toàn) ngượng ngùng: “Chúng tôi yêu nhau qua những lá thư thôi. Tháng 12/1974, vợ chồng cưới xong ở với nhau chưa được chục ngày thì ông ấy nhận lệnh của đơn vị vào chiến trường miền Nam.

Dù buồn lắm nhưng vì đất nước, vì Tổ quốc, tôi vẫn động viên chồng mình lên đường, hoàn thành nhiệm vụ”. Ông Toàn thêm lời: “Đúng đấy, nếu không có những lá thư, làm sao mà tôi với bà đến được với nhau”.

Ngày ông Toàn lên đường nhập ngũ, hình ảnh bà Đông trong ông chỉ là một cô bé hàng xóm mới lớn… Mãi đến năm 1967, được về phép thăm nhà lần đầu tiên, ông mới giật mình bởi cô bé Đông ngày nào giờ đã trở thành thiếu nữ. Ngay từ lúc đó, ông Toàn đã có linh cảm cô bé này có gì đó đặc biệt, gần gũi với mình lắm, vậy là trái tim anh bộ đội đã biết rung động. “Tôi cũng không biết nhiều về ông Toàn.

Thấy mọi người trong làng hay trêu đùa là anh Toàn thích mày đó, ý mày thế nào? Tôi chỉ ngại, cũng chẳng biết nói sao nữa. Nhà tôi với nhà ông ấy gần nhau lắm, tôi đi làm ruộng là phải đi qua nhà ông ấy. Cái hôm nghỉ phép nhìn thấy tôi, ông ấy có lời hẹn tôi đi chơi nhưng tôi không đi vì ngại” – Bà Đông kể lại.

Sau lần hẹn hò không thành ấy, tưởng chừng hình ảnh cô thôn nữ đã xóa nhòa trong tâm trí của ông Toàn. Thế nhưng, sau 3 năm, ông quyết định viết thư về cho bà Đông với mục đích “thăm dò”. “Tôi định viết kiểu thăm dò xem ý tứ bà ấy thế nào. Nếu mình viết rõ nội dung, nhỡ đâu bà ấy lấy chồng rồi thì sao. Lá thư ấy tôi viết hỏi thăm sức khỏe, chuyện làng chuyện xóm và không quên cài cắm xem ý tứ bà ấy ra sao” – Ông Toàn kể.

Bà Đông nhớ lại cảm xúc của mình khi nhận được lá thư đầu đời của người lính xe tăng: “Hôm đó, tôi đang làm ngoài đồng thì người đưa thư nói có thư của bộ đội gửi. Tôi đã ngờ ngợ là của ông ấy. Khi mở ra thì đúng là ông Toàn viết thư cho mình thật. Vui thì có vui nhưng hoang mang lắm, không biết những lời trong thư là thật hay đùa. Tôi đã để lá thư đó ở đầu giường, đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Mãi sau này tôi mới hồi âm”.

Cứ như thế, đôi bạn trẻ đã gửi thư qua lại cho nhau rất nhiều lần. Đến năm 1974, ông Toàn hoàn thành lớp sĩ quan cao cấp, được đơn vị cho nghỉ phép. Không biết được hay không nhưng trước khi về, ông làm liều, báo cáo đơn vị cho nghỉ dài ngày để cưới vợ.

Nói đến đây ông Toàn hào hứng: “Đúng là làm liều thật. Về quê mà bà ấy không đợi được mình mà đã lấy chồng rồi thì xấu mặt lắm. Ai ngờ lần đó chúng tôi cưới nhau thật. Biết ý của tôi, vừa đặt chân đến nhà, ông anh rể đã gọi sang và nói: Bé Đông vẫn chờ cậu đó, cậu tính xem thế nào?

Tôi nói: Chúng em mới chỉ tìm hiểu nhau qua thư thôi, biết đâu giờ về cô ấy lại không đồng ý thì sao? Tối hôm sau, ông anh rể bố trí cho hai đứa gặp nhau tại nhà anh ấy. Sau buổi tối lần đầu tiên đó, chúng tôi quyết định đi đến kết hôn. Tôi còn nhớ như in hôm ấy, khi tôi nói mình cưới nhau thì Đông lưỡng lự một lúc rồi đồng ý. Ngày đó chiến tranh mà, quyết định nhanh lắm, không đắn đo và nhiêu khê như bây giờ đâu”.

Ông Toàn trong buổi gặp mặt đồng đội cũ.
Ông Toàn trong buổi gặp mặt đồng đội cũ.

Vậy là đám cưới đạm bạc được tổ chức ngay giữa những tháng ngày khốc liệt nhất của chiến trường miền Nam. Đám cưới nghèo nhưng thật vui, ấp ám và ngập tràn hạnh phúc. Ông Toàn nhớ lại: “Ngày cưới, hai bên đã chuẩn bị rất kỹ càng mọi thứ. Đến lúc cô dâu sắp về đến nhà trai thì mấy ông chú ở nhà mang pháo cho vào chảo hong cho đỡ ẩm. Không may, nóng quá, pháo nổ hết mà cô dâu vẫn chưa kịp đến nơi.

Mọi người nháo nhào chạy đi mua bánh pháo khác cho kịp giờ đón dâu. Đó là kỷ niệm mà tôi nhớ mãi, sau này kể cho các con, đứa nào cũng cười lăn ra. Đến giờ mới thấy mình còn rất may mắn. Không chỉ may mắn được chỉ huy chiếc xe húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử mà còn may mắn có được người bạn đời hết lòng vì chồng con”.

Theo Phong Anh

(Báo Công an Nhân dân)