Chuyện tình "cổ tích" của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
(Dân trí) - Đến với nhau trong khói lửa chiến chinh, ở với nhau được một ngày là biền biệt suốt mấy mươi năm, gần 60 năm chung sống, món quà đẹp nhất ông tặng bà là đôi dép cao su và một bài thơ. Tướng Thước tự nhận mình là người “nể” vợ.
Giây phút định mệnh
Ông là một trong những vị tướng tài ba đã từng giữ chức tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, tư lệnh trưởng quân khu 4 - góp công lớn vào chiến thắng miền Nam giải phóng đất nước... Sự can trường, tài thao lược của trung tướng Nguyễn Quốc Thước là những bức hoành phi lịch sử được đất nước ghi nhận. Nhưng câu chuyện tình của vị tướng danh tiếng này dường như là khoảng trời bí mật mà mãi sau này, khi ở cái tuổi xế chiều, tướng Thước mới bật mí câu chuyện tình yêu như một huyền thoại giữa đời thường
“Nam chinh bắc chiến” suốt bao năm, trải bao chiến trường khốc liệt trong Nam, ngoài Bắc nhưng đến năm 32 tuổi, ông Thước vẫn chưa “có một mảnh tình vắt vai”. “Mà chiến trường sống - chết cách nhau chỉ trong gang tấc, thế nên không chỉ anh em trong đơn vị sốt ruột mà ngay cả người mẹ ở quê cũng liên tục đánh điện “thúc” tôi lấy vợ sớm”, tướng Thước cười nói.
Nhớ lại thời gian đó, tướng Thước bùi ngùi: “Dù cuộc gặp gỡ diễn ra chóng vánh chưa kịp hỏi han chuyện trò, thậm chí ngay ngày hôm sau tôi đã phải quay trở lại chiến trường nhận nhiệm vụ mới nhưng không hiểu sao lúc đó bằng linh cảm tôi tin đây nhất định là người con gái mà tôi cần tìm”.
Chỉ một tuần sau đó, ở trong chiến trường tướng Thước đánh điện cho bố mẹ mang trầu cau dạm hỏi nhà gái, nhận được cái gật đầu của bên đó, ông tức tốc xin phép cấp trên về nhà “cưới vợ” ngay.
Mối tình son sắt giữa bom đạn
Cũng như nhiều người vợ thời chiến khác, khoảng thời gian cô dâu Phan Thị Thủy được gần chồng chỉ tính bằng giờ. “Vợ chồng có gần trọn một ngày bên nhau, gần trọn một ngày để rời xa tiếng súng, bom rơi, đạn nổ. Chiến tranh dân tộc trải dài bao năm, chưa đến hồi kết, được bên nhau như vậy cũng đã là vẹn tròn”, ông Thước ngậm ngùi nhớ lại. Ngay sau đó, ông Thước được điều vào Bình Định làm công tác tham vấn, bắt đầu từ đây là quãng thời gian đằng đằng vợ chồng xa cách nhau.
Sốt ruột có cháu bế, mẹ chồng đã “chỉ thị” cho bà Thủy bằng mọi giá phải vào Quảng Bình để gặp tướng Thước. Nghe lời mẹ, ngay hôm sau bà Phan Thị Thủy từ Vinh vào chiến trường, dựng lán ở gần đơn vị bộ đội, chấp nhận ăn khoai sắn, nguy hiểm cận kề chỉ để được gần chồng. Tuy nhiên, ngay một năm sau đó, ông Thước lại nhận lệnh vào chiến trường miền nam.
Có giai đoạn, hai ông bà biệt tin nhau. Nhiều người lính từ chiến trường trở về còn thông báo ông Thước bị bom đánh bỏ xác ngoài mặt trận hay ông Thước đã có vợ con đuề huề trong Nam. Những lúc đó, bà Thủy chỉ biết ôm con khóc rưng rức nhưng vẫn giữ lòng thủy chung, son sắt với ông mà nhất quyết không chịu nhận lời mai mối của bất cứ ai.
“Tôi là người... nể vợ”
Tướng Thước tâm sự, nếu được phép chọn lại ông không thể tìm được người phụ nữ nào tốt hơn bà. Lấy nhau trong thời chiến nên không có những phút giây hẹn hò lãng mạn nhưng chính lòng tin, sự hi sinh son sắt vì nhau là sợi dây kết nối bền chặt giữa ông và bà. Tướng Thước cười khà: “Cũng có lần bà ấy ghen vì tôi vắng nhà biền biệt, biết ý tôi dành tiền đi công tác mua một cân cá khô bà ấy thích về “nịnh” thế là lại êm xuôi...”.
Gần 60 năm chung sống, món quà đẹp nhất ông tặng bà là đôi dép cao su - hồi đó đây được coi là món quà oách nhất làng. Sau này, trong lá thư ông gửi về, có thêm một món quà là bài thơ ông sáng tác dành riêng cho bà. Tự nhận mình là người sợ vợ, ông bảo: “Chúng tôi thỉnh thoảng có tranh luận nhưng mỗi lần bà ấy nóng là tôi lại lánh tạm đi chỗ khác. Hoặc thấy không khí bắt đầu căng thẳng, tôi lại tìm những câu đùa để thay đổi không khí. Nói thật là tôi sợ làm bà ấy buồn...”.
Suốt 11 năm nay bà Thủy bị tai biến phải ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt đều do tướng Thước chăm sóc. Đến ngay cả những công việc vệ sinh cá nhân cũng một tay ông đảm nhiệm. Ông trầm ngâm: “Nhiều người bảo tại sao tôi không giao những công việc này cho người giúp việc nhưng với tôi được chăm sóc bà ấy mỗi ngày là một hạnh phúc. Thời trẻ bà ấy đã hi sinh làm hậu phương vững chắc cho tôi công tác. Giờ là lúc tôi bù đắp cho bà ấy...”.