1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện tình ấm áp của đôi vợ chồng mù

(Dân trí) - Chị bị mù bẩm sinh, anh bị mù năm 14 tuổi, tưởng chừng cuộc sống của họ đã rơi vào tăm tối. Nhưng duyên số đã cho họ gặp nhau, yêu nhau và xây dựng cuộc sống hạnh phúc bên những đứa con luôn rộn vang tiếng cười.

Đó là vợ chồng anh Nguyễn Tấn Bình và chị Nguyễn Thị Tường Vy (tổ 25, phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Anh sinh năm 1968, năm lên 14 tuổi, trong một lần cuốc đất trồng cây, cuốc phải mìn thời chiến tranh còn sót lại nên bị hư hẳn mắt phải, mắt trái nhìn mờ mờ. Đến năm 1992, anh được gia đình đưa đi phẫu thuật con mắt trái với hy vọng anh còn có thể nhìn thấy một chút ánh sáng. Nhưng cuộc phẫu thuật không thành công, con mắt còn lại cũng mù hẳn.
Chị ít hơn anh 5 tuổi, bị mù bẩm sinh. Nhà chị có 3 anh em, anh trai và em gái đều lành lặn, chỉ mình chị bị mù. Nhiều lúc chị thấy tủi lòng lắm, không thiết sống nữa, muốn bỏ đi đâu thật xa để không phải làm gánh nặng cho gia đình.
Rồi anh chị gặp nhau tại Trung tâm hướng nghiệp của hội người mù tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (bây giờ là thành phố Đà Nẵng).
Chuyện tình ấm áp của đôi vợ chồng mù - 1

Hàng ngày, hai vợ chồng anh Bình đẩy xe đi bán hàng dạo

“Hồi đó, tui chỉ nghe người ta tả cô ấy là một có dáng người mảnh mai, nhỏ nhắn, khuôn mặt dễ thương. Mới nghe đã thấy xốn xang rồi”, anh Bình bồi hồi nhớ lại thuở mới yêu.
 
Còn chị Vy thì cảm phục anh “sao biết đường rành thế”. Dù không nhìn thấy gì nhưng anh đi đường rất giỏi, có lần đi trên đường Chu Văn An, chị rẽ qua đường thì anh kéo lại “sao chưa đến ngã ba mà đã rẽ”. Anh còn cười bảo: “Nếu ấy muốn biết đường thì mình sẽ dẫn đường cho ấy cả đời”.
Cùng chung cảnh ngộ, cùng sống trong trung tâm, mới gặp nhau mà như đã thân thiết. Rồi “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, anh chị đến với nhau sau một năm quen biết. Người thân của anh chị lo lắng “mù lấy mù thì thấy đường ngõ đâu mà làm ăn”. Thế nhưng anh chị vẫn quyết đến với nhau. Một cuộc sống mới bắt đầu.

Cuộc sống mới với những người bình thường đã khó khăn rồi, còn với những người khiếm thị lại càng khó khăn hơn. Khó khăn hơn khi những đứa con lần lượt ra đời. Ban đầu anh chị vẫn làm việc ở trung tâm hướng nghiệp. Hàng ngày, anh chị làm tăm ở trung tâm, tối đến hai vợ chồng lại đưa tăm đi bán tại các nhà hàng. Nhiều hôm đi mãi mỏi nhừ cả hai chân nhưng cũng không được bao nhiêu.
Chuyện tình ấm áp của đôi vợ chồng mù - 2
Dù còn nhiều khó khăn nhưng gia đình anh Bình luôn hạnh phúc

Không nản chí, anh chị quyết định vay vốn sắm chiếc xe đẩy, đẩy hàng đi bán dạo. Hàng bán của anh chị là những chiếc chổi, các loại đồ nhựa, giẻ lau nhà, quạt giấy…Mỗi ngày, chị kéo phía trước, anh đẩy phía sau, xe của hai vợ chồng rong ruổi khắp các ngõ hẻm của thành phố từ sáng sớm đến tối mịt mới về, ngày kiếm được khoảng 30- 50 ngàn đồng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với anh chị là chưa nhận được sự đồng cảm từ xã hội.
Chị kể, nhiều lần đi bán hàng bị hư xe đưa vào tiệm sửa nhưng họ không sửa cho vì anh chị là người mù. Họ nghĩ rằng, nếu lấy tiền thì ngại mà không lấy tiền thì mất công nên một mực từ chối. Vậy là hai vợ chồng phải đẩy xe về nhà, đi mua đồ mới về thay. Có hôm xe hư, họ không sửa cho, từ ngã ba Huế về nhà chỉ khoảng vài ba cây số mà hai vợ chồng cò lưng ra đẩy từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều mới về đến nhà.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng gia đình anh chị luôn rộn vang tiếng cười của trẻ thơ. Niềm vui lớn đối với anh chị là cháu đều chăm ngoan, học giỏi.

Khánh Hồng